TP.HCM mỗi năm chi hàng nghìn tỷ đồng trợ giá xe buýt nhưng hiệu quả rất thấp

0:00 / 0:00
0:00
Từ năm 2020-2024, TP.HCM chi ra hàng nghìn tỷ đồng để trợ giá cho hoạt động của xe buýt, song kết quả đạt được rất thấp so với mục tiêu đề ra.
Mỗi năm TP.HCM chi hàng nghìn tỷ đồng trợ giá cho hoạt động của xe buýt Mỗi năm TP.HCM chi hàng nghìn tỷ đồng trợ giá cho hoạt động của xe buýt

UBND TP.HCM vừa có báo cáo số 7930/UBND-ĐT gửi Hội đồng Nhân dân Thành phố báo cáo về tình hình hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2024.

Theo báo cáo, hiện nay, dân số TP.HCM hơn 10 triệu người, trong khi vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ năm 2020 đến 2024 mới đáp ứng lần lượt là 5,6%; 2,24%; 4,82%; 5,74%; 6,17% so với nhu cầu đi lại của người dân.

Số liệu đạt được còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu đề ra là đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại của người dân.

Trong khi số tiền trợ giá cho hoạt động của xe buýt tăng qua từng năm. Cụ thể trợ giá cho xe buýt năm 2020 là 1.103 tỷ đồng; năm 2021 là 675 tỷ đồng (năm này trợ giá thấp do phong tỏa vì dịch Covid-19 -PV); năm 2022 trợ giá 1.526 tỷ đồng; năm 2023 trợ giá 1.556 tỷ đồng; năm 2024 dự kiến trợ giá 1.621 tỷ đồng.

Dù số tiền trợ giá chi cho hoạt động của xe buýt chưa đạt được kết quả như kế hoạch đề ra nhưng UBND TP.HCM đề xuất tiếp tục áp dụng chính sách sách trợ giá cho xe buýt vì vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đang phục hồi và phát triển cả về mạng lưới tuyến và sản lượng hành khách sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Vì vậy, cần thiết có chính sách trợ giá để thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, việc trợ giá nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt các đối tượng ưu tiên như miễn tiền vé đối với trẻ em dưới 1,3 m; miễn phí đối với người đủ 70 tuổi trở lên và người khuyết tật; giảm 50% giá vé lượt đối với học sinh, sinh viên...

Việc giảm giá cho học sinh, sinh viên để khuyến khích thói quen sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, đồng thời hạn chế sử dụng xe cá nhân để đi học vì số liệu thống kê cho thấy số lượng học sinh, sinh viên sử dụng xe buýt chiếm 36,5% trong tổng số hành khách đi xe buýt.

Theo số liệu thống kê của UBND TP.HCM, hiện nay Thành phố có 120 tuyến xe buýt (bao gồm 90 tuyến có trợ giá và 30 tuyến không trợ giá).

Mạng lưới tuyến xe buýt đã bao phủ hầu hết các quận huyện với hơn 13.000 chuyến/ngày, vận chuyển khoảng 250.000 lượt hành khách/ngày.

Toàn Thành phố đang có 2.052 xe buýt hoạt động. Trong đó, xe buýt sử dụng từ 10 năm trở lại chiếm tỷ lệ 84,4% trên tổng số xe; còn xe sử dụng dưới 5 năm chiếm tỷ lệ 25,0%; xe sử dụng nhiên liệu sạch chiếm tỷ lệ 26,4% trên tổng số xe.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục