Cho vay có chọn lọc
Một thực trạng tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay, đó là bất kể lĩnh vực gì, ngành nghề gì, ngân hàng cũng đều tiến hành cho vay. Không có sự phân biệt rõ nét, không có tiêu chí nhận định rõ ràng rằng đâu là lĩnh vực cho vay cốt yếu, thể hiện chuyên tâm hay năng lực sở trường của một ngân hàng.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO |
Điều đó xuất phát từ yếu tố thực tiễn là hầu hết giới chủ ngân hàng thương mại tại Việt Nam vẫn chỉ chú tâm vào các mục tiêu về tăng trưởng tổng quy mô tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế. Để đạt nhanh mục tiêu tăng trưởng này, rất nhiều ngân hàng lựa chọn cho mình cơ cấu danh mục tín dụng đa thành phần, miễn sao là có thể đẩy được nguồn vốn tín dụng ra thị trường. Có chừng ấy dư nợ, chừng ấy doanh thu, chừng ấy tổng tài sản và chừng ấy lợi nhuận trước thuế ước tính mới là điều quan tâm của giới chủ.
Nếu hỏi một cán bộ tín dụng ngân hàng bất kỳ, lĩnh vực nào là sở trường của ngân hàng mình, thì câu trả lời có thể nhận lại thường là phán đoán mang tính cảm tính: “Ngân hàng tôi mạnh về bất động sản; ngân hàng tôi mạnh về cho vay tiêu dùng...”. Những câu trả lời như vậy do họ thường chỉ dựa vào cảm nhận về các khoản vay tại đơn vị kinh doanh, hơn là dựa vào chính sách chiến lược và công cụ hỗ trợ triển khai chiến lược của ngân hàng.
Ở các ngân hàng Việt Nam, nhiều ông chủ không am hiểu chuyên môn bằng cán bộ ngân hàng, nhưng về thẩm quyền lại có quyền lực vô biên. Do đó, về tương lai, cần xây dựng một hội đồng quản trị ngân hàng độc lập.
Tại sao trong những vụ đổ vỡ về tín dụng của ngành ngân hàng tại Việt Nam từ trước tới nay, gần như không xuất hiện ngân hàng 100% vốn ngoại hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài? Nếu chỉ xét thoáng qua, thì chúng ta có thể trả lời rằng bởi vì đây chỉ là những chi nhánh nhỏ trong mạng lưới quốc tế ngân hàng mẹ, chỉ cho vay theo những danh mục chỉ định sẵn của ngân hàng mẹ ở nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, ngân hàng mẹ ở nước ngoài của họ cũng có thể đã từng trải qua những thời kỳ khủng hoảng tương tự như ngành ngân hàng Việt Nam, giờ họ đã đúc kết và hoàn thiện cách quản trị rủi ro.
Có thể khẳng định rằng, trên góc độ quản trị rủi ro, ở những tập đoàn tài chính quốc tế, những ngân hàng toàn cầu, yếu tố cho vay có chọn lọc, cho vay chuyên biệt trên sự am hiểu về lĩnh vực tài trợ vốn vay được thực sự chú trọng. Điều này không phải bằng khẩu hiệu, tuyên ngôn, mà bằng hệ thống phân tích các cơ sở dữ liệu, chứa đựng sự am hiểu của họ đối với những lĩnh vực chuyên tâm tài trợ. Chẳng hạn, nếu ngân hàng hiểu và lựa chọn cho mình lĩnh vực thép, thì ở đó họ có đầy đủ những thông số để đánh giá những chuẩn mực hoạt động của một doanh nghiệp thép. Trong số những dữ liệu đánh giá, thậm chí công nghệ quản trị rủi ro cho phép ngân hàng đưa ra nhận định chính xác về năng lực kinh doanh thực sự của khách hàng dựa vào một tiêu chí là năng lượng điện tiêu thụ. Từ đó, công nghệ quản trị sẽ cho phép đơn vị kinh doanh kết hợp với các yếu tố khác để đánh giá, đằng sau báo cáo tài chính thì các số liệu kinh doanh của khách hàng có đáng tin cậy không.
Như vậy, mức độ hiểu biết của ngân hàng dành cho doanh nghiệp sẽ đa dạng ở những khía cạnh về tài chính, về phi tài chính, về năng lực quản trị điều hành, về mức độ am hiểu thị trường của doanh nghiệp và về tất cả những yếu tố khác. Tất cả hình thành nên nền tảng cho vay có chọn lọc của ngân hàng, đó có thể gọi là công nghệ hoặc bí quyết kinh doanh của ngân hàng.
Dựa trên bí quyết kinh doanh và công nghệ lõi về mức độ am hiểu doanh nghiệp như vậy, ngân hàng mới có cơ sở đặt cho mình những mục tiêu về tăng trưởng và khai phá thị trường. Cũng từ đó dẫn đến một điều tất yếu, trước khi đẩy nguồn vốn ra thị trường, ngân hàng gần như đã kiểm soát được rủi ro tín dụng để đảm bảo nguồn vốn sẽ quay về mình, đi kèm khoản lợi nhuận chắc chắn. Tuy nhiên, điều này lại rất hiếm xảy ra ở các ngân hàng Việt Nam.
Như vậy, câu trả lời cho tương lai để lựa chọn một ngân hàng tốt là ngân hàng cho vay có chọn lọc theo lĩnh vực, ngành nghề sở trường mà mình lựa chọn.
Ngân hàng tốt cần một quy trình quản trị rủi ro độc lập, minh bạch, không phụ thuộc vào ông chủ |
Giới chủ đứng ngoài các quyết định về cho vay
Có một thực tế ở Việt Nam hiện nay là những cổ đông lớn, những cổ đông trọng yếu luôn kiêm giữ hoặc kiểm soát những vị trí trọng yếu trong hội đồng quản trị của ngân hàng.
Cho dù là sự tham gia tích cực, nhưng khi quyền lực của giới chủ tham gia vào quyết định về rủi ro tín dụng của ngân hàng thường để lại những hệ lụy chiến lược lâu dài.
Người viết có cơ hội tiếp xúc với một số cán bộ ngân hàng trước đây làm việc ở khối ngân hàng cổ phần và không được đánh giá quá cao hay có năng lực đặc biệt. Tuy nhiên, một thời gian gặp lại, họ đã giữ những cương vị rất quan trọng về quản trị rủi ro tín dụng ở những ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là tại sao những nhân sự này lại không phát triển tốt khi còn ở những ngân hàng cổ phần trong nước?
Câu trả lời rất đơn giản, không phải họ không có ý kiến, hay không đánh giá được rủi ro của các khoản vay, mà các ý kiến, đánh giá này thường bị át đi bởi ý kiến và quyết định của giới chủ khi giải quyết khoản vay.
Chẳng hạn, khi cán bộ kiểm soát trình ý kiến lên, cảnh báo về mức rủi ro khi cho khách hàng X vay, thì trong cuộc họp phê duyệt tín dụng, chủ ngân hàng lại cho rằng, có biết tường tận về doanh nghiệp này nên cứ yên tâm cho vay đi. Chỉ một ý kiến như vậy cũng có thể dẫn tới những công trình phân tích tuân thủ rủi ro không còn ý nghĩa nữa. Khi khoản vay vẫn an toàn, ra lợi nhuận, thì đó là cái tài của vị chủ nhân ngân hàng chứ không phải cán bộ chuyên môn, còn khi thất thoát tín dụng xảy ra, thì đó là cái sai của cán bộ chuyên môn không tuân thủ quy trình. Cách làm như vậy sẽ vô hiệu hóa vai trò của hệ thống công nghệ, quy trình quản trị rủi ro trong ngân hàng.
Trong khi đó, ở các ngân hàng nước ngoài, họ xây dựng hệ thống công nghệ nhận biết rủi ro, quy trình duyệt quyết định tín dụng rõ ràng. Nếu cán bộ tín dụng nhận thức thông tin và phân tích ứng vào các trường hợp cần từ chối một khoản vay để tuân thủ công nghệ, quy trình quản lý rủi ro, thì kết quả đó thường được tôn trọng.
Ở những tập đoàn tài chính, ngân hàng đa quốc gia, đa phần thành viên hội đồng quản trị không phải là cổ đông của ngân hàng, mà chỉ là người làm thuê chuyên nghiệp. Họ ngồi tại ngân hàng trong những cương vị quản trị hay điều hành ngân hàng không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận, kinh doanh, an toàn của ngân hàng, mà còn vì danh dự và khả năng cầu tiến của bản thân họ. Họ phụng sự ngân hàng theo khía cạnh đó và do vậy, họ cân bằng được tham vọng của giới chủ với an toàn ngân hàng mà họ phụng sự.
Nhìn lại hệ thống ngân hàng Việt Nam, chúng ta chưa đạt được điều đó, khi mà ngồi ở trong cương vị hội đồng quản trị ở các ngân hàng đa phần là các ông chủ. Mà xét ở khía cạnh chuyên môn, nhiều ông chủ không am hiểu chuyên môn bằng cán bộ ngân hàng, nhưng về thẩm quyền lại có quyền lực vô biên. Do đó, nhìn về tương lai của ngành ngân hàng Việt Nam, xây dựng một hội đồng quản trị độc lập, tránh để yếu tố giới chủ chi phối các quyết định kinh doanh sẽ là tiền đề để tạo nên ngân hàng tín dụng tốt.
Tựu chung lại, để trở thành một ngân hàng tốt về tín dụng có thể có rất nhiều yếu tố bên ngoài và yếu tố nội tại của ngân hàng tác động, nhưng hai yếu tố nêu trên là những gợi ý mà các ngân hàng Việt Nam có thể suy ngẫm.