Tổng thống Putin: Nga không sử dụng khí đốt làm "vũ khí" đối phó châu Âu

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nước này không sử dụng năng lượng làm "vũ khí" đối phó châu Âu và sẵn sàng hỗ trợ khu vực này khi cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn tiếp tục.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự phiên thảo luận tại diễn đàn quốc tế Tuần lễ Năng lượng Nga tổ chức vào ngày 13/10 tại Moscow. Ảnh: AFP

"Chúng tôi không sử dụng bất kỳ vũ khí nào", Tổng thống Putin khẳng định với phóng viên đài CNBC tại Moscow vào ngày 13/10. "Ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của Chiến tranh Lạnh, Nga vẫn hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng và cung cấp khí đốt cho châu Âu", ông Putin nhấn mạnh.

Trước những cáo buộc rằng Nga đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, Tổng thống Putin cho rằng đó là "những lời dối trá có động cơ chính trị" và "không có điều gì cho thấy rằng chúng tôi sử dụng năng lượng như một loại vũ khí". Ngược lại, Tổng thống Nga cho biết nước này đang "mở rộng nguồn cung năng lượng sang châu Âu".

Những lời khẳng định trên được Tổng thống Putin đưa ra khi ông tham dự phiên thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn quốc tế thường niên mang tên "Tuần lễ Năng lượng Nga" diễn ra ngày 13/10 tại Moscow.

Phát biểu tại phiên thảo thuận với sự tham gia của các giám đốc điều hành các tập đoàn lớn như ExxonMobil, BP, TotalEnergies, và Mercedez-Benz, Tổng thống Putin cho rằng châu Âu "không nên trốn tránh trách nhiệm" về cuộc khủng hoảng năng lượng ở khu vực này, bởi các nước châu Âu đã không ra sức bổ sung dự trữ khí đốt vào mùa hè.

"Giá khí đốt tăng cao ở châu Âu là hệ quả của việc thâm hụt năng lượng chứ không phải điều ngược lại và đó là lý do tại sao chúng ta không nên đổ lỗi vô tội vạ, đây là điều mà các đối tác của chúng ta đang cố gắng thực hiện", ông Putin nói thêm.

Tổng thống Nga đánh giá: "Thị trường khí đốt châu Âu dường như đang mất cân bằng và điều này có thể dự đoán được".

Nhưng ông chủ Điện Kremlin khẳng định Nga sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ cung cấp năng lượng theo hợp đồng và thảo luận về các hành động cũng như hợp tác bổ sung với các đối tác châu Âu. Tổng thống Nga cũng cho biết nước này đã tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu thêm 15% trong năm nay.

Ông Putin cho rằng tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu hiện nay là do thiếu hụt sản xuất năng lượng tái tạo vào mùa hè và nguồn cung từ các đối tác khác bị cắt giảm, bao gồm cả Mỹ.

"Các bạn thấy đấy, vấn đề không nằm ở chúng tôi, nó ở phía châu Âu, bởi trước tiên chúng tôi biết rằng các trang trại điện gió đã không hoạt động trong mùa hè vì vấn đề thời tiết, mọi người đều biết điều này. Hơn nữa, người châu Âu đã không bơm đủ khí đốt vào các cơ sở khí đốt dưới lòng đất của họ… và nguồn cung khí đốt cho châu Âu đã giảm so với các khu vực khác trên thế giới", Tổng thống Putin nêu.

"Vì vậy, chúng tôi đã tăng nguồn cung của mình, nhưng các nước khác, trong đó có Mỹ đã cắt giảm nguồn cung của họ và đây là nguyên nhân dẫn đến sự hoảng loạn", ông Putin cho biết thêm. Đồng thời, Tổng thống Nga nhấn mạnh nước này có thể cung cấp nhiều khí đốt hơn nữa, "nhưng chúng tôi cần nhận được đề xuất để thực hiện điều đó".

Tuần lễ Năng lượng Nga được biết đến là nơi Tổng thống Nga đưa ra chương trình nghị sự về năng lượng cho nền kinh tế này. Tại đây, các chuyên gia cũng thảo luận về tình hình chính trị, đường ống, đầu tư và biến đổi khí hậu cũng như rủi ro đối với tăng trưởng và an ninh toàn cầu.

Tuần trước, Tổng thống Putin đã đề nghị tăng nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực châu Âu trong một động thái giúp ổn định giá cả. Thế nhưng, những người chỉ trích Điện Kremlin cho rằng Nga đã cố tình cung cấp khí đốt dưới mức nhu cầu thị trường nhằm gây ra cuộc khủng hoảng và làm cho châu Âu thấy rõ sự phụ thuộc của họ vào nguồn cung từ Nga.

Tuy nhiên, phía Nga đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.

Các chuyên gia cho rằng Nga đã hạn chế nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu với mục đích gây áp lực lên Đức để đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận cho đường ống dẫn khí Nord Stream 2 hiện đã hoàn thành - một dự án nhằm thúc đẩy nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Biển Baltic.

Trước đó, dự án đường ống này vấp phải nhiều chỉ trích, bao gồm cả phía Mỹ và các nước Đông Âu như Ba Lan và Ukraine. Họ cho rằng đường ống này làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung năng lượng từ Nga và làm suy yếu khu vực châu Âu về mặt an ninh năng lượng.

Hãng thông tấn Nga TASS hôm 13/10 đưa tin, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Nga đang cung cấp khí đốt cho châu Âu ở mức tối đa theo các hợp đồng hiện có. Ông Dmitry Peskov cũng lưu ý rằng Moscow sẵn sàng tăng cường vận chuyển khí đốt qua Ukraine nếu EU tăng lượng mua.

Nga hiện là nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn thứ ba trên thế giới và nước này chiếm hơn 40% lượng khí đốt EU nhập khẩu hàng năm, theo dữ liệu mới nhất từ Eurostat. Vị thế là một trong những nhà xuất khẩu năng lượng chính của thế giới khiến Nga hiện sở hữu những lợi thế kèm bất lợi. Trong khi Nga có thể đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu năng lượng để tăng doanh thu cho chính phủ, thì xu hướng dịch chuyển toàn cầu từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các năng lượng thay thế và công nghệ xanh hơn đặt Nga đứng trước thách thức rằng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trong tương lai sẽ ngày càng giảm.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục