Thị trường vàng đã được kiểm soát, nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới và khó kiềm chế được giá vàng miếng SJC khi vàng quốc tế tăng cao, thưa ông?
Giá vàng là một vấn đề rất lớn. Hiện tại, Việt Nam đã kiểm soát giá vàng miếng SJC, nhưng một khi giá quốc tế tăng cao, thì vàng miếng SJC cũng khó đứng yên. Và thực tế trong những ngày vừa qua, khi vàng quốc tế vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce đã đẩy giá vàng miếng SJC lên 87-89 triệu đồng/lượng (mua-bán).
Trong khi đó, vàng nhẫn đang ở giai đoạn biến động tăng cao theo giá quốc tế, do giá vàng nhẫn không bị kiểm soát. Nhưng theo tôi, nếu giá vàng nhẫn quá “sốt” nóng, tác động đến kinh tế vĩ mô, thì Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đưa vào diện kiểm soát. Thị trường vàng thế giới đang biến động mạnh trước tình hình địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực Trung Đông.
Vậy theo nhận định của ông, giá vàng sẽ đạt mức nào trong thời gian tới?
Theo tôi, giá vàng thế giới sẽ còn nhiều triển vọng tăng trong thời gian tới, trước tình hình địa chính trị bất ổn trên thế giới ở khu vực Trung Đông, châu Âu…, trong khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang vào giai đoạn gay cấn. Những yếu tố này tạo sự bất định, khó đoán và các nhà đầu tư chọn vàng là nơi trú ẩn an toàn về tài chính.
Ngoài ra, giá vàng được tính bằng USD. Khi giá trị của USD đi xuống sau động thái giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng giúp giá vàng tăng lên.
Thêm vào đó, mãi lực vàng tăng dịp cuối năm, nên vàng có khả năng đạt mức 2.800 USD/ounce trong năm nay và không loại trừ khả năng lập đỉnh 3.000 USD/ounce trong năm tới.
Việc mua bán vàng miếng được kiểm soát ảnh hưởng đến thị trường, thưa ông?
Thực tế hiện nay, sức cầu về vàng miếng SJC rất lớn, trong khi cung về vàng miếng trên thị trường luôn trong tình trạng khan hiếm, đặc biệt trong bối cảnh giá vàng thế giới đang ngày càng tăng.
Nếu quan sát, chúng ta có thể thấy, trong tháng 6/2024, khi cơn sốt vàng thế giới tác động đẩy giá vàng miếng trong nước tăng cao, có thời điểm vượt 90 triệu đồng/lượng, đã có tác động lên kinh tế vĩ mô và buộc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát thị trường vàng. Theo đó, “siết” lại nguồn cung vàng miếng SJC, nên khách hàng muốn mua cũng không dễ.
Tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kéo giá vàng miếng SJC xuống, nhưng cung - cầu về vàng SJC không thể cân bằng được. Vả lại, nếu giá vàng quốc tế tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, thì liệu Việt Nam có kìm mãi được giá vàng miếng SJC không? Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước cũng nên cân nhắc việc làm sao tạo ra sự cân bằng để kiểm soát tốt hơn.
Vậy có tiền nhàn rỗi có nên rót vốn vào kênh đầu tư vàng lúc này?
Mặc dù giá vàng quốc tế được dự báo còn triển vọng tăng thời gian tới, song mua vàng trong nước hiện tại rất rủi ro, vì không biết chính sách quản lý thị trường vàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới như thế nào. Chính vì thế, đầu tư vào vàng ở thị trường trong nước hiện nay rủi ro cao, nên các nhà đầu tư và cá nhân cần thận trọng. Nếu có nhu cầu về vàng thì nên mua ít thôi, không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, kể cả khi dự báo giá vàng thế giới còn tăng. Thị trường vàng trong nước và quốc tế lâu nay không được liên thông, đồng thời giá vàng SJC đang được kiểm soát, cung luôn thấp hơn cầu.
Vậy theo ông, trong bối cảnh thị trường hiện nay, nên chọn kênh đầu tư nào hiệu quả hay vẫn gửi ngân hàng để hưởng mức lãi suất khá khiêm tốn?
Lãi suất tiết kiệm luôn thấp hơn so với các kênh đầu tư khác (chứng khoán, vàng, bất động sản) ở thời điểm hiện nay, song an toàn. Trong lúc này, bỏ vốn vào vàng rất rủi ro, trong khi thị trường chứng khoán còn lình xình và bất động sản thì giá ở mức cao và đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn. Do đó, theo tôi, gửi tiết kiệm lúc này vẫn là lựa chọn của nhiều người, nhất là đối với những người luôn thận trọng với rủi ro cao.