Trái phiếu doanh nghiệp bớt nóng

(ĐTCK) Việc Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm 2022 quy định chặt chẽ hơn hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thương mại bắt đầu khiến thị trường này giảm tốc.

Ngân hàng không còn “mặn mà”

Chị Hồng Nhung ở Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy kể, cuối tuần qua tự dưng nhận được tin nhắn qua điện thoại của nhân viên một ngân hàng về chương trình tặng quà cho khách hàng gửi từ 12 tháng trở lên với lãi suất 10%/năm. Đặc biệt, chương trình còn tặng quà cho khách hàng, từ va li du lịch đến nồi chiên không dầu, máy lọc không khí và 1 chỉ vàng SJC… khiến chị khá hào hứng.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu cụ thể hơn, chị Nhung được cho biết, đây là chương trình mua trái phiếu của các công ty bất động sản thuộc Tập đoàn X do Công ty Chứng khoán Y cũng thuộc tập đoàn này phát hành.

“Thấy tôi có vẻ phân vân, cô nhân viên nhanh nhảu nói, chương trình này ‘hot’ nên chỉ ‘chạy’ trong 15 ngày đầu tháng 3, chị cần quyết sớm không lỡ cơ hội”, chị Nhung kể.

Trong một trường hợp khác, anh Minh Hiếu ở Phố Huế, quận Hai Bà Trưng cho biết, trước đây, khi tới gửi tiết kiệm, anh thường được nhân viên ngân hàng giới thiệu mua trái phiếu do chính ngân hàng bảo lãnh với lãi suất cao hơn đi kèm nhiều ưu đãi khác.

“Tuy nhiên, tuần qua, do có một món tiền tiết kiệm đến kỳ đáo hạn, tôi có hỏi về chương trình trái phiếu nào do ngân hàng bảo lãnh thì được cho biết là không có và giới thiệu sang công ty chứng khoán nằm trong hệ sinh thái của ngân hàng. Lãi suất trái phiếu của công ty chứng khoán này được nhân viên ngân hàng ‘chào’ không thấp hơn 11%/năm cho doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản”, anh Hiếu nói.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, việc ngân hàng hạn chế đứng ra bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến Thông tư 16/2021/TT-NHNN hiệu lực từ 15/1/2022 quy định về hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thương mại.

Theo đó, tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. TCTD cũng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để cơ cấu nợ, góp vốn mua cổ phần và tăng vốn. Đồng thời, TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi doanh nghiệp đáp ứng nhiều điều kiện khá ngặt nghèo.

“Đó là chưa kể Thông tư 16/2021 quy định TCTD phải giám sát dòng tiền của doanh nghiệp phát hành sau khi mua trái phiếu của doanh nghiệp đó”, vị tổng giám đốc trên nói.

Năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ với khoảng 665.700 tỷ đồng trái phiếu được huy động qua kênh riêng lẻ, công chúng và 6 đợt phát hành giá trị 1.740 triệu USD qua kênh quốc tế, tăng 49% so với năm 2020. Kỳ hạn bình quân là 4,15 năm, lãi suất bình quân là 8,1%/năm. Trong đó, trái phiếu bất động sản chiếm 34,3% tổng lượng trái phiếu phát hành, đạt 228.400 tỷ đồng, tiếp sau đó là nhóm ngân hàng với 227.800 tỷ đồng huy động được, tỷ lệ 34,2%.

Điểm đáng chú ý, xấp xỉ 60% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành được các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán nắm giữ. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã mua vào 124.400 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 27,3% và các công ty chứng khoán mua 148.400 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 32,6%.

“Trái phiếu doanh nghiệp là một ‘kênh’ để các ngân hàng ‘lách’ cho vay doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, vừa đáp ứng được yêu cầu không tập trung cho vay lĩnh vực rủi ro mà không phải trích lập dự phòng rủi ro, vừa ‘làm đẹp’ bảng cân đối tài chính. Do đó, Thông tư 16/2021 khiến các ngân hàng phải bỏ qua một ‘món hời’, tập trung vào nhiệm vụ chính là ngân hàng bán lẻ, nhưng đây là điều phù hợp với thông lệ của hoạt động ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Củng cố thế “chân kiềng”

Thị trường tài chính có 3 “chân kiềng” quan trọng là tín dụng ngân hàng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu (bao gồm cả trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp).

Với thị trường trái phiếu, dù được đánh giá là một trong những kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế và đã có sự bứt phá mạnh mẽ thời gian qua, song quy mô của thị trường này hiện chỉ tương đương khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia là hơn 50%, Singapore là gần 40%..., bởi vậy cần tiếp tục được củng cố để vững chắc hơn, góp phần thúc đẩy thị trường tài chính phát triển lành mạnh.

Dù được đánh giá là một trong những kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế và đã có sự bứt phá mạnh mẽ thời gian qua, song quy mô của thị trường trái phiếu hiện chỉ tương đương khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia là hơn 50%, Singapore là gần 40%...

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2021 trên cơ sở kết quả kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp phát hành, bước đầu ghi nhận và triển khai thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp phát hành, 1 công ty chứng khoán.

Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup do có hành vi chào bán trái phiếu doanh nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho đối tượng nhà đầu tư không xác định, mà không đăng ký với Ủy ban theo quy định của pháp luật chứng khoán, số tiền xử phạt là 600 triệu đồng và đã yêu cầu doanh nghiệp phải thu hồi toàn bộ trái phiếu đã phát hành. Đồng thời, Ủy ban cũng xử phạt Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group với hành vi vi phạm tương tự.

Bên cạnh đó, những thay đổi quan trọng trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đang thực hiện được cho là sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh và chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, các tiêu chuẩn cho vay của kênh tín dụng ngân hàng đã được nâng cao hơn, đồng thời Thông tư 16/2021 hạn chế các ngân hàng cấp tín dụng qua hình thức trái phiếu doanh nghiệp, nên vai trò của thị trường trái phiếu sẽ càng trở nên rõ nét trong thời gian tới.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết (thủ tục xin cấp phép phát hành và niêm yết…). Đồng thời, tiếp tục tăng cường các hoạt động đào tạo nâng cao tính chuyên nghiệp của các tổ chức trung gian trên thị trường, nhận thức và hiểu biết của doanh nghiệp, người dân về hoạt động của thị trường tài chính nói chung, thị trường ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu nói riêng…

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 25/2/2022, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 1.780 tỷ đồng, bao gồm 3 đợt phát hành ra công chúng của Công ty cổ phần CMC với giá trị 500 tỷ đồng và các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietnbank), Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh trị giá 1.280 tỷ đồng...

Xây dựng và sản xuất là 2 nhóm ngành phát hành trái phiếu nhiều nhất trong tháng 2/2022. Trong nhóm ngành sản xuất, CMC phát hành 3 mã trái phiếu với các kỳ hạn 2 năm, 3 năm, 5 năm tương ứng với mức lãi suất lần lượt là 10%/năm, 10,5%/năm và 10.6%/năm với tổng giá trị 500 tỷ đồng ( chiếm 28,1% tổng giá trị phát hành trong tháng).

“Với hành lang pháp lý mới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể chững lại trong nửa đầu năm 2022 để thích ứng dần, trước khi bật mạnh trở lại cả về quy mô lẫn tính đa dạng của sản phẩm từ nửa cuối năm”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục