Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh TP.HCM là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GDP, đóng góp trung bình hàng năm khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 tổng sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tính đến cuối năm 2018, đã có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM với 8.112 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 44,94 tỷ USD. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Riêng trong năm 2018, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,07 tỷ USD, tăng hơn 7% so với năm 2017, chiếm 22% tổng FDI của cả nước.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ các doanh nghiệp. (ảnh Lê Toàn)
Lãnh đạo thành phố nhận thức sâu sắc rằng, một môi trường đầu tư tốt đối với các nhà doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở các chính sách ưu đãi, khuyến khích, mà quan trọng hơn đó là sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời của chính quyền.
Với mục tiêu kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, thành phố thường xuyên tổ chức các hình thức đối thoại giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, với các nhà đầu tư nước ngoài và đại diện các cơ quan lãnh sự... nhằm huy động cao nhất các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Các gian hàng triển lãm kêu gọi đầu tư tại TP.HCM (ảnh Lê Toàn)
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định lãnh đạo thành phố trân trọng sự đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước và cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại TP.HCM.
Cũng theo ông Phong, Giao thông đang là điểm nghẽn chính cho kinh tế TP.HCM phát triển, chính vì vậy rất cần doanh nghiệp đổ bộ vào đầu tư các dự án giao thông cho TP.HCM theo hình thức PPP.
"Mỗi doanh nghiệp đầu tư vào một dự án sẽ giúp thành phố phát triển mạnh hơn", ông Phong nói.
Với tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1.183.610 tỷ đồng, tương đương 53.804 triệu USD, gồm các lĩnh vực: hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng; nông nghiệp; thương mại – dịch vụ; chỉnh trang đô thị; giáo dục; y tế; văn hóa – thể thao; du lịch – giải trí.
Danh sách các dự án kêu gọi đầu tư:
Lĩnh vực hạ tầng giao thông có 85 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 923.630 tỷ đồng, tương đương 41.983 triệu USD, bao gồm: 55 dự án cầu – đường bộ, 7 dự án giao thông đường thủy, 8 dự án đường sắt nội đô, 15 dự án đường bộ nội bộ.
Lĩnh vực cơ sở hạ tầng có 36 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 108.023 tỷ đồng, tương đương 4.910 triệu USD, bao gồm: 4 dự án bãi đậu xe, 28 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 4 dự án giảm ngập nước.
Lĩnh vực nông nghiệp có 2 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1.600 tỷ đồng, tương đương 73 triệu USD.
Lĩnh vực thương mại – dịch vụ có 9 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 16.382 tỷ đồng, tương đương 745 triệu USD.
Lĩnh vực chỉnh trang đô thị có 29 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 46.950 tỷ đồng, tương đương 2.134 triệu USD.
Lĩnh vực giáo dục có 14 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 3.046 tỷ đồng, tương đương 138 triệu USD.
Lĩnh vực y tế có 6 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 13.079 tỷ đồng, tương đương 598 triệu USD.
Lĩnh vực văn hóa – thể thao có 15 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 68.190 tỷ đồng, tương đương 3.100 triệu USD.
Lĩnh vực du lịch – giải trí có 14 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 2.710 tỷ đồng, tương đương 123 triệu USD.
Còn bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày về 4 hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đang được áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy theo pháp lý sử dụng đất của từng khu đất và mục tiêu đầu tư của dự án.
Đó là: Lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất theo thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư; Giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; Lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất theo hình thức đấu thầu; Lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Bà Lê Thị Huỳnh Mai nêu rõ rằng Quyết định chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở) đối với các dự án đầu tư kinh doanh mà Nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất hợp pháp.
Đấu giá quyền sử dụng đất (thực hiện theo quy định của Luật Đất Đai và Luật Đấu giá tài sản) đối với các dự án đầu tư kinh doanh mà Nhà đầu tư mong muốn thực hiện có địa điểm thực hiện dự án là các khu đất trống, đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu nhà nước.
Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu) các dự án có sử dụng đất trong trường hợp dự án đầu tư kinh doanh mà Nhà đầu tư mong muốn thực hiện có địa điểm thực hiện dự án là các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao cần lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án được phê duyệt để xây dựng công trình thuộc đô thị, khu đô thị mới; nhà ở thương mại; công trình thương mại và dịch vụ; tổ hợp đa năng.
Hình thức đối tác công tư (PPP) (thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu) đối với các trường hợp đầu tư trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai cũng trình bày chi tiết một số đặc điểm chính của từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư để nhà đầu tư hiểu rõ hơn về: Cơ sở pháp lý; Đối tượng dự án đầu tư; Quy trình thực hiện hồ sơ; Quy trình triển khai việc công tác đấu thầu;…