Trả lương thấp cho binh sĩ, Nhật Bản đối mặt khủng hoảng nhân lực

Mức lương thấp, chế độ đãi ngộ cho thân nhân kém hấp dẫn, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang đối mặt với khủng hoảng vì tỷ lệ nhập ngũ ngày càng thấp.
Ngày càng ít thanh niên Nhật Bản nhập ngũ vì đãi ngộ kém hấp dẫn. Ảnh: Kyodo News. Ngày càng ít thanh niên Nhật Bản nhập ngũ vì đãi ngộ kém hấp dẫn. Ảnh: Kyodo News.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Nó không liên quan đến phần cứng thiết bị quân sự, mà là khủng hoảng liên quan đến nhân lực.

Nếu không có giải pháp, Nhật Bản cuối cùng sẽ không đủ khả năng để tự bảo vệ mình và cung cấp hỗ trợ cho liên minh quân sự Mỹ - Nhật, tạp chí National Interest cho biết.

JSDF không đạt được mục tiêu tuyển quân trong thập niên qua. Trong 3 năm gần đây nhất, tỷ lệ tuyển quân lần lượt đạt là 75% năm 2016, 69,5% năm 2017 và 73% năm 2018. Tỷ lệ tuyển quân ở mức báo động và JSDF phải tăng giới hạn độ tuổi nhập ngũ từ 26 lên 32 vào năm 2018.

Đãi ngộ kém hấp dẫn

Dân số tăng trưởng âm là một trong những lý do dẫn đến tỷ lệ tuyển quân thấp, nhưng đó không phải là lý do chính.

Kumi Nishimura, cựu quân nhân JSDF, từng phục vụ với tư cách dân sự trong Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ, cho biết làm việc cho JSDF đơn giản là một lựa chọn nghề nghiệp không hấp dẫn với hầu hết thanh niên Nhật Bản.

Tokyo biết điều này, nhưng không đưa ra được giải pháp khắc phục.

Chính phủ Nhật có thể bắt đầu bằng cách so sánh chế độ đãi ngộ của quân nhân Mỹ tại Nhật Bản và binh sĩ JSDF, còn gọi là Jieikan. Mức lương dành cho tân binh của Nhật chỉ bằng một nửa so với tân binh Mỹ có cùng cấp bậc và thời gian phục vụ.

Binh sĩ Mỹ và gia đình được sử dụng nhà ở do chính phủ cung cấp, hoặc tài trợ nếu phải thuê nhà bên ngoài căn cứ. Thân nhân của binh sĩ Mỹ được miễn thuế, chăm sóc y tế, giáo dục, giải trí, chi phí đi lại và bảo hiểm đầy đủ.

Đối với Jieikan và thân nhân, những thứ dịch vụ trên là thứ xa xỉ đối với họ. Họ phải trả tiền thuê nhà ngay cả khi sống trong khu vực đóng quân. Nếu phải sống bên ngoài căn cứ, họ chỉ nhận được khoảng 250 USD/tháng cho chi phí thuê nhà. Họ phải tự trả tiền đặt cọc (khoản thanh toán không hoàn lại để tỏ lòng biết ơn đối với chủ nhà).

Jieikan có thể vay tiền từ tổ chức phúc lợi của JSDF, nhưng với mức lãi suất khoảng 4,26%, cao hơn rất nhiều so với khoản vay từ ngân hàng thương mại. Do đó không có gì ngạc nhiên khi rất ít Jieikan vay tiền từ Bộ Quốc phòng.

Chất lượng nhà ở tại căn cứ rất cũ và chật chội. Những dãy nhà cho quân nhân thường trên 20 năm và không được tân trang trong nhiều thập niên. Ngoài ra, Jieikan và thân nhân phải tự trả chi phí tiện ích của riêng họ.

Trả lương thấp cho binh sĩ, Nhật Bản đối mặt khủng hoảng nhân lực ảnh 1

Trang thiết bị chiến đấu của Nhật Bản rất hiện đại, nhưng họ đang đối mặt với nguy cơ không đủ người để vận hành. Ảnh: Getty.

Họ cũng phải trả một khoản phí tiện ích chung cho khu vực hàng tháng, ngoài phí đỗ xe trên căn cứ. Đối với việc bảo trì sân bãi và cắt cỏ, Jieikan ở mọi cấp bậc đều phải tự làm, hoặc trả tiền cho một công ty tư nhân để làm việc đó. Chi phí cho dịch vụ này dao động từ 150-450 USD/năm, tùy thuộc vào mỗi căn cứ.

Jieikan và thành viên gia đình phải tự mua sắm các vật dụng trong nhà như, bếp, lò vi sóng, máy giặt, máy hút ẩm và rèm cửa. Nếu họ muốn có điều hòa không khí, họ phải tự mua, dù phần lớn gia đình binh sĩ Nhật không đủ khả năng để mua sắm chúng.

Khi họ chuyển đến các căn cứ có nhiệt độ thấp như Hokkaido, họ phải tự mua máy sưởi, nhưng nhận được khoản trợ cấp khiêm tốn cho nhiên liệu mỗi tháng.

Trên các khu nhà ở cho quân nhân tại căn cứ của quân đội Mỹ, nếu có gì đó hỏng hóc, người dân có thể gọi cho bộ phận bảo trì để sửa nó. Đối với Jieikan, họ phải tự thuê thợ sửa chữa tư nhân và trả tiền cho mọi thứ.

Đối với quân nhân và thành viên gia đình ở căn cứ của Mỹ cần đến dịch vụ y tế, họ có một bệnh viện để chăm sóc. Đối với các căn cứ của JSDF, họ có phòng khám có thể cung cấp chăm sóc y tế cho Jieikan, nhưng các thành viên trong gia đình phải đi khám bệnh viện bên ngoài.

Nỗi ám ảnh khi chuyển đơn vị

Đối với Jieikan, việc chuyển nơi đóng quân thực sự là “nổi ám ảnh”. Đầu tiên, Jieikan và thành viên gia đình phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt của người quản lý tòa nhà, nơi họ chuyển đến.

Sau đó, họ phải phối hợp với người dọn dẹp nhà cửa, họa sĩ, công ty sửa chữa để thực hiện các sửa chữa cần thiết trong căn phòng họ chuyển đến. Tổng chi phí cho việc này có thể lên đến 900 USD và các Jieikan phải trả tiền.

Đối với việc đóng gói hàng hóa và di chuyển, Jieikan phải tự mua các thùng carton, đóng gói chúng và sắp xếp với một đơn vị vận chuyển mà họ thuê. Hầu hết nhân sự của JSDF được luân chuyển vào tháng 3, nên chi phí vận chuyển tăng vọt do mùa cao điểm.

Trả lương thấp cho binh sĩ, Nhật Bản đối mặt khủng hoảng nhân lực ảnh 2

Những thiết bị chiến đấu hiện đại có thể không phát huy được tác dụng nếu không có binh sĩ để vận hành chúng. Ảnh: Getty.

Ví dụ việc thuê vận chuyển đồ dùng gia đình từ quận Kanagawa gần Tokyo đến Kyushu ở miền Nam Nhật Bản tốn khoảng 4.545 USD cho 2 người. Nếu họ có thêm 2 con nhỏ, chi phí có thể lên đến 9.090 USD.

Do đó, không có gì ngạc nhiên, khi thay vì tiết kiệm tiền để đi du lịch, mua xe hơi, hoặc sử dụng cá nhân, các thành viên JSDF tiết kiệm tiền lương để trang trải cho việc chuyển nơi đóng quân. Một nhân viên JSDF mới chuyển nơi đóng quân trong tháng 3 vừa qua, cho biết đã chi hơn 10.000 USD cho việc di chuyển và các chi phí liên quan.

Tiền và lợi ích không phải là tất cả, nhưng nó rất quan trọng. “Bạn trả tiền cho những gì bạn đánh giá cao, đó cũng là một dấu hiệu của sự tôn trọng”, bà Nishimura nhận xét. JSDF không nên kéo dài việc đãi ngộ kém hấp dẫn cho binh sĩ và gia đình của họ.

Điều này không thu hút được các tân binh mới và không khuyến khích Jieikan gắn bó với binh nghiệp.

Vấn đề nhân lực của JSDF như một vòng luẩn quẩn, họ không thể tuyển đủ tân binh mới, trong khi những quân nhân lớn tuổi ngày càng giảm khả năng chiến đấu. Điều đó có thể làm cho năng lực phòng vệ của Nhật Bản sụt giảm.


zing.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục