Tổng thống Biden hôm 24/2 ký ban hành sắc lệnh hành chính yêu cầu tiến hành cuộc đánh giá kéo dài 100 ngày đối với các sản phẩm chủ lực, trong đó có chất bán dẫn và pin xe điện, sau đó là đánh giá dài hạn và chuyên sâu hơn đối với 6 lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ.
Cùng ngày ký ban hành sắc lệnh trên, Tổng thống Biden nhấn mạnh tại một cuộc họp báo rằng việc đánh giá dài hạn sẽ cho phép đưa ra những khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường năng lực của các chuỗi cung ứng và nhanh chóng thực hiện các khuyến nghị đó.
Động thái trên của chính quyền Biden diễn ra sau lời kêu gọi từ các thành viên lưỡng đảng trong Quốc hội và cảnh báo của các tư lệnh ngành về những hậu quả nghiêm trọng mà tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu gây ra.
Chất bán dẫn, thường được gọi chip, được sử dụng để sản xuất các thiết bị điện tử, bao gồm: điện thoại, xe điện, và thậm chí một số thiết bị y tế. Với tình hình hiện nay, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer đánh giá: "Sản xuất chất bán dẫn đang là một điểm yếu nguy hiểm của nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ".
Cùng ngày 24/2, Tổng thống Biden đã gặp một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng và thảo luận về tình trạng thiếu hụt chip. "Ông chủ" Nhà Trắng đánh giá cao sự hợp tác của các thành phần tham gia cuộc họp, đồng thời nhấn mạnh: "Giống như trước kia, mọi người thực sự đã có cùng suy nghĩ".
Chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu đã bị đứt gãy kể từ khi đại dịch Covid xuất hiện, bởi phần lớn lượng chip trên thế giới được sản xuất ở Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Đại dịch đã càng bộc lộ rõ các vấn đề của Mỹ khi phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng bên ngoài cho nhiều ngành/lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (Mỹ), Washington hiện chỉ có thị phần khoảng 12,5% sản lượng bán dẫn toàn cầu.
Thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp Mỹ. Đầu tháng này, Ford cho biết việc cắt giảm nguồn hàng từ các nhà cung ứng có thể khiến hãng ô tô này hụt mất 20% sản lượng dự kiến trong quý I/2021. Còn General Motors cho biết hãng này sẽ kéo dài thời gian tạm ngừng hoạt động tại một số nhà máy do sự thiếu nguồn cung chất bán dẫn, đồng thời sẽ "xem xét lại khả năng hoạt động trở lại vào giữa tháng 3".
Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Biden ban hành sắc lệnh hành chính nói trên, Paul Jacobson, Giám đốc tài chính của GM lại nhận định, sự tồi tệ nhất của tình trạng thiếu chip có thể đã qua.
Trong thư gửi đến Tổng thống Biden vào tuần trước, một số hiệp hội ngành hàng, bao gồm: Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, Hiệp hội Công nghệ Y tế Tiến bộ, và Hiệp hội các Nhà sản xuất động cơ và thiết bị, đã kiến nghị Mỹ cần khuyến khích thành lập các nhà máy sản xuất chất bán dẫn mới tại nước này để cạnh tranh hiệu quả với các quốc gia đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn.
Washington bắt đầu đặt nền móng xây dựng các chuỗi cung ứng công nghệ từ mùa thu năm ngoái, dưới thời Tổng thống Donald Trump. Khi đó, chính quyền Trump kêu gọi các nền kinh tế mạnh công nghệ và giàu tài nguyên có giá trị như Đài Loan, Nhật Bản, và Australia chung tay gỡ khó cho các chuỗi cung ứng công nghệ từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung vẫn âm ỉ.
Đài Loan đã phản ứng đặc biệt nhanh chóng khi các quan chức cấp cao của Đài Loan và Mỹ cùng ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 11/2020 nhằm thúc đẩy hợp tác công nghệ trong 7 lĩnh vực, bao gồm: chất bán dẫn và 5G, cũng như đẩy mạnh các "chuỗi cung ứng an toàn, bảo mật, và đáng tin cậy".
Cách đây không lâu, hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC (Đài Loan) đã thông qua kế hoạch xây dựng nhà máy 12 tỷ USD tại bang Arizona, Mỹ. Dự án này nơi có khả năng trở thành biểu tượng hợp tác giữa Mỹ và Đài Loan. Nhà máy 12 tỷ USD này đang nhận viện trợ từ chính phủ Mỹ, được thiết kế nhằm cung chất bán dẫn cho quân đội và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024.
Năm ngoái, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng nỗ lực mời gọi TSMC đầu tư vào Nhật Bản, nhằm không chỉ thiết lập một mạng lưới cung ứng 3 bên vững chắc hơn mà còn cung cấp cho Nhật Bản nguồn chip tối tân trong tương lai. Chính phủ Nhật Bản đã dành ngân sách 200 tỷ yên (1,9 tỷ USD) để trải thảm đỏ cho hãng chip Đài Loan với mong muốn kết nối hợp tác giữa TSMC với các công ty Nhật Bản.
Nỗ lực trên của Nhật Bản dường như đang đơm hoa kết trái. Trong tháng này, Nikkei Asia Review đưa tin TSMC đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trị giá 20 tỷ yên tại Nhật Bản.