TP.HCM: Còn nhiều vướng mắc khi đầu tư các dự án giao thông trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
Vốn, giải phóng mặt bằng và thủ tục vẫn là những vướng mắc kéo chậm tiến độ đầu tư hàng loạt dự án giao thông trọng điểm mà chính quyền TP.HCM cần nhanh chóng, quyết liệt tháo gỡ.
Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM không thể thực hiện đúng tiến trình đầu tư do gặp nhiều vướng mắc về vốn, mặt bằng và thủ tục chuẩn bị đầu tư. Nút giao Ngã tư An Sương, mốt số ít dự án được đầu tư hoàn chỉnh năm vừa qua. Ảnh: Lê Toàn. Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM không thể thực hiện đúng tiến trình đầu tư do gặp nhiều vướng mắc về vốn, mặt bằng và thủ tục chuẩn bị đầu tư. Nút giao Ngã tư An Sương, mốt số ít dự án được đầu tư hoàn chỉnh năm vừa qua. Ảnh: Lê Toàn.

Trong cuộc họp về duyệt kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 (ngày 8/3) Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất đầu tư 15 dự án trọng điểm, cấp bách.

Đó là các dự án: Công trình kết nối đồng bộ tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành; Đoạn 4 - Vành đai 2: từ Quốc lộ 1A đến Nguyễn Văn Linh; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu); Hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm); Hoàn thiện đoạn tuyến vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy; Tuyến vành đai phía Đông từ nút giao Mỹ Thủy đến nút giao Nguyễn Duy Trinh - Vành đai 2; Cầu Thủ Thiêm 4; Cầu Cần Giờ; Đường trên cao Tuyến số 1: Từ nút giao Cộng Hòa đến đường Ngô Tất Tố; Đường trên cao Tuyến số 5: Đoạn Nút giao trạm 2 - An Sương; Cụm cảng trung chuyển - ICD (phường Long Bình, TP.Thủ Đức); Bến xe Miền Tây mới; Xây dựng bến xe hàng; Cầu Bình Quới; Cầu Bình Quới - Rạch Chiếc.

Để đẩy nhanh tiến trình thực hiện các dự án, Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND TP.HCM giao vốn để thực hiện công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án trên trong năm 2021 và 6 chương trình đầu tư công theo đề xuất trước đó.

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải TP.HCM thì các dự án trọng điểm, cấp bách trên đang gặp những khó khăn lớn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Có thể kể ra như dự án Vành đai 2 (đoạn 3), dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội, Xây dựng cầu vượt Bến xe Miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội, cầu Thủ Thiêm 2, đường Vành đai 2 - đoạn 3 (từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa), 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án đường Lương Định Của, đường Nguyễn Văn Hưởng, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng Doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, Cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, bến xe buýt Hóc Môn, bến xe buýt Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, điểm đầu mối trung chuyển hành khách xe buýt tại xã Phú Xuân,…

Một khó khăn nữa là không ít dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2000, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo như dự án đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định,…cũng làm chậm tiến trình thực hiện đầu tư.

Trước những vướng mắc trên, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông. Cụ thể, UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện quyết liệt bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thi công, hoàn thành công trình, đảm bảo tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án.

Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần hướng dẫn các chủ đầu tư điều chỉnh chủ trương đầu tư, thời gian thực hiện các dự án giao thông, dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm rút nghằn thời gian chuẩn bị đầu tư như dự án xây dựng Nút giao Mỹ Thủy, TP. Thủ Đức, đường Dương Quảng Hàm.

Thêm một khó khăn lớn nữa hiện TP.HCM đang phải đối mặt là thiếu quỹ đất để thanh toán cho các dự án giao thông đầu tư theo hình thức PPP khiến các dự án này đình trệ.

Ngọc Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục