Cơ hội đưa ngành logistics trở thành mũi nhọn

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group kỳ vọng, TP.HCM sẽ tận dụng được Nghị quyết này để đưa lĩnh vực logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, song dường như Thành phố đang bỏ lỡ cơ hội này. Bà nhận xét thế nào về điều này?

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group

Đúng là TP.HCM có nhiều lợi thế để trở thành một trung tâm logistics lớn của phía Nam, khi các đầu mối giao thông lớn như sân bay, nhà ga, cảng biển đều nằm ở Thành phố. Hơn thế, Thành phố cũng có đầy đủ các phương thức vận tải gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, nên rất thuận lợi cho việc luân chuyển hàng hóa, phát triển dịch vụ logistics.

Thế nhưng, xét về tổng quan, trong một thời gian dài, Thành phố chưa tận dụng được lợi thế này. Hiện nay, các vấn đề về hạ tầng, nguồn nhân lực, dịch vụ logistics đều chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thành phố nói riêng, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành logistics TP.HCM đang vướng rất nhiều điểm nghẽn. Theo bà, đó là những điểm nghẽn nào?

Điểm nghẽn lớn nhất và “nhức nhối” nhất đối với phát triển logistics của TP.HCM vẫn là hạ tầng giao thông. Mặc dù những năm qua, Thành phố đã đầu tư cho hạ tầng, nhưng rất chậm và không theo kịp nhu cầu phát triển. Các tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3, các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái chậm xây dựng, dẫn đến kẹt xe kéo dài, làm tăng chi phí logistics của doanh nghiệp. Cho đến nay, cảng Cát Lái, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thường xuyên rơi vào quá tải, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động logistics…

Các trung tâm logistics, hệ thống cảng cạn (ICD), trung tâm phân phối hiện phân bố rất rời rạc. Thành phố đã quy hoạch 8 trung tâm logistics quy mô lớn, song đến nay chưa xây dựng được trung tâm nào. Điều này cho thấy, hạ tầng phục vụ logistics nói chung tại Thành phố còn quá nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ.

Đó là chưa kể nguồn nhân lực phục vụ ngành logistics rất thiếu và yếu. Sinh viên đào tạo tại các trường đại học chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Để sớm xây dựng các trung tâm logistics, TP.HCM nên có cơ chế thông thoáng để mời gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư

Để sớm xây dựng các trung tâm logistics, TP.HCM nên có cơ chế thông thoáng để mời gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư

Qua nhiều cuộc hội thảo, lãnh đạo Thành phố cũng nhận diện được các điểm nghẽn và đã triển khai một số giải pháp, nhưng xem ra hiệu quả vẫn chưa như mong đợi?

Tôi cho rằng, định hướng về quy hoạch đầu tư hệ thống giao thông, các cảng cạn và các trung tâm logistics phần lớn là đi đúng hướng, nhưng thực hiện thì quá chậm nên không theo kịp được nhu cầu phát triển của ngành logistics.

Như tôi đã nói ở trên, các giải pháp mà Thành phố đang thực hiện ít nhiều đã mang lại hiệu quả, nhưng do đầu tư chậm và chưa đồng bộ, nên hiệu quả chưa đạt được như mong muốn.

TP.HCM đặt mục tiêu đưa logistics trở thành ngành mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, theo bà, TP.HCM cần phải làm gì?

Tôi cho rằng, để khơi thông các điểm nghẽn của logistics TP.HCM, thì trước tiên phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông. Các tuyến quốc lộ như Quốc lộ 13 nối với Bình Dương, Quốc lộ 22 nối với Tây Ninh, Quốc lộ 50 nối với Long An và các tuyến đường cao tốc như TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành cần được đầu tư nhanh hơn. Một tín hiệu vui trong năm 2023 là Thành phố đã khởi công đường Vành đai 3, mở rộng Quốc lộ 50 kết nối TP.HCM với Long An.

Việc xây dựng kết nối hạ tầng liên kết vùng với TP.HCM rất quan trọng, đòi hỏi các địa phương trong vùng phải chung tay thực hiện. Thời gian qua, một tín hiệu tích cực là tuyến đường Vành đai 3, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được các địa phương đồng loạt khởi công, đoạn đi qua địa phương nào thì địa phương đó thực hiện. Theo tôi, phương án này nên tiếp tục phát huy đối với các dự án xây dựng hạ tầng liên kết vùng, nhằm thúc đẩy hoạt động logistics phát triển.

Đối với các trung tâm logistics, trung tâm phân phối, TP.HCM nên nghiên cứu quy hoạch gắn với các đầu mối giao thông như sân bay, cảng biển, khu công nghiệp để tối ưu hóa khả năng kết nối giữa các tuyến đường vận chuyển với hệ thống kho bãi, đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Để sớm xây dựng các trung tâm logistics, Thành phố nên mời gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư, chỉ cần tạo cơ chế thông thoáng và phê duyệt các thủ tục nhanh chóng, thì tôi nghĩ, doanh nghiệp sẽ vào làm. Nếu phát triển được trung tâm logistics tập trung, mở rộng quy mô phục vụ dịch vụ theo chuỗi trọn gói, sẽ phát huy tối đa tiềm năng của ngành logistics TP.HCM.

Đối với vấn đề nguồn nhân lực, Thành phố có thể mở một trường đại học chuyên đào tạo ngành logistics để cung cấp nhân lực cho Thành phố và cả vùng phía Nam.

TP.HCM cần thể hiện vai trò đầu tàu, kết nối với các khu vực logistics của các tỉnh, thành phố; phát triển đồng bộ công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành công nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin để giải quyết bài toán về thời gian và chi phí logistics. Thành phố cần phải hành động nhanh hơn, mạnh hơn trong phát triển logistics, chứ không chỉ dừng lại ở việc xây dựng đề án rồi nhiều năm vẫn chưa triển khai.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà có đề xuất gì với TP.HCM để đưa ngành logistics phát triển?

Về phía doanh nghiệp, chúng tôi đề xuất các quy hoạch hạ tầng logistics phải chuyên sâu và chi tiết hóa, tương đồng với quy hoạch về thương mại, công nghiệp để giúp các doanh nghiệp logistics, đơn vị bán lẻ có cơ sở đi đúng hướng, tập hợp được sức mạnh chung.

Ngoài ra, thể chế chính sách là điều cần bàn đến. Logistics là ngành rất rộng, nếu phân tách ra thì có nhiều nhiệm vụ, nên rất cần Chính phủ ban hành các chính sách riêng, cụ thể và đưa về một cơ quan quản lý thống nhất, thay vì đưa ra các quy định chung chung liên quan đến nhiều bộ, ngành, khiến doanh nghiệp rất khó thực hiện.

Về phía chính quyền TP.HCM, cần tạo cơ chế thông thoáng trong thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp ngành logistics. Những hạng mục hạ tầng nào doanh nghiệp mong muốn và có đủ khả năng đầu tư thì nên để doanh nghiệp làm.

Tôi kỳ vọng, TP.HCM sẽ tận dụng được Nghị quyết 98/2023/QH15 để đưa lĩnh vực logistics trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố, tránh bỏ lỡ cơ hội.

Lê Quân thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục