Sắp chuyển giao bắt buộc thêm 2 ngân hàng 0 đồng; chỉ tịch thu vàng nếu chứng minh được là vàng lậu.
Phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chiều nay tiếp tục diễn ra với sự "chia lửa" của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc. Theo Phó thủ tướng, điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa thời gian qua hiệu quả, hợp lý.
|
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc "chia lửa" với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn chiều 11/11/2024. Ảnh:Trung tâm báo chí Quốc hội |
Trong lĩnh vực tiền tệ, đáng chú ý là chính sách tỷ giá giữ được ổn định, đã xử lý được hai ngân hàng 0 đồng và chuẩn bị xử lý tiếp ngân hàng 0 đồng nữa, giữ ổn định hệ thống.
Về quản lý hóa đơn vàng, theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế phát hành 5 văn bản hướng dẫn kê khai, nộp thuế. Nói chung, việc quản lý hóa đơn của doanh nghiệp, cửa hàng vàng không có khó khăn, vướng mắc.
Với ý kiến của đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho biết nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng phản ánh khó khăn liên quan đến chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, Phó thủ tướng cho hay, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường phát hiện một số cửa hàng vàng không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu.
Tuy vậy, Phó thủ tướng khẳng định quan điểm "chỉ xử lý khi phát hiện vàng này là vàng lậu. Nếu không chứng minh được thì không được xử lý".
Về quản lý thị trường vàng, Phó thủ tướng cho hay Ngân hàng Nhà nước đang triển khai sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Theo đó, định hướng là sẽ nghiên cứu chính sách để tạo điều kiện nhập khẩu nguyên liệu vàng phục vụ sản xuất; ưu đãi thuế để khuyến khích xuất khẩu vàng trang sức.
Theo Phó thủ tướng, sở dĩ thị trường vàng trong nước "nóng" thời gian qua một phần do giá thế giới, một phần do cung ít hơn cầu, một phần do tâm lý. Thời gian qua, lãi suất tiền gửi thấp nên người dân không muốn gửi vào ngân hàng trong khi bất động sản đóng băng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro... khiến vàng trở thành kênh trú ẩn của tiền nhàn rỗi.
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. |
Định hướng của Chính phủ thời gian tới là áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý các công ty vàng, thực hiện các giải pháp mạnh mẽ chống vàng lậu. Vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 đường dây buôn lậu hơn 6 tấn vàng. Riêng tại cửa khẩu sân bay Nội Bài đã phát hiện nhiều trường hợp nhập lậu vàng.
Việc ngăn chặn vàng lậu, sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP là rất cần thiết để chuyển hóa dòng vốn từ vàng chảy vào sản xuất kinh doanh. Theo Phó thủ tướng, nhu cầu vốn đầu tư vào nền kinh tế sắp tới là rất lớn, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng: 67 tỷ USD đầu tư dự án đường sắt cao tốc trục Bắc - Nam, hàng trăm nghìn tỷ đồng thực hiện 5.000k m đường cao tốc đến năm 2030, các chương trình chống biến đổi khí hậu...
Đánh giá về phiên chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Đây là lần trả lời chất vấn thứ 2 tại Quốc hội khóa XV, Thống đốc đã có sự chuẩn bị kỹ về nội dung, nắm bắt chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn các vấn đề mà đại biểu đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thống đốc tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội, có giải pháp khắc phục, tập trung vào một số vấn đề như: Tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo thanh khoản hệ thống, ổn định tỷ giá, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay. Có giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng, nâng cao vai trò điều tiết thị trường vàng không để giá vàng ảnh hưởng đến lạm phát, tỷ giá...
"Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu giải pháp khuyến khích người dân bán vàng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Tiến hành tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP trong năm 2025 để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp", Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.