NAPAS với vai trò độc quyền xây dựng, vận hành hạ tầng kết nối thanh toán, ông đánh giá thực trạng công nghệ thanh toán của các ngân hàng Việt Nam hiện nay như thế nào?
Trước tiên, tôi muốn chia sẻ về hai chữ “độc quyền” thường được gắn cho NAPAS trước khi trả lời câu hỏi. NAPAS được hưởng miễn trừ tập trung kinh tế khi sáp nhập 2 công ty chuyển mạch Banknetvn và Smartlink trước đây để thực hiện vai trò trung tâm chuyển mạch thống nhất.
Ngoài dịch vụ này, NAPAS còn cung cấp dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ - chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử, cạnh tranh bình đẳng với gần 30 đơn vị trung gian thanh toán khác đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đến thời điểm này.
Nếu xét trên khía cạnh cung cấp dịch vụ chuyển mạch thì NAPAS không phải là đơn vị duy nhất trên thị trường. Các tổ chức thẻ quốc tế gồm Visa, MasterCard, UnionPay, American Express, JCB… đều đã và đang cung cấp dịch vụ này tại thị trường Việt Nam cho chính các ngân hàng trong nước.
Ông Nguyễn Hoàng Long
Trong khi NAPAS phải chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật về cạnh tranh, về điều kiện cấp phép và hoạt động, chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong quá trình cung cấp dịch vụ, thì các tổ chức thẻ quốc tế lại đang hoạt động chuyển mạch tự do, không phải làm thủ tục xin cấp phép, chưa chịu sự quản lý, giám sát bởi các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như không phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với các khoản thu có được từ hoạt động chuyển mạch thẻ tại thị trường Việt Nam như NAPAS.
Thực tế đó khiến NAPAS không phải đang ở vị trí độc quyền như mọi người thường hiểu, mà chính NAPAS đang bị cạnh tranh không bình đẳng ngay trong lĩnh vực chuyển mạch và ngay tại thị trường nội địa với những “người khổng lồ” trên thế giới. Bản thân các “người khổng lồ” này không chỉ có lợi thế về nguồn lực tài chính, công nghệ, sản phẩm, mà còn có nhiều chính sách tăng thị phần thông qua việc tài trợ các ngân hàng Việt Nam để khuyến khích sử dụng thẻ quốc tế, thay vì thẻ nội địa.
Do đó, việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, chưa xét đến việc cần có sự ưu tiên cho các doanh nghiệp nội địa khi hội nhập là thực sự cần thiết.
Quay lại nội dung chính của câu hỏi, chúng ta đều biết, công nghệ thanh toán trong ngân hàng giúp việc chuyển hóa giữa thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Do đó, để các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử trong ngân hàng phát triển thì công nghệ thanh toán phải đón đầu, áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại ứng dụng vào hoạt động giao dịch, thanh toán.
Trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có thể nói, công nghệ số sẽ là nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong tương lai. Tại một số nước trên thế giới đang xuất hiện ngày càng nhiều “ngân hàng không giấy tờ”.
Tại Việt Nam, các dịch vụ ngân hàng qua Internet, Mobile, mạng xã hội, phát triển ngân hàng số áp dụng nhiều giải pháp công nghệ mới hiện đại, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ thanh toán trong hoạt động phát hành và thanh toán thẻ như công nghệ thẻ EMV (tiếp xúc và không tiếp xúc), thanh toán bằng thiết bị di động sử dụng công nghệ NFC/MST, thanh toán sử dụng QR code, dịch vụ ngân hàng số với các giải pháp xác thực sinh trắc học như nhận diện khuôn mặt, vân tay, mống mắt... đang được các ngân hàng triển khai nhằm mang lại sự tiện lợi, an ninh, an toàn và bảo mật trong giao dịch thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
NAPAS hỗ trợ cụ thể gì cho các ngân hàng trong nhiệm vụ tạo dựng một hệ thống hạ tầng thanh toán hiện đại của Việt Nam?
Trong vai trò cổng chuyển mạch quốc gia, cùng với các ngân hàng, NAPAS đã và đang triển khai các dự án hoàn thiện hạ tầng kết nối thanh toán quốc gia, phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử đa tiện ích, tạo thêm nhiều sự tiện lợi và tăng cường an ninh bảo mật cho các giao dịch thanh toán điện tử của khách hàng.
Cụ thể, xây dựng chuẩn thẻ chip nội địa theo chuẩn EMV với những ứng dụng thanh toán tiếp xúc/không tiếp xúc để có thể ứng dụng trên những ngành truyền thống (bán lẻ) và đặc thù (thanh toán xăng dầu, giao thông…).
Xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ liên ngân hàng phục vụ xử lý và bù trừ toàn bộ các giao dịch liên ngân hàng không giới hạn ở thẻ, tài khoản, ví điện tử…, kết nối liên thông hạ tầng thanh toán của ngân hàng và trung gian thanh toán, các công ty FinTech (kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ).
Xây dựng hạ tầng số hóa các phương tiện thanh toán như thẻ, tài khoản để phục vụ ngân hàng ứng dụng và phát triển các dịch vụ thanh toán mới cho người dùng như thanh toán di động, thanh toán qua QR code, thanh toán không tiếp xúc...
Theo kinh nghiệm của nhiều nước, mỗi quốc gia cần có những chuẩn thanh toán mà các ngân hàng phải tuân thủ, không chỉ để kết nối giữa các ATM, POS..., mà còn để kết nối quốc tế. NAPAS đã làm gì để thực hiện yêu cầu này?
Như tôi vừa đề cập, NAPAS đang xây dựng tiêu chuẩn thẻ chip nội địa theo chuẩn EMV của quốc tế để thẻ nội địa của Việt Nam có tính hội nhập tương tự như thẻ của các tổ chức quốc tế, có thể sử dụng được ở tất cả trang thiết bị đầu cuối (ATM, POS…) trên toàn cầu.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn cũng phải đáp ứng cho những ứng dụng của riêng Việt Nam để các ngân hàng Việt Nam có thể tự chủ trong việc phát triển thêm các ứng dụng, chủ động triển khai và cung cấp các dịch vụ gia tăng bên cạnh mục tiêu hội nhập.
Bên cạnh đó, NAPAS đang triển khai xây dựng hệ thống thanh toán bán lẻ liên ngân hàng dựa trên chuẩn ISO 20022 là hệ tiêu chuẩn hiện đại đang được nhiều nước áp dụng. NAPAS cũng đã thí điểm thành công ứng dụng blockchain với tổ chức chuyển mạch NETS của Singapore, để đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ mới vào hạ tầng thanh toán quốc gia.
Bản thân NAPAS đã và đang tiếp tục triển khai đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về bảo mật an toàn thông tin trong ngành thẻ ngân hàng - Payment Card Industry Data Security Standard (PCI DSS) như các tổ chức thanh toán quốc tế.
Với việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế trên toàn mạng lưới NAPAS, chúng tôi cũng đã kết nối liên thông thành công với nhiều tổ chức thanh toán quốc tế như UnionPay (Trung Quốc), KFTC (Hàn Quốc), NETS (Singapore)...
Việc kết nối liên thông với các tổ chức thanh toán, tổ chức chuyển mạch, tổ chức thẻ quốc tế sẽ tiếp tục được mở rộng, đem lại lợi ích cho du khách nước ngoài, cũng như người dùng Việt Nam.
Trong thanh toán hiện đại, các công ty FinTech nổi lên như một trung gian thanh toán vượt mặt cả ngân hàng. Ông đánh giá xu hướng này ở Việt Nam thế nào và tương lai thị trường thanh toán Việt Nam sẽ ra sao?
Trong lúc các dịch vụ ngân hàng truyền thống vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng, là nền tảng cho hệ thống thanh toán, thì các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo mới từ các FinTech sẽ dẫn đầu cuộc cách mạng về trải nghiệm và tương tác với người dùng khi sử dụng các dịch vụ tài chính. FinTech được nhận định là xu hướng phát triển tất yếu trong hoạt động tài chính - ngân hàng trên phạm vi toàn cầu.
Tại Việt Nam, một trong những xu hướng tôi thấy đang diễn ra là các công ty FinTech đã và đang giúp khách hàng tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách dễ dàng, mọi nơi, mọi lúc, thông qua các thiết bị di động.
Phải khẳng định rằng, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển thanh toán di động khi số lượng thuê bao điện thoại di động đạt trên 120 triệu, trong đó số người sử dụng smartphone đến cuối năm 2017 đạt khoảng 50 triệu; số người sử dụng Internet xếp thứ 15 trên thế giới, với 53% dân số sử dụng Internet băng thông rộng chiếm 40%... Đây là nền tảng quan trọng để ứng dụng thanh toán di động tại Việt Nam.
Để phát triển thanh toán di động, việc xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện và đầy đủ các thành phần, cũng như vai trò của từng chủ thể tham gia là yếu tố tiên quyết. Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chia sẻ cam kết tạo lập môi trường cho đổi mới, sáng tạo, mang lại lợi ích cho người dân, quốc gia.
Chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FinTech phát triển và sẽ xem xét cho thí điểm hoặc tạo lập môi trường phát triển hệ sinh thái thanh toán di động này.
Với sự quan tâm và chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động, thanh toán không tiếp xúc sẽ là tương lai gần của thị trường thanh toán Việt Nam.
Trong nhóm các công ty trung gian thanh toán, đâu là các FinTech có triển vọng phát triển mạnh? Cơ hội nào cho các FinTech Việt?
Đặc thù của ngành FinTech là môi trường thay đổi nhanh chóng và nhiều cơ hội, nên tôi nghĩ, nếu nắm bắt cơ hội tốt và biết cách hợp tác với hệ thống hạ tầng ngân hàng sẵn có thì các công ty FinTech trong thanh toán tại Việt Nam có cơ hội rất lớn để phát triển.
NAPAS đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ để hỗ trợ cho các FinTech, các công ty trung gian thanh toán kết nối vào hệ thống thanh toán bán lẻ quốc gia, cùng phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới với nhiều tiện ích gia tăng để cung cấp cho người dùng thông qua hệ thống ngân hàng Việt Nam.