TP HCM đóng góp một phần tư GDP, năng suất lao động gần gấp 3 trung bình cả nước và trong tương lai kinh tế phải luôn đi đầu. "Muốn đáp ứng yêu cầu đó, thành phố phải dẫn đầu về chất lượng nhân lực trình độ quốc tế", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói tại Hội thảo đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngày 15/8.
Theo đó, 6 nhóm ngành TP.HCM sẽ tập trung đẩy mạnh theo hướng chuẩn quốc tế gồm: Công nghệ thông tin - Truyền thông - Trí tuệ nhân tạo, Tự động hóa và người máy, Y tế, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính – Ngân hàng, Du lịch.
Người đứng đầu Thành ủy TP HCM đề xuất chính quyền thành phố 10 nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, thành phố cần có hội đồng tư vấn đào tạo nhân lực gồm một nửa nhân sự là người nước ngoài, do Chủ tịch UBND TP.HCM làm chủ tịch hội đồng.
Thành phố cũng cần có cơ chế tài chính cho người học vay để theo các chương trình chất lượng cao. Đại học theo hướng đào tạo chuẩn quốc tế thì nhận được ưu đãi chính sách và tài chính.
Theo ông Nhân, các trường cần hợp tác để giúp nhau phát triển theo các nhóm nhu cầu khác nhau, tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục, quản lý nhà trường, phát triển chương trình khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức các hội chợ giáo dục, việc làm.
Trong giáo dục phổ thông, ông đề xuất có một viện đào tạo và quản lý giáo dục - nơi sẽ bồi dưỡng cho các hiệu trưởng theo mô hình Viện quốc gia về giáo dục của Singapore.
Trước những lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam bộc lộ nhiều yếu kém, nhất là qua chỉ số năng suất lao động, Bí thư Thành uỷ TP.HCM nói "không nên quá bi quan", bởi cách tính năng suất theo GDP bình quân trên một lao động sau đó quy nạp về kết luận năng suất lao động Việt Nam thấp tương ứng là không đúng.
"Một kỹ sư giỏi mà làm việc bằng tay thì năng suất sẽ thấp bởi động lực quan trọng nhất của xã hội loài người phải có công cụ mới, cái gốc của năng suất phải đi từ công nghệ. Trong khi đó, đầu tư cho phát triển, đổi mới công nghệ ở Việt Nam còn thấp so với các nước", ông nói. Các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới như Intel, Samsung không ngẫu nhiên tìm đến Việt Nam nếu nhân lực không đáp ứng được nhu cầu của họ. Cốt lõi là phải có giải pháp đào tạo nguồn lực cho phù hợp.
Tại hội thảo, hàng chục đại biểu là lãnh đạo các đại học đã hiến kế cho thành phố các mô hình phát triển nguồn nhân lực chất lượng quốc tế.
TS Hà Thúc Viên, Hiệu trưởng Đại học Việt Đức (Bình Dương) cho rằng, cơ sở giáo dục đại học cần có chiến lược trung và dài hạn đầu tư vào đổi mới hệ thống quản trị theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Đại học cần mở rộng không gian vật lý và học thuật, khuyến khích tự do học thuật và thúc đẩy năng lực sáng tạo trong nghiên cứu, giảng dạy.
Theo ông Viên, trong quá trình quốc tế hóa và hợp tác giáo dục thường xuyên, các trường cần lấy mục tiêu chất lượng học thuật xuất sắc làm trọng tâm. "Hợp tác quốc tế cần chọn lọc, có trọng tâm và tuân thủ nghiêm ngặt mục tiêu chất lượng. Điều kiện quan trọng khác là đào tạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong tất cả cấp học", ông Viên nói.
PGS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM đưa ra các số liệu để nhận định nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang cấp thiết trong quá trình đổi cơ cấu lao động, từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp chất lượng cao, phi nông nghiệp.
"Chất lượng nguồn nhân lực phải xuất phát từ giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học được xem là phương án tối ưu giúp giải quyết các khó khăn của chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay", ông Nhựt đề xuất.
Hội thảo trên nhằm lắng nghe các sáng kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp để chuẩn bị cho chương trình trọng tâm Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2015.