Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu manh nha từ năm 2000 và được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, đặc trưng bởi mạng Internet ngày càng phổ biến và kết nối Internet di động, bởi các cảm biến nhỏ, mạnh hơn với giá thành rẻ hơn, bởi điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… giúp tự động hóa hơn nữa quá trình sản xuất.
Trong cuộc cách mạng này, các công nghệ mới nổi và sự đổi mới sáng tạo trên diện rộng được khuếch tán nhanh hơn và rộng rãi hơn so với những cuộc cách mạng trước, làm thay đổi căn bản, toàn diện cách thức sản xuất, sinh sống, làm việc và tương tác lẫn nhau.
Hiển nhiên, Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng Việt Nam nói riêng cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc cách mạng này.
Phát biểu tại Hội thảo “Ngành ngân hàng Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” tổ chức ngày 15/6, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, đón đầu xu hướng phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, các ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo
Nổi bật nhất là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu mở qua giao diện chương trình ứng dụng (open API)… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Năm 2017, Viện công nghệ Massachusetts (MIT) công bố một bản báo cho biết, các ngân hàng đang bước vào làn sóng sáng tạo thứ ba cho phép các dịch vụ tài chính được tích hợp gần gũi với cuộc sống của người tiêu dùng cũng như được cung cấp linh hoạt hơn rất nhiều đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: “Thỉnh thoảng ngồi trên ô tô đi dọc đường, tôi thấy rất nhiều quảng cáo về việc bán căn hộ ứng dụng 4.0 nghe rất hoành tráng, nhưng thực tế đó là ứng dụng công nghệ và trong từng lĩnh vực còn có nhiều vấn đề cần trao đổi. Câu chuyện này không hề dễ dàng như chúng ta nghĩ là cứ nói về 4.0 như một trào lưu là làm được ngay”.
Tuy vậy, ông Nguyễn Hưng cũng thừa nhận: “Tôi thấm thía sự thay đổi hoàn toàn của ngành ngân hàng Việt Nam khi công nghệ được ứng dụng”.
Chúng ta nghĩ là cứ nói về 4.0 như một trào lưu là làm được ngay.
Ông Hưng nhớ lại, từ năm 1988 bố, mẹ ông làm mọi công việc trong ngân hàng rất thủ công. Cụ thể, mẹ ông là kế toán trưởng của một ngân hàng huyện. Đến ngày cuối tháng, bà phải điền bảng cân đối kế toán rộng bằng trang báo Hà Nội mới bấy giờ và làm bằng tay, cộng trừ con số chi tiết trên đó đến nửa đêm có khi vẫn chưa xong.
“Tôi học ở trường ngân hàng rồi làm việc tại ngân hàng và cũng làm việc hoàn toàn thủ công, ví dụ lên cân đối bằng tay. Đó là những năm 90 chứ chưa quá xa. Tôi đã từng được tham quan trung tâm tính toán của Ngân hàng Nhà nước ở tầng hầm 49 Lý Thái Tổ, lớn gần bằng một tòa nhà và chạy ầm ầm. Hàng ngày, các ngân hàng trên địa bàn mang hàng tạ chứng từ đến để những người công nhân chuyên gõ vào hệ thống rồi in ra các băng đục lỗ rồi đến ngày hôm sau mới có các sổ vụ để cân đối”, ông Hưng nói.
Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ đã thay đổi tất cả. Trước đó, các chi nhánh của ngân hàng gần như độc lập nên việc chuyển tiền thường mất vài ba ngày, dần dần một ngày, sau đó rút xuống 1 buổi và đến bây giờ, có thể chuyển tiền trong vài giây.
“Chúng ta thấy bước chuyển từ những cỗ máy đồ sộ hàng tầng nhà thành các máy tính thông minh, nhỏ gọn với năng lực xử lý lớn để thấy phát triển công nghệ, sự ứng dụng công nghệ trong ngành ngân hàng rất lớn”, ông Hưng nhấn mạnh.
Các diễn gia thảo luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ mang đến những cơ hội lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới trên nhiều khía cạnh. Cụ thể, gia tăng việc tiếp cận thị trường quốc tế cho các ngân hàng trong nước, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn để gia tăng lợi nhuận…
Làn sóng đầu tiên mà MIT gọi là “incrementalists” gần với khái niệm “tin học hóa” các quy trình nghiệp vụ hiện hữu và từng bước mở rộng các hoạt động ngân hàng. Làn sóng này gắn liền với hai cuộc cách mạng trong ngày ngân hàng: máy ATM vào thập niên 70 và ngân hàng điên tử (internet banking) bắt đầu từ thập niên 80, nhưng chỉ thật sự phát triển vào thập niên 90 cùng với sự bùng nổ của Internet.
Làn sóng thứ hai gắn liền với một chiến lược kết nối khách hàng nhưng vẫn dựa trên nền tảng hạ tầng ngân hàng hiện hữu mà MIT gọi là “digital hybrids”.
Các ngân hàng đi theo chiến lược này thường hiện đại hóa hệ thống front-end trong khi vẫn giữ nguyên các hệ thống middle và back-office cũng như các mô hình quản lý rủi ro và đôi khi giữ nguyên mô hình nhân lực.
Simple Bank được thành lập vào năm 2009 là một ví dụ với những sáng tạo liên quan đến quản lý tài khoản nhưng sử dụng ngân hàng mẹ The Bancorp cho hệ thống backend.
Các ngân hàng thuộc làn sóng thứ ba (còn gọi là digital natives) được thiết kế một cách toàn diện xung quanh nhu cầu của thế hệ khách hàng số – những khách hàng mà công nghệ là một phần cuộc sống hàng ngày của họ.
Từ một chiến lược di động – trước hết (mobile-first) giúp khách hàng dễ dàng tích hợp các dịch vụ tài chính vào trong cuộc sống hàng ngày của họ, đến một chiến lược trí tuệ nhân tạo – trước hết (AI-first) cũng cho phép ngân hàng cung cấp những sản phẩm, dịch vụ được cá thể hóa cho khách hàng cũng như các công cụ hoạch định tài chính cá nhân, đến một hệ sinh thái mở dựa trên API, một cơ sở dữ liệu phân tán, được mã hóa dựa trên nền tảng blockchain – tất cả những công nghệ này đang góp phần định hình mô hình ngân hàng số của tương lai.