Mặc dù vậy, các DN trong nước bày tỏ sự lo ngại về khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, cũng như áp lực cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường nội địa tại Diễn đàn do Bộ Công thương tổ chức mới đây.
“TPP là thị trường chung, ‘đoạn tắc’ của DN Việt Nam hiện tại là làm sao đưa hàng hóa ra nước ngoài. DN Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng, thỏa mãn điều kiện của TPP, nhưng nếu chỉ chờ DN nước ngoài vào mua thì giá mua rất thấp. Như vậy, rủi ro thì mình nhận, trong khi hưởng lợi lại là DN nước ngoài”, ông Trần Hải Nam, Giám đốc một DN ngành cơ khí phát biểu.
Theo ông Nam, để đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài, Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ một đội ngũ DN tiên phong mở trụ sở hoặc đại lý tại nước ngoài nhằm kết nối với đối tác, cọ xát thị trường, từ đó giúp DN trong nước hiểu hơn về từng thị trường, sản xuất sản phẩm kết nối kinh doanh.
Chia sẻ khó khăn khác của DN nội địa, bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC) cho biết, một nhóm các DN sản xuất linh kiện, phụ tùng của Việt Nam đang lo ngại khi Việt Nam tham gia vào TPP và các FTA nói chung sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh từ các đối thủ bên ngoài, từ đó làm mất lợi thế của nhóm này ngay trên “sân nhà”.
Theo bà Trương Chí Bình, mặc dù các DN này đã nỗ lực phát triển và đáp ứng được các tiêu chuẩn cao từ các tập đoàn đa quốc gia, nhưng nhóm này vẫn mong muốn Chính phủ tạo ra các “hàng rào kỹ thuật” để bảo vệ DN trong nước. Bà Bình kiến nghị, Chính phủ cần tập hợp ý kiến của DN để xây dựng các “hàng rào kỹ thuật” phù hợp nhất để vừa bảo vệ DN trong nước, vừa không làm giảm sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh.
Bên cạnh ý kiến trăn trở của khối doanh nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương cũng thẳng thắn cho rằng, TPP hiện đặt ra nhiều thách thức lớn với Việt Nam. Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng nhanh, nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu chưa mang tính hiệu quả, chủ yếu xuất khẩu hàng có công nghệ thấp, thâm dụng lao động như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất...
Xuất khẩu chủ yếu nguyên liệu thô, chưa qua sơ chế hoặc gia công đã khiến việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, giá trị tăng thêm của hàng hóa… bị suy yếu. Quy mô DN xuất khẩu nhỏ, không thâm nhập được vào hệ thống phân phối chính khiến các DN xuất khẩu không chi phối được thị trường.
Theo ông Tuấn, tham gia TPP sẽ tạo ra sức ép lớn về thị trường nói chung, cũng như DN nói riêng. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ sẽ gặp khó khăn. Tình trạng phá sản và thất nghiệp có thể diễn ra tại các DN có năng lực cạnh tranh yếu, không được chuẩn bị kỹ cho hội nhập.
Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với việc giảm thu ngân sách từ giảm thuế nhập khẩu sau khi thực hiện TPP. Hơn nữa, việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn.
Thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Sản phẩm nông nghiệp và nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập rất nhanh, trong khi toàn cầu hóa cũng rất phát triển và đa dạng, bên cạnh việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan, các nước cũng tập trung tăng cường hơn nữa những hàng rào phi thuế quan, đặc biệt những “hàng rào kỹ thuật”.
Chính vì vậy, cần có sự phối hợp giữa khu vực Nhà nước với DN để làm sao giải quyết khó khăn, trở ngại liên quan các hàng rào phi thuế quan, giúp DN tiếp cận thị trường bền vững, tránh tối đa những tranh chấp, kiện tụng thương mại.
Do đó, cũng theo ông Tuấn, để giảm thiểu tác động tiêu cực từ mở cửa thị trường và sức ép của hàng nhập khẩu, cả cơ quan quản lý và DN cần phối hợp chặt chẽ ngay từ bây giờ.
Về phía các cơ quan quản lý, cần triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tác động của TPP đối với các lĩnh vực hàng hóa, đầu tư, dịch vụ… để có cơ sở xây dựng và điều chỉnh chính sách dài hạn.
Cần phải xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp mà Việt Nam dự kiến sẽ có tiềm năng và lợi thế trong khối TPP… và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng trong khu vực.
Đồng thời, việc xây dựng các chính sách thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành của nền kinh tế thông qua nâng cấp năng lực, công nghệ, hợp tác dài hạn với các đối tác mạnh trong lĩnh vực tương ứng, đa dạng hóa đổi mới sản phẩm cũng là một nhiệm vụ cần thiết.