Chuyển dịch sản xuất ngành bán dẫn: Cơ hội vàng' cho TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Sự chuyển dịch sản xuất của ngành bán dẫn đang mang đến “cơ hội vàng” cho Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM - thành phố được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của khu vực.

Tiềm năng và dư địa lớn

Làn sóng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ góp phần đưa ASEAN trở thành điểm đến tiềm năng cho ngành sản xuất bán dẫn.

Việt Nam hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn do sở hữu nhiều lợi thế: nguồn dự trữ lớn silica và kim loại hiếm (được sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất chip), chi phí lao động thấp, vị trí địa lý thuận lợi và các cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn.

Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, tổng giá trị ngành bán dẫn của Việt Nam đạt 563 triệu USD vào năm 2023, dự báo tăng trưởng hằng năm ở mức 10,1% và sẽ đạt 754 triệu USD vào năm 2026. Trong năm 2023, ngành chip của Việt Nam chiếm chưa tới 0,1% giá trị ngành ở cấp độ toàn cầu. Hoạt động chính của Việt Nam nằm ở khâu mang lại giá trị gia tăng và biên lợi nhuận thấp trên chuỗi giá trị của ngành, bao gồm công đoạn lắp ráp, kiểm tra và đóng gói. Đây là lý do thị phần ngành bán dẫn của Việt Nam còn rất thấp so với thế giới.

Để có thể tiến sâu hơn trong chuỗi giá trị, bao gồm các hoạt động như sản xuất chip và thiết kế chip, Việt Nam cần có những khoản đầu tư đáng kể vào việc nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực, cải thiện hạ tầng hiện hữu và tạo ra các cơ chế ưu đãi về thuế. Khi đó, Việt Nam mới có thể trở thành một điểm đến thay thế tiềm năng cho các nhà sản xuất lớn như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam của Nvidia là minh chứng cho thấy, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, chúng ta nên duy trì và tiếp tục phát triển những năng lực hiện có, như lĩnh vực dịch vụ sản xuất điện tử.

Về lâu dài, Việt Nam có thể thâm nhập sâu hơn chuỗi giá trị để thu hút các dự án gia công lắp ráp bán phần và kiểm tra (OSAT), sản xuất thiết bị tích hợp (IDMs) bằng cách chuyển sang sản xuất back-end (cơ sở dữ liệu, ứng dụng và máy chủ) truyền thống và back-end công nghệ cao.

Cơ hội cho TP.HCM

TP.HCM, thành phố có GRDP lớn nhất cả nước, đang là “ứng cử viên” sáng giá để trở thành đầu tàu quan trọng trong sự phát triển của ngành bán dẫn tại Việt Nam.

Theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn và chip là những ngành ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố.

Thời gian qua, Roland Berger đã tham gia tích cực vào nhiều dự án lập quy hoạch tích hợp về kinh tế - xã hội tại Việt Nam, trong đó có Dự án Lập quy hoạch tổng thể cho ngành công nghiệp của TP.HCM với tầm nhìn đến năm 2030.

Chúng tôi nhận thấy, TP.HCM đang thiếu một hệ sinh thái trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn và các cơ sở chuyên biệt phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao, như các trung tâm đổi mới sáng tạo, phòng thí nghiệm và nghiên cứu quy mô quốc tế, hệ thống điện và mạng dữ liệu ổn định. Ngoài ra, quản lý chất thải cũng là một lĩnh vực cần được cải thiện. Hiện nay, hạ tầng và hệ thống xử lý hóa chất, chất thải ở TP.HCM còn nhiều hạn chế.

Thêm vào đó, các ngành công nghiệp công nghệ cao như bán dẫn đòi hỏi các kỹ năng chuyên sâu, cần đội ngũ nhân lực trình độ cao, bao gồm kỹ sư phần cứng, kỹ sư phần mềm, chuyên gia kiểm soát chất lượng, các nhà khoa học có chuyên môn chuyên sâu, kỹ thuật viên sản xuất.

Hiện nay, Việt Nam chỉ có khoảng 5.000 - 6.000 kỹ sư phần cứng được đào tạo cho ngành chip, trong khi nhu cầu dự kiến là 20.000 người trong vòng 5 năm tới và 50.000 người trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thiếu hụt nguồn cung kỹ sư phần mềm cho ngành bán dẫn.

Cần các giải pháp chiến lược và bền vững

Mặc dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng cơ hội phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam là rất lớn. Sự chuyển dịch sản xuất của ngành bán dẫn mang lại “cơ hội vàng” cho Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM.

TP.HCM sở hữu vị trí địa lý chiến lược thuận lợi cho thương mại quốc tế, nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao cùng lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng (85% kỹ sư thiết kế chip tại Việt Nam tập trung ở TP.HCM). Theo đó, Thành phố có thể phát huy lợi thế chi phí lao động thấp hơn so với các trung tâm bán dẫn tiềm năng khác trong khu vực (như Bangkok, Thái Lan) và những chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, Việt Nam có nguồn tài nguyên dồi dào, sở hữu dự trữ silica và nguồn kim loại hiếm được sử dụng cho sản xuất chip lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc). Điều này mang lại lợi thế lớn cho TP.HCM trong việc phát triển một chuỗi cung ứng tích hợp và hoàn thiện hơn trong tương lai.

Để biến cơ hội thành hiện thực, cần đưa ra các giải pháp mang tính chiến lược và bền vững.

Về hoạch định chính sách ưu tiên phát triển các khu kinh tế chuyên biệt với các ưu đãi cho ngành công nghiệp công nghệ cao (như hỗ trợ thuế, đơn giản hóa quy trình…), Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã thực hiện tốt.

Điển hình là Khu công nghệ cao TP.HCM đã thu hút Intel xây dựng nhà máy từ năm 2010 nhờ các cơ chế ưu đãi và chính sách giảm thuế hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn giá trị do nhân lực của nước ta tại Intel tạo ra vẫn mang giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị. Do đó, chúng ta cần tập trung vào đòn bẩy thứ hai, đó là tăng cường và mở rộng nguồn lao động.

Để nâng cao kỹ năng và mở rộng nguồn nhân lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và các công ty công nghệ toàn cầu để phát triển các khóa học chuyên biệt về sản xuất bán dẫn, góp phần thu hẹp khoảng cách hiện có so với nhân lực quốc tế. Trong đó, TP.HCM có thể triển khai các chương trình chuyên biệt tại các trường đại học nhằm tập trung vào công nghệ bán dẫn, vi điện tử và các lĩnh vực liên quan.

Ngoài ra, nên đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới để giúp tăng cường chuyển giao kiến thức, xây dựng các chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên giữa các trường, tạo ra các sáng kiến hợp tác nghiên cứu chung...

Bên cạnh đó, Thành phố có thể nâng cấp các trung tâm đào tạo nghề, cải thiện chương trình giảng dạy tại các trung tâm này, cung cấp các khóa học chuyên biệt về sản xuất, thiết kế và kiểm tra chip…

Tình trạng thiếu hụt kỹ sư tại nước ta có thể được giải quyết một phần qua việc sử dụng và tiếp cận nguồn nhân lực, chuyên gia quốc tế từ các quốc gia có ngành công nghiệp chip phát triển. Chính phủ nên có cơ chế và chính sách ưu đãi trong việc cung cấp visa hoặc giấy phép lao động cho các kỹ sư quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể chuyển nơi làm việc về Việt Nam. Mặc dù số lượng kỹ sư nước ngoài không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nhân lực hiện tại của nước ta, nhưng kinh nghiệm và chuyên môn mà họ mang lại có giá trị rất lớn.

Đặc biệt, việc tạo dựng quan hệ đối tác quốc tế và khuyến khích hợp tác công - tư (PPP) có thể đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

TP.HCM đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới. Thông qua các giải pháp nhằm giải quyết các thách thức (trong đó, yếu tố nguồn nhân lực là chìa khóa chính) và tận dụng cơ hội hiện có, Thành phố có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của các dự án công nghệ cao từ nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để tận dụng được cơ hội này, cần sự hợp tác chặt chẽ của Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế của Roland Berger, chúng tôi tin rằng, đây là “cơ hội vàng” cho TP.HCM để trở thành đầu tàu phát triển ngành bán dẫn của cả nước và trung tâm bán dẫn của khu vực.

(*) Giám đốc Roland Berger tại Việt Nam

Bùi Đào Thái Trường (*)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục