Trao đổi với Báo Đầu tư, lãnh đạo một công ty chứng khoán cho hay, hàng năm, NHNN đều cấp room tín dụng ở mức nhất định cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đang lách room tín dụng bằng cách bán TPDN cuối năm và mua lại khi sang năm mới, hoặc ngược lại, khiến việc điều hành room tín dụng của NHNN mất đi ý nghĩa.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, đầu tư TPDN được tính vào hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, trong khi hợp đồng tín dụng được quy định rõ ràng về kỳ hạn thì với các khoản đầu tư TPDN, ngân hàng có thể mua, bán bất kỳ lúc nào nên ngân hàng có thể lợi dụng để lách quy định về room tín dụng.
Ví dụ, tại thời điểm 31/12/2021, ngân hàng A đang mua 5.000 tỷ đồng trái phiếu của doanh nghiệp B và dư nợ tín dụng đang quá hạn mức được cấp. Khi đó, ngân hàng dễ dàng thực hiện một thao tác kỹ thuật là bán 5.000 tỷ đồng TPDN này để đưa room tín dụng về mức được cấp, đồng thời để “chốt sổ” lợi nhuận.
Chỉ vài ngày sau, khi đã bước sang năm khác, ngân hàng lại mua lại chính số TPDN đã bán ra, vừa đảm bảo room tín dụng ở mức cho phép, vừa tiếp tục bơm vốn cho doanh nghiệp.
Tình trạng “xử lý kỹ thuật” để né room tín dụng trên xảy ra ở không ít ngân hàng. Chính vì vậy, Trong Thông tư 16/2021/TT-NHNN về hoạt động mua TPDN của tổ chức tín dụng, NHNN đã đưa ra quy định: Trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (TPDN chưa niêm yết), tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán.
Sau 12 tháng kể từ khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi đáp ứng một số nhu cầu nhất định.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích công ty chứng khoán VCBS, quy định này cho thấy nhà điều hành đặc biệt quan tâm tới chất lượng và tốc độ tăng trưởng tín dụng, cũng như hạn mức tín dụng phù hợp đối với từng ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng có thể sẽ thực hiện mua và nắm giữ dài hạn đối với danh mục trái phiếu doanh nghiệp của mình.
Phân tích về tác động của Thông tư 16, VCBS cho rằng, việc ban hành Thông tư 16/2021/TTNHNN quy định các hoạt động được phép đối với danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, là phù hợp và cấp thiết đối với thị trường.
“Nhìn chung, Thông tư 16 định hướng an toàn hệ thống, tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, quản trị hoạt động và hoạt động cấp tín dụng tổng chung. Chúng tôi nhận thấy thông điệp đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, và chất lượng tín dụng được đặt lên hàng đầu. Tiếp đó, các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cũng có những quy định chặt chẽ trong tiêu chí lựa chọn và nguyên tắc giao dịch”, chuyên gia phân tích VCBS nhận định.
Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian tới, nhu cầu đầu tư TPDN của TCTD vẫn sẽ tồn tại, khi đây là một kênh tài sản đem lại mức lợi nhuận khá hấp dẫn so với nhiều kênh khác, đặc biệt là khi so sánh với TPCP vốn đang có mặt bằng lợi suất khá thấp.
Trong ngắn hạn, hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đến từ TCTD nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn chuyển tiếp, trước khi thông tư đi vào hiệu lực.
Sau ngày 15/1/2022 – ngày Thông tư có hiệu lực- ước tính khoảng 20% lượng trái phiếu phát hành mới trên thị trường sẽ bị ảnh hưởng. Thông tư sẽ định hướng TCTD giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chất lượng, đảm bảo dòng tiền dưới hình thức mua trái phiếu hay cho vay, đồng thời quản trị rủi ro tín dụng phát sinh sau này.
VCBS nhận định, đây sẽ là những yếu tố cần thiết cho hoạt động mua và nắm giữ dài hạn đối với danh mục TPDN của tổ chức tín dụng.