Tín dụng quý II khó tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế 5 tháng đầu năm 2024 mới đạt gần 2% nên khó tăng cao trong quý II, nhưng kỳ vọng sẽ bật mạnh trong 2 quý cuối năm.
Tín dụng tăng chậm trong những tháng đầu năm một phần do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu Tín dụng tăng chậm trong những tháng đầu năm một phần do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu

Sức hấp thụ vốn còn yếu

Tăng trưởng dư nợ tín dụng giữa các ngân hàng có sự phân hóa rõ nét trong quý đầu năm nay. Có những ngân hàng tín dụng tăng cao, song cũng có ngân hàng tín dụng giảm do sức cầu vốn còn yếu, cho dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm thấp.

Cụ thể, trong quý I/2024, BIDV là quán quân về cho vay khách hàng với quy mô hơn 1,79 triệu tỷ đồng, song cũng chỉ tăng 0,9% so với cuối năm ngoái. Đứng thứ hai là VietinBank với số dư 1,51 triệu tỷ đồng, tăng 2,8%. Vietcombank đứng thứ ba với dư nợ đạt gần 1,27 triệu tỷ đồng, nhưng tăng trưởng âm 0,3%. MBBank tín dụng chỉ tăng 0,7% trong quý đầu năm 2024, dù trong năm 2023 là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống (gần 29%).

Một số ngân hàng khác, kết thúc quý I/2024, tín dụng hợp nhất của VPBank tăng 2,1% so với cuối năm 2023; ACB có dư nợ tín dụng đạt 506.000 tỷ đồng, tăng 3,8%; HDBank tăng 6,2% và nâng quy mô tổng dư nợ lên 375.385 tỷ đồng; Techcombank tăng 6,4% và nâng quy mô tổng dư nợ lên 563.900 tỷ đồng…

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 10/5/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 1,95% so với cuối năm 2023, tương đương dư nợ tín dụng tăng thêm hơn 264.400 tỷ đồng.

Lý giải tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm, bà Hồng cho biết, là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều khách hàng vay chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn; đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Bên cạnh đó là khó khăn trong triển khai các chương trình, chính sách tín dụng, chẳng hạn việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội diễn ra chậm do nhiều dự án còn gặp vướng mắc pháp lý; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp. Tương tự, các gói cho vay tiêu dùng cũng gặp khó do thu nhập của người lao động sụt giảm.

Với các chương trình tín dụng ưu đãi khác, Thống đốc cho biết, NHNN đang theo dõi, triển khai một số chương trình theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nguồn hỗ trợ đối với các chương trình này là từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nguồn lực này là có hạn và trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách nhà nước không bố trí kế hoạch vốn đầu tư công để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Kỳ vọng 2 quý cuối năm

Năm 2024 đã bỏ room tín dụng đối với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với các tổ chức tín dụng còn lại, NHNN đang rà soát để từng bước dỡ bỏ hạn mức này.

Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% và theo đó, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Các ngân hàng có điều kiện để đẩy mạnh cho vay, thay vì hạn chế room (hạn mức tăng trưởng) như các năm trước.

Theo kế hoạch đề ra, năm 2024, mục tiêu tăng trưởng cho vay khách hàng của ACB là 14%, tương đương 555.866 tỷ đồng. Theo ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB, đây là mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời tuân thủ theo mức NHNN giao.

Ông Phát cho biết, kết thúc quý I/2024, tín dụng của ACB cao hơn gần gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng toàn ngành và tăng tích cực hơn so với các tháng trước đó. Tính đến nay, tín dụng ACB tăng trưởng khoảng 8,5% và được xem là mức cao trong hệ thống. Với mức tăng trưởng này, ACB tự tin hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp năm nay.

Tại VPBank, ngân hàng này dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 25%, tương ứng với dư nợ cấp tín dụng 752.104 tỷ đồng (mức tăng này còn phụ thuộc vào hạn mức được cấp của NHNN). Còn Techcombank lên kế hoạch tổng tín dụng tăng 16,2% trong năm nay, đạt 616.061 tỷ đồng hoặc cao hơn, theo hạn mức tín dụng NHNN cấp. Sacombank dự kiến tín dụng tăng 11% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với hạn mức phân bổ. Với HDBank, tổng dư nợ dự tín dụng dự kiến đến cuối năm nay vượt 438.000 tỷ đồng, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN giao.

Năm 2024, MBBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức 16% được giao. Trong đó, MBBank sẽ tập trung cho vay khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thật, đây cũng là sản phẩm chủ lực của ngân hàng năm tới, trong khi cho vay ô tô chỉ ở mức thấp, chiếm 0,2% tổng dư nợ.

Tại nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, BIDV sẽ tăng trưởng dư nợ tín dụng theo giới hạn NHNN giao, dự kiến mức 14,04% - tương ứng gần 2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,4%. Hạn mức tăng trưởng tín dụng VietinBank được NHNN phê duyệt năm nay là 14% và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%. Vietcombank cũng được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng gần 16% trong năm nay và nếu sử dụng hết, dư nợ tín dụng sẽ đạt 1,48 triệu tỷ đồng, nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.

Nhìn chung, các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2024 và đang từng bước kích cầu cho vay thông qua các chương trình lãi suất ưu đãi cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Các ngân hàng kỳ vọng, tín dụng sẽ bật mạnh trong 2 quý cuối năm và hoàn thành mục tiêu ngành đưa ra 14-15% năm nay khi mặt bằng lãi suất cho vay đang duy trì ở mức thấp.

Tuy nhiên, trước bối cảnh tín dụng tăng chậm trong 5 tháng qua, PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân đến từ Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khó hoàn thành, mà chỉ đạt khoảng 10-11%. Lý do bởi kinh tế đang phục hồi chậm, đồng thời nhu cầu vốn của khách hàng doanh nghiệp chưa cao vì sức mua thị trường còn yếu, doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng vốn vay mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Ở góc nhìn khác, ông Đinh Đức Quang - Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam đánh giá, mức tăng trưởng tín dụng nền kinh tế khoảng 2% trong 5 tháng đầu năm 2024 dù còn cách rất xa mục tiêu 14-15% cả năm, nhưng Chính phủ và cơ quan quản lý đang tìm các giải pháp để kích cầu sức mua, tạo đà cho tăng trưởng tín dụng, nhất là trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Thống đốc NHNN cũng cho biết, chưa bỏ cơ chế room tín dụng hàng năm do lo ngại hệ thống có thể quay lại cuộc đua tăng lãi suất huy động, cho vay và nợ xấu cao như trước năm 2011. Trong báo cáo gửi Quốc hội, người đứng đầu NHNN cho hay, từ năm 2024 đã bỏ room tín dụng đối với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với các tổ chức tín dụng còn lại, NHNN đang rà soát để từng bước dỡ bỏ hạn mức này, nhưng còn một số khó khăn.

Trong đó, khó khăn lớn nhất là đặc thù kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn từ ngân hàng. Vì thế, áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế tiếp tục đè nặng lên hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản. Với tính đặc thù này, nếu ngân hàng tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát, hệ thống có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng “nóng” như giai đoạn trước và khi đó sẽ khó kiểm soát nợ xấu tăng cao, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng và bất ổn vĩ mô.

Theo bà Hồng, năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng 15% cho các ngân hàng ngay từ đầu năm. Đây là điểm khác biệt trong cách điều hành tín dụng so với những năm trước vốn thường được chia thành nhiều đợt và yêu cầu các ngân hàng gửi đề nghị tăng trưởng tín dụng theo khả năng của từng ngân hàng.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục