Trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị “siết” mạnh

(ĐTCK) Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP để trình Chính phủ với nhiều quy định mới nhằm quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường thời gian qua tăng trưởng “nóng”, tiềm ẩn rủi ro.
Trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị “siết” mạnh

Tăng trưởng nóng

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2017, có bước phát triển mạnh, qua đó giúp các doanh nghiệp huy động vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng;

Hỗ trợ các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực huy động vốn dài hạn để đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn; giảm bớt áp lực huy động vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại ; định hướng được các khoản đầu tư trung, dài hạn, thay vì gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn.

Theo thống kê, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2017 đạt 6,29% GDP, cuối năm 2018 đạt 9,01% GDP, cuối tháng 11/2019 đạt 10,93% GDP; trong đó, quy mô trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt 10,37% GDP, gấp hơn 6 lần so với năm 2011.

Từ khi Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 1/2/2019 đến cuối tháng 11/2019 đã có hơn 650 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với giá trị phát hành thực tế đạt 196.036,5 tỷ đồng.

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành trong nước đến cuối tháng 11/2019 tương đương 10,37% GDP, tăng 34% so với năm 2018 (8,57% GDP), cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có sự tăng trưởng “nóng”.

Tổ chức tín dụng là nhà phát hành lớn nhất, chiếm 35,7% khối lượng trái phiếu phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 22,5%; các doanh nghiệp chứng khoán chiếm 2,8%, các doanh nghiệp xây dựng, dịch vụ, sản xuất và các doanh nghiệp khác chiếm 39% khối lượng phát hành.

Cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng đa dạng, bên cạnh các công ty chứng khoán và tổ chức tín dụng (chiếm 63% khối lượng phát hành sơ cấp), tỷ lệ mua trái phiếu của các quỹ đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm, các nhà đầu tư khác tăng so với năm 2018.

Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 4,15 năm, tăng 0,65 năm so với năm 2018, cho thấy các doanh nghiệp tăng cường huy động vốn trung và dài hạn.

Trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị “siết” mạnh ảnh 1

Tiềm ẩn rủi ro

Tổng hợp tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội báo cáo và kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên bộ về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, xu hướng nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp ngày càng tăng.

Tuy nhiên, bên cạnh nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư còn có các nhà đầu tư nhỏ, lẻ năng lực tài chính hạn chế và không có kinh nghiệm đầu tư.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ tập trung chào bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân.

Sự gia tăng của nhà đầu tư cá nhân gồm cả nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ trong khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, đặc điểm của trái phiếu, đồng thời thiếu khả năng phân tích, đánh giá…, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư này.

Trường hợp doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, dẫn đến không thực hiện đầy đủ hoặc không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư (mua lại trước hạn theo thỏa thuận, thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp) thì phạm vi bị ảnh hưởng lớn, gây bất ổn cho thị trường tài chính và xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, thị trường vốn nói chung.

Nghị định 163/2018/NĐ-CP đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu, nhưng có hiện tượng doanh nghiệp tập trung phát hành cho nhà đầu tư cá nhân thông qua việc chia nhỏ làm nhiều đợt, gồm nhiều mã, để đáp ứng quy định của Luật Chứng khoán về phát hành riêng lẻ (số lượng nhà đầu tư cá nhân dưới 100 người, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp), trong khi thực chất gần như phát hành ra công chúng (có điều kiện phát hành cao hơn).

Đáng chú ý, có hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành nhiều đợt không gắn với nhu cầu huy động vốn cho sản xuất - kinh doanh; doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu thấp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn, tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.

Theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong 11 tháng đầu năm 2019, có 28/177 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu (chiếm 27,8% tổng khối lượng phát hành), trong đó 11 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 50 lần vốn chủ sở hữu, 6 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 100 lần vốn chủ sở hữu.

Trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, một số doanh nghiệp không làm rõ mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.

Lãi suất trái phiếu cao có thể tác động đến mặt bằng lãi suất trên thị trường ngân hàng, ảnh hưởng đến mục tiêu điều tiết lãi suất ổn định vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước.

Lãi suất trái phiếu cao đồng nghĩa với áp lực trả lãi lớn và doanh nghiệp dễ gặp rủi ro thanh toán trong trường hợp hoạt động kinh doanh có những yếu tố tác động bất lợi ngoài dự báo, nhất là khi phương án sử dụng vốn vay không thực sự có khả năng mang lại hiệu quả cao.

Sẽ nâng điều kiện phát hành

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP có những thay đổi lớn về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ, nhằm bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ, cũng như hạn chế nguy cơ từ tình trạng lạm dụng huy động vốn qua kênh này.

Một là, chỉ phát hành và giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong suốt vòng đời của trái phiếu.

Hiện tại, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về số lượng 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ như quy định của Luật Chứng khoán năm 2010.

Đối với giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị định quy định, trái phiếu bị hạn chế giao dịch trong phạm vi 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Theo thông lệ các nước, phạm vi phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ giới hạn trong các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

Luật Chứng khoán năm 2019 cũng quy định theo hướng này đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty đại chúng; đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng, Luật quy định thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Do Luật Chứng khoán 2019 chưa có hiệu lực thi hành, Luật Doanh nghiệp đang được sửa đổi, nên để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mua trái phiếu doanh nghiệp khi chưa nắm bắt được đầy đủ thông tin, không có kinh nghiệm đầu tư và khả năng phân tích rủi ro, Bộ Tài chính kiến nghị, trước mắt sửa đổi theo hướng việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ được thực hiện trong phạm vi 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong suốt vòng đời của trái phiếu (thay cho quy định hiện hành tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP là trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành).

Hai là, giới hạn khối lượng phát hành, nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.

Dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu theo hướng doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành ra công chúng, với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn.

Nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã khác nhau cho các nhà đầu tư cá nhân, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm, dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu là 6 tháng và quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.

Quy định này thống nhất với quy định về khoảng cách giữa các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ và trái phiếu chuyển đổi theo Luật Chứng khoán năm 2010.

Ba là, dự thảo Nghị định quy định về lãi suất phát hành. Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định lãi suất phát hành trái phiếu không được vượt quá mức lãi suất theo quy định tại Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 (không quá 20%/năm - PV), quy định lãi suất phát hành trái phiếu là chi phí lãi vay của doanh nghiệp khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.

Dự thảo Nghị định được xây dựng và ban hành theo quy trình thủ tục rút gọn để sớm triển khai thực hiện.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, đây là giải pháp mang tính cấp bách để quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường tăng trưởng “nóng”, các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Phương Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ