Bức tranh hạ tầng đang rõ nét
Phải thẳng thắn nhìn nhận, năm 2023, hạ tầng giao thông của TP.HCM đã có những bước chuyển biến tích cực, khi nhiều dự án quan trọng như mở rộng Quốc lộ 50, nút giao An Phú, đường Vành đai 3, các dự án xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất… đã được khởi công xây dựng.
Đây là tín hiệu vui cho thấy chính quyền TP.HCM đang dốc toàn lực cho việc đầu tư hạ tầng, bởi một thành phố muốn phát triển thì hạ tầng phải đi trước. Điều này cũng thể hiện rất rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định phát triển hạ tầng sẽ là một trong 4 chương trình đột phá của địa phương.
Trong kế hoạch xây dựng các dự án hạ tầng giao thông từ nay đến năm 2025, TP.HCM ưu tiên vốn cho các dự án liên kết vùng, trong đó phải kể đến đường Vành đai 3 dài 76,3 km đã khởi công giữa năm 2023. Đây là một tuyến đường quan trọng, khi hoàn thành vào năm 2025, sẽ tạo thành một vòng tròn khép kín, rút ngắn thời gian đi lại giữa TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án còn giúp phát triển các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, logistics... cho các tỉnh, thành phố trong khu vực…
Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng, bức tranh hạ tầng của TP.HCM sẽ có diện mạo tươi sáng hơn, vì trong thời gian rất dài, họ phải sống trong tình trạng kẹt xe, ngập nước rất trầm trọng.Chính sự yếu kém và những điểm nghẽn về hạ tầng đã kéo giảm động lực phát triển của TP.HCM và Thành phố có nguy cơ đánh mất các lợi thế cạnh tranh và sự hấp dẫn với nhà đầu tư.
Hai dự án liên kết vùng quan trọng khác là Quốc lộ 50 (kết nối TP.HCM với Long An) và nút giao An Phú (lối vào cao tốc TP.HCM - Long Thành để đi Đồng Nai) cũng đang được gấp rút thi công xuyên Tết Nguyên đán Giáp Thìn để kịp hoàn thành vào năm 2025. Khi 3 dự án hoàn thành, liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận sẽ có sự thay đổi rõ nét.
Trong 2 năm tiếp theo, một loạt dự án dự kiến được khởi công, như mở rộng Quốc lộ 13 đi Bình Dương, Quốc lộ 1 đi Long An, mở rộng đường vào cảng Cát Lái, mở rộng Quốc lộ 22 đi Tây Ninh… Cùng với đó, những tuyến cao tốc kết nối TP.HCM với các địa phương như TP.HCM - Mộc Bài; TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường Vành đai 4, TP.HCM đang trong quá trình làm báo cáo nghiên cứu khả thi và dự kiến khởi công trong vòng 2 -3 năm tới.
Đối với đường sắt, sau nhiều năm lùi kế hoạch hoàn thành, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên bắt đầu khai thác vào tháng 7/2024. Phương án kéo dài tuyến đường sắt này đến Đồng Nai và Bình Dương đã được các địa phương bàn bạc, nghiên cứu và đang chờ bố trí vốn đầu tư.
Theo kế hoạch, năm 2025, TP.HCM sẽ khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Song song với việc đẩy nhanh quá trình xây dựng các tuyến đường bộ, Thành phố cũng đang nghiên cứu các cơ chế huy động vốn và cách làm mới để đẩy nhanh quá trình xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.
Thay đổi tư duy để làm nhanh hơn
Từ nhiều năm qua, đầu tàu kinh tế TP.HCM - vốn đóng góp hơn 1/5 GDP và gần 30% ngân sách của cả nước - luôn trong tình trạng “mặc chiếc áo chật” với nhiều cái thiếu (thiếu cơ chế, thiếu hạ tầng và thiếu tiền). Tuy nhiên, tình hình đã khác khi Nghị quyết 98/2023/QH15 với nhiều cơ chế đặc thù dành cho Thành phố đã được Quốc hội ban hành.
Với những cơ chế mới, TP.HCM không còn lo về cơ chế như trước, việc còn lại là thực hiện ra sao mà thôi. Từ kinh nghiệm của Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM nên rút ngắn quy trình thủ tục đầu tư dự án tối đa còn 1 năm, thậm chí là vài tháng kể từ khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Muốn rút ngắn quy trình thủ tục đầu tư, TP.HCM cần giảm các thủ tục đan chéo hiện nay của các sở, ban, ngành. Đặc biệt, khi công trình cần phải xử lý tình huống, hoặc phải bổ sung, thay đổi thiết kế, việc trình hỏi ý kiến nhiều ban, ngành và chờ trả lời đã gây chậm trễ cho tiến độ công việc của đơn vị chủ quản và nhà thầu thi công. Điều này đã và đang xảy ra thường xuyên, nên cần được lãnh đạo Thành phố xem xét tinh gọn lại và đổi mới cách làm.
Với cơ chế như hiện nay, việc đầu tư các dự án hạ tầng lớn giao về cho một ban quản lý dự án sẽ rất lâu. Vậy nên, một tuyến đường ngắn như Lương Định Của làm gần 10 năm không xong và không thể có viễn cảnh 15 năm mà hoàn thành được 200 km đường sắt.
Để thay đổi điều này, TP.HCM có thể thành lập các công ty cổ phần đầu tư hạ tầng cho mỗi dự án hoặc mỗi cụm dự án, rồi tuyển dụng lãnh đạo doanh nghiệp có chuyên môn và năng lực để chỉ huy công trình.
Theo đó, công ty đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp hạch toán lãi lỗ, TP.HCM chỉ hỗ trợ cơ chế, chủ trương để công ty đầu tư và tự thu xếp vốn, đàm phán vốn và lập tiến độ thực hiện dự án. Nếu thực hiện được điều này tại các dự án, sẽ giảm sự phụ thuộc vào sở, ban, ngành, công ty đầu tư hạ tầng có đủ chuyên môn và năng lực để thực hiện dự án.
Nếu trước đây, các dự án hạ tầng tại TP.HCM luôn trong tình trạng thiếu vốn để làm, thì hiện nay, với cơ chế của Nghị quyết 98/2023/QH15, khả năng huy động vốn từ các nguồn lực xã hội sẽ không còn khó khăn. Đặc biệt, khi TP.HCM được định hướng là trung tâm tài chính quốc tế, thì hoàn toàn có thể thiết lập các cơ chế gọi vốn đầu tư hạ tầng theo phương thức mới bằng việc lập công ty đầu tư phát triển dự án hạ tầng.
Các công ty đầu tư phát triển dự án hạ tầng được cơ chế ưu đãi và tạo điều kiện để huy động vốn bằng nhiều hình thức, kể cả việc Thành phố bảo lãnh để phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Công ty sẽ tuyển dụng nhân sự chuyên về tài chính và đầu tư, có đủ năng lực thu xếp vốn cho doanh nghiệp để làm dự án và không giới hạn nhân sự của doanh nghiệp này chỉ là người Việt Nam, mà có thể tuyển dụng nhân sự đa quốc gia. Khi có các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, các tổ chức tài chính quốc tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ nhìn thấy đây là một đầu ra của thị trường vốn để họ đầu tư.
Một kênh huy động vốn khả thi nữa là tạo cơ chế thu hút vốn từ kiều bào ở nước ngoài. Hằng năm, kiều hối gửi về TP.HCM từ 9 đến 15 tỷ USD. Nếu Thành phố tạo ra một cơ chế thoáng và minh bạch về gọi vốn đầu tư hạ tầng thông qua các công ty cổ phần đầu tư hạ tầng, thì có thể huy động nguồn tài chính từ kiều bào, khi đó một nguồn lực rất lớn sẽ được khai thác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong lần dự lễ khởi công đường Vành đai 3 TP.HCM đã nói: “Để hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, cần đột phá về tư duy, hành động quyết liệt, hiệu quả và làm có trọng tâm, trọng điểm”.
Nếu thay đổi được tư duy làm hạ tầng như Thủ tướng nêu, thì chỉ 2 năm nữa, bức tranh về hạ tầng giao thông của đầu tàu kinh tế TP.HCM chắc chắn sẽ tươi sáng. Khi đó, các tuyến quốc lộ, các đường cao tốc kết nối với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là các tuyến đường tạo động lực phát triển vượt bậc cho Thành phố.
Nhìn tổng thể, bức tranh hạ tầng giao thông của TP.HCM từ nay đến năm 2025 sẽ có những thay đổi tích cực khi các tuyến đường kết nối liên vùng dần hoàn thiện. Nếu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường cao tốc, thì chỉ 4 năm nữa, Thành phố sẽ có diện mạo mới tươi sáng hơn.
Vì vậy, cả bộ máy của TP.HCM hãy thay đổi tư duy, thay đổi cách làm so với trước đây. Hy vọng bước sang năm 2024, với cơ chế mới, Thành phố sẽ có cách làm mới để các dự án hạ tầng không còn ì ạch và Thành phố dần lấy lại vị trí “Hòn ngọc Viễn Đông”.