Các ngân hàng trung ương vẫn mua vàng nhiệt tình nhất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động mua vàng từ các ngân hàng trung ương là động lực chính thúc đẩy đợt tăng giá kỷ lục của vàng thỏi trong năm nay, nhằm để đa dạng hóa dự trữ vì lý do tài chính hoặc chiến lược.
Các ngân hàng trung ương vẫn mua vàng nhiệt tình nhất

Hôm thứ Hai (14/10), tại hội nghị thường niên của ngành do Hiệp hội thị trường vàng thỏi London tổ chức, các quan chức từ các ngân hàng trung ương của Mexico, Mông Cổ và Cộng hòa Séc đã ca ngợi những khoản nắm giữ lớn hơn trong dự trữ vàng. Các quan chức cho biết, vàng theo tỷ lệ phần trăm dự trữ của quốc gia có nhiều khả năng tăng trong những năm tới trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và lãi suất thấp hơn.

Bất chấp đợt tăng giá vàng, đại diện của các ngân hàng trung ương của Cộng hòa Séc, Mông Cổ và Mexico đã phát biểu tại hội nghị rằng việc nắm giữ vàng trong dự trữ vẫn quan trọng, mặc dù mỗi ngân hàng trung ương đều có lý do riêng.

“Với bối cảnh mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay - lãi suất thấp hơn, căng thẳng chính trị, bầu cử Mỹ và rất nhiều bất ổn - có lẽ tỷ trọng vàng trong danh mục đầu tư của chúng ta cũng có thể tăng lên”, Joaquín Tapia, Giám đốc dự trữ quốc tế tại ngân hàng trung ương Mexico cho biết.

Diễn biến giá vàng giao ngay

Diễn biến giá vàng giao ngay

“Trong trường hợp của Mông Cổ, tôi kỳ vọng rằng dự trữ sẽ tiếp tục tăng và tỷ trọng vàng trong dự trữ của chúng ta có khả năng sẽ tăng trong tương lai”, Enkhjin Atarbaatar, Tổng giám đốc bộ phận thị trường tài chính tại ngân hàng trung ương Mông Cổ cho biết.

Theo Marek Sestak, Phó giám đốc điều hành bộ phận quản lý rủi ro tại CNB: “Đối với Ngân hàng Quốc gia Séc (CNB), vàng được xem là một công cụ đa dạng hóa dự trữ thuần túy”.

Nhu cầu vàng tăng cao từ các ngân hàng trung ương đã hỗ trợ giá vàng khi lãi suất toàn cầu ở mức cao trong giai đoạn 2022 - 2023. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã ngừng mua vàng trong tháng thứ năm liên tiếp vào tháng 9.

Giá vàng đã tăng hơn 25% từ đầu năm tới nay, vượt trội hơn so với cổ phiếu và trái phiếu Mỹ và đang tiếp tục leo lên mức cao kỷ lục mới. Đợt tăng giá này một phần được hỗ trợ bởi mức mua vàng thỏi chưa từng có của các ngân hàng trung ương khi các ngân hàng trung ương tìm kiếm sự an toàn trong kim loại quý để bảo vệ tài sản của quốc gia trước sự bất ổn về địa chính trị và kinh tế.

Terrence Keeley, Giám đốc điều hành tại Impact Evaluation Lab cho biết, trung bình 15% dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương là kim loại quý theo định giá thị trường.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng lượng mua vào dự trữ thêm 6% lên 183 tấn trong quý II và đang trên đà giảm tốc độ mua vào trong toàn bộ năm 2024 so với năm 2023.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục