Doanh nghiệp tư nhân giảm sức hấp dẫn
Doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp do một chủ sở hữu) được ghi nhận là một hình thức trong Luật Doanh nghiệp và là một trong những hình thức doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam thông qua Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990. Tuy nhiên, nghịch lý là trên thực tế tại Việt Nam, hình thức doanh nghiệp này ngày một mất đi sức hấp dẫn và không còn là sự lựa chọn đối với người dân khi khởi sự kinh doanh và đăng ký doanh nghiệp.
Nếu như những năm đầu khi Luật Doanh nghiệp 1999 đi vào thực tiễn, gần một nửa các doanh nghiệp được đăng ký đều theo hình thức doanh nghiệp tư nhân (44,7% vào năm 2000, 35,9% vào năm 2001), thì hiện nay, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ các doanh nghiệp lựa chọn hình thức doanh nghiệp tư nhân khi đăng ký thành lập doanh nghiệp (3,9% vào năm 2016 và 2,47% vào năm 2017).
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 4,9 triệu hộ kinh doanh. Hình thức hộ kinh doanh được người dân đặc biệt ưa thích khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh. Năm 2016, có tới 150.000 hộ kinh doanh mới gia nhập thị trường được ghi nhận. Con số này là 83.000 vào năm 2015 vào 135.000 vào năm 2014.
Hộ kinh doanh được ưa thích vì nó có thể được đăng ký dễ dàng với thủ tục đơn giản và có thể đăng ký ngay tại cơ quan chính quyền cấp huyện, thành phố. Các quy định yêu cầu về chế độ kế toán, sổ sách hết sức đơn giản. Hộ kinh doanh không bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định và yêu cầu về bảo hiểm xã hội, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Quan trọng nhất là hộ kinh doanh có thể áp dụng hình thức thuế khoán, nhờ vậy có khả năng “thỏa thuận với cơ quan thuế”, khiến mức thuế thực tế phải đóng thường rất thấp. Do vậy, mặc dù chiếm tới 30,4% GDP nhưng theo ước tính của Tổng cục Thuế, khu vực này chỉ đóng góp khoảng 1,56% cho thu ngân sách Nhà nước.
Số lượng và tỷ trọng doanh nghiệp tư nhân trong tổng số doanh nghiệp đăng ký hàng năm vào đầu những năm 2000 và những năm gần đây.
Ðây rõ ràng là một nghịch lý đang diễn ra trên thực tế. Hình thức doanh nghiệp tư nhân tuy được ghi nhận chính thức trong Luật Doanh nghiệp, nhưng không được ưa thích bằng hình thức hộ kinh doanh cá thể, vốn không được ghi nhận là một hình thức trong Luật. Về góc độ quyền, doanh nghiệp tư nhân không khác nhiều so với hộ kinh doanh cá thể, nhưng về nghĩa vụ, doanh nghiệp tư nhân lại có nhiều trách nhiệm hơn và phải tuân thủ đầy đủ các quy định đối với một doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp.
Do được quy định chung trong Luật Doanh nghiệp và chương về doanh nghiệp tư nhân không có các quy định riêng biệt, đủ cụ thể áp dụng đối với loại hình doanh nghiệp này, nên các doanh nghiệp tư nhân vốn do một người làm chủ và quy mô thường rất nhỏ phải thực thi đầy đủ các nghĩa vụ về chế độ kế toán, báo cáo tài chính, các quy định về bảo hiểm xã hội và nộp thuế theo hệ thống sổ sách kế toán được thiết lập theo đúng các quy định được áp dụng đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt theo quy mô, bản chất pháp lý và đặc điểm hoạt động.
Chi phí tuân thủ nhằm thực hiện các quy định này so với tổng doanh số do vậy là quá lớn đối với các doanh nghiệp tư nhân. Ðiều này khiến hình thức doanh nghiệp tư nhân mất hoàn toàn lợi thế so với hộ kinh doanh cá thể.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, những người mong muốn đăng ký theo hình thức doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp cá thể) chỉ có thể đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh (hiện Việt Nam có 63 cơ quan ở 63 tỉnh).
Ðiều này đồng nghĩa với việc, người đăng ký kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp tư nhân thường phải đến các trung tâm tỉnh, thành phố, thường ở cách xa địa bàn cư trú của họ, tốn kém thêm chi phí. Trong khi đó, hộ kinh doanh có thể được đăng ký ngay tại các ủy ban nhân dân cấp huyện (hiện có 713 đơn vị hành chính cấp huyện). Ðiều này khiến cho việc đăng ký hộ kinh doanh thuận tiện và đỡ tốn kém hơn rất nhiều, đặc biệt là phù hợp với tâm lý của người dân.
Do vậy, để giúp mọi người dễ dàng đăng ký doanh nghiệp theo hình thức doanh nghiệp tư nhân, điều quan trọng là cần có các cải cách về quy định và phân quyền nhằm cho phép người dân có thể đăng ký ngay tại ủy ban nhân dân huyện, như hiện đang áp dụng đối với các hộ kinh doanh.
Hơn nữa, khi so sánh với các loại hình doanh nghiệp khác được quy định trong Luật Doanh nghiệp, hình thức doanh nghiệp tư nhân rõ ràng yếu thế hơn so với hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên.
Công ty TNHH một thành viên cũng có thể do một cá nhân làm chủ, song lại có tư cách pháp nhân và chủ sở hữu lại chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn góp của mình. Doanh nghiệp tư nhân trước đây vốn được ưa thích vì khả năng đăng ký là một chủ sở hữu, nay mất đi lợi thế này so với công ty TNHN vì chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ của doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân lại không có tư cách pháp nhân.
Giảm khoảng hở trong cơ cấu loại hình doanh nghiệp
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hình thức doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ) là hình thức được ưa chuộng ở nhiều nước khác nhau. Ví dụ, tại Liên minh Châu Âu (EU), trong số 2,3 triệu doanh nghiệp được thành lập trong năm 2012, 1,6 triệu hay 70% được đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp cá thể (doanh nghiệp một chủ), hay cụ thể là hình thức doanh nghiệp tư nhân theo tên gọi đối với loại hình doanh nghiệp này tại Việt Nam.
Tỷ lệ này đặc biệt cao tại một số quốc gia, ví dụ tại Pháp là 92,3%, Ba Lan 86,9%, Hà Lan 86,4% và Cộng hòa Séc là 86,1%. Tại Hungary, trong số 450.733 doanh nghiệp đang hoạt động có tới 53% là dưới hình thức doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ. 73% doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ là dưới hình thức doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ. Trong khu vực Ðông Nam Á, trong số 907.065 doanh nghiệp đăng ký tại Malaysia, có 554.900 doanh nghiệp hay 61,2% là dưới hình thức doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ.
Khuyến nghị chuyển đổi hộ kinh doanh ở Việt Nam.
Nghiên cứu và so sánh hình thức về doanh nghiệp cá thể tại các quốc gia này cho thấy, họ không có hình thức hộ kinh doanh. Song các doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ này rất giống với hình thức hộ kinh doanh tại Việt Nam.
Ðiểm khác biệt là doanh nghiệp cá thể tại các quốc gia này, đặc biệt là tại các quốc gia EU hoặc OECD đều được đăng ký chính thức. Các doanh nghiệp cá thể/một chủ được đăng ký rất dễ dàng (ở chính quyền sở tại hoặc qua mạng); chi phí tuân thủ các quy định pháp lý, chế độ kế toán, báo cáo tài chính đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều so với các loại hình công ty khác.
Do vậy, chi phí tuân thủ các quy định pháp luật và mức thuế áp dụng đối với doanh nghiệp một chủ tại các quốc gia này thấp ở một mức hợp lý, phù hợp với khả năng của các doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ và cá nhân hay hộ gia đình kinh doanh. Ðây là yếu tố quyết định tới tính hấp dẫn của loại hình doanh nghiệp này và khiến phần lớn người dân khi tiến hành đăng ký kinh doanh đã lựa chọn đăng ký chính thức theo hình thức doanh nghiệp một chủ (như người dân tại Việt Nam đã lựa chọn hình thức hộ kinh doanh cá thể).
Thực tế cho thấy, cần những điều chỉnh và cải cách về mô hình doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ) tại Việt Nam, góp phần trả mô hình doanh nghiệp tư nhân về đúng vị trí của nó để phát huy hết tiềm năng to lớn của loại hình doanh nghiệp này.
Ðặc biệt, nó có thể góp phần quan trọng cho việc cải cách khu vực hộ kinh doanh, khuyến khích chính thức hóa một cách tự nguyện của khu vực hộ kinh doanh, nâng cao tính chính thức của khu vực tư nhân, cải thiện năng suất và hiệu quả tổng thể của khu vực kinh tế tư nhân nói riêng và của nền kinh tế nói chung.