Tổng rà soát các trạm thu phí

Việc đặt các trạm thu phí đường bộ để hoàn vốn cho các nhà đầu tư BOT trong thời gian tới sẽ phải tuân thủ theo đúng quy hoạch được duyệt.

heo quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ có 121 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ. Ảnh: Chí Cường heo quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ có 121 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ. Ảnh: Chí Cường

Phải đảm bảo khoảng cách 70 km giữa các trạm thu phí

Đây là một trong những chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải được Văn phòng Chính phủ phát đi vào cuối tuần trước.

Cụ thể, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành rà soát tổng thể các dự án BOT đã hoàn thành, đang triển khai và dự kiến triển khai trong thời gian tới.

Những bất cập, vướng mắc phát sinh liên quan tới mức phí, khoảng cách giữa các trạm thu phí hiện hữu cũng được Chính phủ yêu cầu liên bộ phải làm rõ và đề xuất hướng giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7/2015.

“Riêng đối với các dự án BOT dự kiến triển khai, việc bố trí trạm thu phí phải đảm bảo khoảng cách giữa các trạm theo quy định  (tối thiểu 70 km - PV)”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ hồi giữa tháng 5/2015, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, trên các tuyến quốc lộ, hiện có 96 trạm thu phí đang thu phí và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng (đã ký hợp đồng BOT), gồm: 45 trạm thu phí đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT; 51 trạm thu phí chưa thu, đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành (khoảng từ nay đến năm 2018).

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, trong quá trình lập và phê duyệt dự án BOT, Bộ đều có văn bản thỏa thuận với UBND cấp tỉnh, các bộ liên quan về hình thức đầu tư dự án BOT và được UBND cấp tỉnh và bộ liên quan thỏa thuận bằng văn bản.

Trường hợp vị trí đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch, hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường, thì trước khi dựng trạm, Bộ Giao thông - Vận tải đều đã nhận được ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với đường quốc lộ).

“Việc thành lập các trạm thu phí để thu phí đối với các dự án BOT nêu trên đã tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính, có sự đồng thuận của địa phương liên quan”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cũng cho biết, hầu hết các dự án BOT đường bộ đều đang phát huy hiệu quả đầu tư khi rút ngắn đáng kể thời gian vận doanh, mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.

Trên thực tế, sự đúng đắn về thủ tục pháp lý của các trạm thu phí đang thu cũng đã được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai xác nhận trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 21/5/2015, trong đó có cả những trạm đang bị dư luận phản ứng như Nam Hải Vân; Hòa  Phước; Tam Kỳ, Bàn Thạch, Ninh An (đều trên Quốc lộ 1).

Sẽ có quy hoạch trạm thu phí

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong khi chỉ dừng được 20 trạm thu phí theo quy định của Nghị định 18/2012/NĐ - CP về quỹ bảo trì đường bộ, tính đến đầu tháng 5/2015, cả nước đang có 41 trạm thu phí và dự kiến có thêm 51 trạm nữa vào năm 2018.

“Số lượng trạm thu phí phát sinh mới ngày càng nhiều, trong khi xóa không được bao nhiêu, nên Bộ Giao thông - Vận tải cần đánh giá tình hình thực hiện thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện (nộp Quỹ Bảo trì) với việc thu phí qua trạm BOT để có thể đồng bộ hóa chính sách thu phí sử dụng đường bộ”, bà Mai kiến nghị.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng, do có nhiều dự án BOT quy mô đầu tư quá nhỏ (độ dài tuyến đường đầu tư ngắn); khi xây dựng dự án BOT các cơ quan liên quan thường khá bị động, lúng túng trong việc xác định vị trí đặt trạm thu phí dẫn đến khi triển khai gây tâm trạng ấm ức cho người dân và chủ phương tiện.

Nhận định này là có cơ sở, bởi thống kê chưa đầy đủ của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) cho thấy, tính đến giữa tháng 6/2014, có 5/15 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 có khoảng cách tối thiểu, trong đó có vị trí cách nhau chưa đầy 26 km; 17 trạm thu phí nằm ngoài dự án hoàn vốn, chủ yếu là các dự án xây dựng tuyến đường tránh qua thị trấn, thị xã, thành phố.

Đây là lý do khiến Phó thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương lập quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ trên phạm vi toàn quốc, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 4202/VPCP -KTN ngày 10/6/2014, làm căn cứ triển khai đặt các trạm thu phí các dự án BOT trong thời gian tới.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - vận tải đã xây dựng xong Dự thảo Quy hoạch trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ Việt Nam và đang xin ý kiến các cơ quan liên quan. Theo đề xuất của đơn vị lập quy hoạch, trong giai đoạn 2016 - 2020, trên hệ thống quốc lộ cả nước có 102 trạm hoàn vốn dự án BOT, trong đó có 33 trạm lập mới; giai đoạn đến năm 2030 cả nước sẽ có 121 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó 19 trạm lập mới (10 trạm thu phí cầu).

Được biết, trong các tiêu chí bố trí trạm thu phí, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - vận tải kiến nghị cần hạn chế xây trạm thu phí trong khu vực đô thị và nơi đông dân cư, vị trí đặt trạm thu phí phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị; khoảng cách giữa các trạm thu phí liền kề trên cùng hướng tuyến phải đảm bảo quy định hiện hành và ưu tiên cho các dự án có thời gian thu phí không quá 25 năm…

“Cùng với việc minh bạch thông tin, hàng năm, cơ quan quản lý đường bộ là Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải rà soát lại các trạm thu phí để kịp thời có phương án xử lý, giải quyết tháo gỡ cho nhà đầu tư, đồng thời quan tâm bảo vệ quyền lợi của người dân tham gia giao thông”, ông Nguyễn Thanh Phong, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - vận tải đề xuất.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục