TP.HCM khởi động “giấc mơ” 1 triệu căn hộ giá rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TP.HCM đã có những động thái đầu tiên trong cam kết xây dựng 1 triệu căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội cho người lao động.
Dự án nhà ở xã hội của Thủ Thiêm Group. Ảnh: Trọng Tín Dự án nhà ở xã hội của Thủ Thiêm Group. Ảnh: Trọng Tín

Những “viên gạch” đầu tiên

Cuối tuần qua, Công ty cổ phần Thủ Thiêm Group đã khởi công dự án nhà ở xã hội cho công nhân với quy mô 1.000 căn hộ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 2 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức (TP.HCM), dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý IV/2024, đáp ứng nhu cầu sinh sống cho hơn 3.000 người.

Động thái này được đánh giá không chỉ là bước khởi đầu trong cam kết xây dựng 1 triệu căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội mà chính quyền TP.HCM đề ra sau làn sóng Covid lần thứ 4, mà còn là tín hiệu vui với các doanh nghiệp muốn tham gia làm nhà ở xã hội cũng như người lao động trên địa bàn Thành phố.

Chia sẻ với phóng viên, anh Văn Viết Bình, công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Cát Lái 2, ngụ tại xóm trọ nghèo nằm trên đường số 3, phường Thạnh Mỹ Lợi không giấu nổi sự vui mừng trước thông tin khởi công dự án nhà ở cho công nhân, bởi điều này cũng mở ra cơ hội sở hữu nhà ở thành phố - điều anh và gia đình mơ ước bấy lâu nay.

Với anh Bình, mong mỏi có được một căn nhà ở thành phố đã nhen nhóm từ hơn 10 năm trước, thời điểm anh bắt đầu từ quê lên thành phố làm việc, nhưng nhiều năm “đỏ mắt”, hai vợ chồng vẫn không tìm được căn hộ nào có mức giá phù hợp với thu nhập.

“Cũng như nhiều công nhân khác trong khu trọ, 4 người gia đình tôi sống trong căn phòng trọ diện tích 15 m2, sáng sớm đi làm, tối muộn mới về nên dù chật chội cũng đành cho qua, thế nhưng nhiều tháng liền ở nhà phòng dịch trong thời gian qua mới thấy vô cùng bức bối, ngột ngạt. Bởi vậy, việc có dự án nhà ở giá rẻ mới là cơ hội cho những lao động phổ thông như chúng tôi có được nơi ở rộng rãi, thoáng đãng hơn”, anh Bình nói .

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, dự án nhà ở cho công nhân do Thủ Thiêm Group làm chủ đầu tư là dự án nhà ở xã hội đầu tiên được xây dựng kể từ khi thành lập TP. Thủ Đức.

Theo ông Tùng, hiện nay, TP. Thủ Đức tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn với gần 200.000 công nhân, trong đó phần lớn đang tạm trú tại các khu trọ chật chội, không đảm bảo an toàn cũng như chất lượng cuộc sống. Do vậy, quy hoạch khu nhà lưu trú công nhân được xác định là một trong những nội dung trọng tâm trong nhiệm kỳ 2021-2025 để có quỹ nhà ở phục vụ công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện để người lao động ổn định cuộc sống.

“Đây cũng là giải pháp nhằm từng bước phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp trong tình hình mới, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội”, ông Tùng nói.

Ngoài dự án này, TP.HCM cũng đang gấp rút rà soát lại quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian tới. Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, trong giai đoạn 2021-2025, Thành phố dự kiến xây dựng 50 triệu m2 sàn, với 366.000 căn hộ. Trong đó, có 25 dự án với 30.610 căn nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp trên địa bàn.

Hiện tại, Sở Xây dựng đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố rà soát, thống kê quỹ đất nhà ở xã hội do Nhà nước quản lý được điều tiết tại các dự án nhà ở thương mại (20% quỹ đất làm nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP – PV) để yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện, trường hợp không đầu tư xây dựng phải bàn giao lại để Nhà nước triển khai, tránh lãng phí.

Vốn thôi chưa đủ!

Nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng mới đây đã có đề nghị bổ sung vào chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân. Đây là gói tín dụng tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, chế xuất; hỗ trợ công nhân, người lao động làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp được vay ưu đãi.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các gói hỗ trợ mới giải quyết được một vấn đề, đó là vốn, trong khi nguyên nhân quan trọng hơn là cơ chế pháp lý thì vẫn còn nhiều bất cập, gây cản trở đầu tư.

Là doanh nghiệp chuyên về các dự án nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành cho biết, có một nghịch lý là pháp lý dự án nhà ở xã hội còn vướng hơn dự án nhà ở thương mại, bởi hiện không có quy chuẩn, không có quy trình riêng nào cho dự án nhà ở xã hội, mà đang “dùng chung” với dự án nhà ở thương mại.

“Ngay ở khâu xin giấy phép xây dựng đã bị ‘soi rất kỹ, khiến thủ tục pháp lý để làm một dự án nhà ở xã hội bị kéo, có khi lên tới 3 năm vẫn chưa chắc được cấp giấy phép xây dựng”, ông Nghĩa nói và cho biết thêm, với một dự án nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất công, tài chính công thì việc kiểm toán có thể hiểu được, thế nhưng với Công ty Lê Thành, dù thực hiện dự án nhà ở xã hội với vốn tự bỏ ra, đất tự bồi thường, mà vẫn kiểm toán lên xuống nhiều lần khiến doanh nghiệp nản lòng không muốn đầu tư, dẫn tới mục tiêu phát triển nhà ở xã hội không đạt được trong nhiều năm qua.

Để rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng cho các dự án nhà ở xã hội, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ chuẩn bị sẵn bản thiết kế mô hình mẫu cho nhà ở xã hội. Đây là bản thiết kế được lựa chọn từ các cuộc thi do nhiều nhà đầu tư, kiến trúc sư tham gia. Nếu lựa chọn, doanh nghiệp vừa được miễn thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở trong hồ sơ cấp phép xây dựng, vừa giảm thời gian xét duyệt hồ sơ, chi phí đầu tư, từ đó kéo giảm giá nhà, gia tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Nhấn mạnh việc sẽ giải quyết thần tốc thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tại Hội nghị công bố nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến 2060, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê và thuê mua.

Theo ông Bình, dịch bệnh khiến công tác quản lý đô thị bộc lộ nhiều vấn đề, bao gồm cả câu chuyện nhà ở cho công nhân. Mô hình “3 tại chỗ” không thể áp dụng cũng bởi doanh nghiệp không có chỗ ở cho công nhân ngay tại nhà máy. Do đó, Thành phố sẽ mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân bằng quỹ đất của Thành phố để giãn người lao động ra khỏi các khu nhà ở trọ chưa đủ tiêu chuẩn.

“Thành phố đã dốc toàn lực thần tốc xây dựng được những bệnh viện dã chiến chỉ trong vòng vài tuần. Vậy thì trong 1 năm, các doanh nghiệp trên địa bàn có thể chung tay xây dựng 300.000 căn nhà cho công nhân được không? Khung khổ pháp lý đã có, Thành phố sẽ giải quyết nhanh mọi thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng”, ông Bình nhấn mạnh.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục