Tiếp sức doanh nghiệp tư nhân

Việc Quốc hội sắp tới sẽ ban hành một nghị quyết về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể coi là một động thái cần thiết để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Để kinh tế tư nhân phát triển, còn nhiều vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, đến môi trường đầu tư, kinh doanh cần được quan tâm, giải quyết. Để kinh tế tư nhân phát triển, còn nhiều vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, đến môi trường đầu tư, kinh doanh cần được quan tâm, giải quyết.

Hiện tại, nghị quyết này mới đang dừng ở dự thảo và vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến công luận. Dù mới chỉ là những đề xuất ban đầu, song phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ mức 20% hiện nay, xuống 15-17% được cho là hợp tình, hợp lý, có thể giúp “tiếp sức” cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhất là trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Thậm chí, Bộ Tài chính còn tính toán rõ ràng rằng, dù việc giảm thuế này có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 6.500 tỷ đồng/năm, nhưng khoản giảm thu này sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác.

Lý do là số tiền giảm thuế sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư, đồng thời góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp vào giai đoạn tiếp theo do doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh. Tức là giảm thuế, nhưng thực chất là để nuôi dưỡng nguồn thu.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, Việt Nam hiện có hơn 600.000 doanh nghiệp, bao gồm gần 500.000 doanh nghiệp tư nhân. Trong số đó, hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và chỉ có 2% là doanh nghiệp lớn.

Tuy có một lực lượng hùng hậu, nhưng để nói là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mạnh hay chưa, thì câu trả lời là chưa.

Không thể phủ nhận, những năm gần đây, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự bứt phá, với sự phát triển mạnh mẽ của các tên tuổi lớn như Vingroup, TH, Hòa Phát, Trường Hải…

Bởi thế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các kỳ vọng lớn đang được đặt vào các dự án sản xuất ô tô của VinFast, sản xuất thép của Hòa Phát, các dự án của Thaco Trường Hải, các dự án điện quy mô lớn… của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Bên cạnh các dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài, thì đấy chính là các động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 2019.

Song một cách thẳng thắn, cũng phải thấy rằng, số lượng doanh nghiệp Việt Nam thực sự mạnh chưa nhiều. “Động cơ” khu vực tư nhân của cỗ xe tăng trưởng kinh tế Việt Nam vận hành chưa thực sự được suôn sẻ.

Quý I năm nay, cả nước có hơn 28.400 doanh nghiệp được thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt trên 375.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5,6% về số doanh nghiệp và tăng trên 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Song cũng lại có hơn 4.100 doanh nghiệp giải thể và có 14.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng khoảng 15%…

Những con số trên cho thấy rõ, kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Giảm thuế, vì thế là biện pháp quan trọng để hỗ trợ, tiếp sức cho khu vực này phát triển, trước hết là để tạo thêm sức mạnh cho cỗ xe tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, sau đó giúp Việt Nam tiến gần hơn đến với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Tất nhiên, chỉ giảm thuế thôi thì chưa đủ. Để kinh tế tư nhân phát triển, còn nhiều vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, đến môi trường đầu tư, kinh doanh cần được quan tâm, giải quyết. Dù vậy, giảm thuế cũng là bước đi quan trọng và cần thiết, tạo nền tảng giúp doanh nghiệp tư nhân nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh hơn. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ thêm sức mạnh, đúng như người đứng đầu Chính phủ từng khẳng định, rằng “sức khỏe của doanh nghiệp chính là sức mạnh của nền kinh tế”.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục