Tổng giám đốc PAN Group Nguyễn Khắc Hải: Khát vọng cùng Việt Nam thay đổi tư duy làm nông nghiệp

(ĐTCK) Tổng giám đốc PAN Group, ông Nguyễn Khắc Hải chia sẻ, chính khát vọng và cam kết thực hiện sứ mệnh nuôi dưỡng thế giới của PAN Group (PAN) đã giúp Công ty có những người đồng hành xứng tầm như IFC, WB và nhiều nhà đầu tư lớn...
Ông Nguyễn Khắc Hải Ông Nguyễn Khắc Hải

PAN đặt niềm tin, các nhà đầu tư lớn đã và sẽ chung sức cùng PAN thay đổi tư duy làm nông nghiệp tại Việt Nam, hướng sản xuất theo chuỗi giá trị, đủ sức đáp ứng tiêu chuẩn của mọi thị trường quốc tế.

PAN: vì sao chọn nông nghiệp và thực phẩm?

Lên sàn niêm yết năm 2006, mã cổ phiếu PAN đã trở nên rất quen thuộc với các thành viên thị trường, với nhà đầu tư chứng khoán khi luôn có mức giá khá ổn định và cổ tức vững vàng quanh 10-20%/năm. Tuy nhiên, cốt lõi hoạt động của PAN đã thay đổi mạnh mẽ kể từ năm 2013, khi PAN nhận ra một thực tế: Việt Nam thiếu các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp lớn, mang tầm cỡ quốc tế, có vai trò dẫn dắt và thúc đẩy vấn đề an ninh lương thực tại Việt Nam và khu vực. PAN muốn góp sức thay đổi thực tế này.

Để Việt Nam có một nền nông nghiệp mạnh, trước hết, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế: hiện nay, hàng năm, chúng ta vẫn thuộc top đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, nhưng sản phẩm chủ yếu là xuất thô, biên lợi nhuận mang về cho đất nước rất thấp.

Tại sao PAN thay đổi và đặt ra sứ mệnh nuôi dưỡng thế giới? Bạn đọc sẽ tìm thấy câu trả lời sau cuộc trò chuyện đầu năm của Đầu tư Chứng khoán với Tổng giám đốc PAN Group. 

Ông Nguyễn Khắc Hải: Cho đến năm 2012, tức là sau 14 năm hoạt động với cốt lõi là công ty về vệ sinh công nghiệp, PAN đã trở thành công ty vệ sinh công nghiệp số 1 Việt Nam.

Doanh thu của PAN năm 2012 đạt đến 284 tỷ đồng, là con số có thể còn khiêm tốn so với nhiều DN lớn của Việt Nam cùng thời kỳ, nhưng lớn nhất trong ngành vệ sinh công nghiệp lúc đó. Nếu bước tiếp, PAN chắc chắn vẫn là công ty vệ sinh công nghiệp uy tín số 1, nhưng PAN quyết định thay đổi và sự thay đổi đó đến từ tầm nhìn của người sáng lập ra PAN.

Xin ông chia sẻ cụ thể hơn?

Năm 2013, vấn đề về an ninh lương thực đã trở thành mối lo chung trên toàn thế giới. Rất nhiều quốc gia phát triển quan tâm đến thực phẩm an toàn và đặt ra các tiêu chuẩn để bảo vệ người dân của mình, trong khi tại Việt Nam, đây là vấn đề còn xa lạ. Cũng vào năm này, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc chính thức đưa ra dự báo, dân số thế giới sẽ lên đến 9,5 tỷ người vào năm 2050, lớn hơn rất nhiều con số 7,2 tỷ người vào thời điểm đó.

Dân số tăng lên, nếu các quốc gia không coi trọng, để tâm vào vấn đề an ninh lương thực và không đầu tư bài bản, nghiêm túc vào ngành nông nghiệp ngay từ bây giờ, thì tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm trầm trọng, thậm chí là chiến tranh lương thực có thể xảy ra vào năm 2050. Đặc biệt, khu vực châu Á-Thái Bính Dương, dự kiến sẽ có đến 500 triệu người suy dinh dưỡng do sự thiếu hụt này gây ra.

Trước thực tế trên, PAN nhận ra cơ hội và xác lập cho mình một sứ mệnh mới. PAN quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với một khát vọng lớn: khát vọng nuôi dưỡng thế giới. PAN mong muốn thay đổi tư duy làm nông nghiệp tại Việt Nam, đưa nông nghiệp và thực phẩm có chung một ngôn ngữ, dưới cùng một mái nhà.

Sứ mệnh và tầm nhìn của PAN đã nhận được sự đồng cảm và hợp tác của nhiều tổ chức lớn như  Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Định chế Tài chính Hỗ trợ phát triển Hà Lan (FMO), Cơ quan hỗ trợ phát triển của Chính phủ Pháp (AFD), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO)…

Chúng tôi đã và sẽ hợp sức nâng cao vị thế nền nông nghiệp Việt Nam bằng nhiều cách, trong đó cốt lõi của PAN là sản xuất và cung cấp cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, nguồn gốc uy tín trong chuỗi giá trị hoàn chỉnh, đáp ứng được mọi tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế, hay nói cách khác, sản phẩm của PAN đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên toàn cầu.

PAN đặt ra một khát vọng rất lớn, vậy thực tế PAN đã làm được gì, thưa ông?

Như bạn cũng biết, hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề rất nghiêm trọng ở Việt Nam. Phần lớn thực phẩm của Việt Nam bị xem là thực phẩm không an toàn, không đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuẩn mực quốc tế. Xuất hiện ngày các nhiều các ca ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra.

Thực phẩm không an toàn đang được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến Việt Nam thuộc Top 2 các nước có tỷ lệ ung thư cao trên thế giới, với tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng. Nếu như 1 năm trở về trước, người tiêu dùng Việt Nam chưa để ý nhiều đến hiện trạng này thì 1 năm trở lại đây, với sự vào cuộc của nhiều tổ chức lớn và truyền thông, vấn đề an toàn thực phẩm đã trở thành mối quan tâm rất lớn của xã hội, người tiêu dùng mong muốn và sẵn sàng trả giá cao hơn cho những thực phẩm an toàn, chất lượng, mà họ có thể tin tưởng khi sử dụng.

Thực ra, câu chuyện về an toàn vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam đã được PAN đưa ra từ năm 2013, nhưng rất ít người để ý. Có thể khi đó, người ta nghi ngờ một DN tư nhân như PAN nói câu chuyện về an toàn vệ sinh thực phẩm phải chăng có lợi ích, động cơ gì sau đó? Chính sự nghi ngờ của dư luận đã khiến PAN nhận ra rằng, muốn thay đổi tư duy làm nông nghiệp tại Việt Nam để ngày càng có nhiều sản phẩm sạch, vì sức khỏe người tiêu dùng, PAN phải thuyết phục được các tổ chức uy tín quốc tế cùng tham gia thực hiện sứ mệnh với PAN.

Và 3 năm qua, PAN đã tìm được sự hợp tác của một số tổ chức lớn, đặc biệt, PAN đã phối hợp với WB và IFC, đưa vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành vấn đề chung của toàn xã hội. Trong 1 năm gần đây, vấn đề này đã được dư luận quan tâm hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng, đó là nền tảng rất tốt và riêng có để PAN từng bước thực hiện được khát vọng và sứ mệnh đã đặt ra.

 

Như vậy, chìa khóa đầu tiên để thay đổi tư duy làm nông nghiệp tại Việt Nam là cần sự hợp sức của các tổ chức uy tín tầm cỡ quốc tế. Xin ông chia sẻ, PAN đã làm thế nào để WB, IFC, Quỹ đầu tư quốc gia Singaprore GIC, Quỹ đầu tư Tael Two Partners, Quỹ đầu tư PYN Fund Elite và một số quỹ nước ngoài uy tín khác đầu tư vào PAN (khối ngoại sở hữu 46% vốn) và nhiều tổ chức đã hợp sức với PAN trong 3 năm qua, thưa ông?

Chính khát vọng nuôi dưỡng thế giới, cùng với sứ mệnh nâng cao vị thế ngành nông nghiệp Việt Nam của PAN bằng cách sản xuất và cung cấp các sản phẩm sạch, có chất lượng cao, có thể truy xuất nguồn gốc trong một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, đã giúp PAN nhận được sự hợp sức và đầu tư từ các tổ chức quốc tế và các quỹ đầu tư uy tín trên thế giới.

Về phần mình, tôi nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc PAN Group từ tháng 11/2016 khi PAN đã huy động đuợc 76 triệu USD từ nhiều tổ chức uy tín quốc tế. Vì thế, việc của tôi là làm cách nào để phát triển những giá trị PAN đang có, tìm thêm sự hợp sức của các đối tác xứng tầm và triển khai các bước đi trong kinh doanh để PAN trở thành DN nông nghiệp, thực phẩm lớn của Việt Nam và khu vực, xây dựng niềm tin và uy tín với tất cả.

Điều thuận lợi với tôi là thời gian qua, PAN đã thực hiện M&A thành công nhiều DN lớn trong ngành nông nghiệp, thực phẩm như CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), CTCP Giống cây trồng miền Nam (SSC), CTCP Bibica (BBC), CTCP Chế biến Xuất nhập  khẩu thủy sản Bến Tre, CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long AN (LAF), CTCP Thuỷ sản 584 Nha Trang…

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm và thực hiện chiến lược M&A các DN tốt trong ngành nông nghiệp để thúc đẩy PAN lớn lên, đủ sức kiểm soát và quản lý chuỗi giá trị sản xuất nhiều mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam.

Để thay đổi tư duy làm nông nghiệp, điểm cốt lõi là gì, thưa ông?

Chúng tôi nhận thức rằng, để thay đổi tư duy làm nông nghiệp, cần có sự kết hợp của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu, đòi hỏi mức độ đầu tư cho nghiên cứu, phát triển (R&D)  của nhà khoa học để tìm ra cách vượt qua các thách thức đó càng lớn.

PAN đã và sẽ thúc đẩy hoạt động R&D ngành nông nghiệp, thực phẩm và mang tri thức từ nhà khoa học đến với người nông dân, giúp họ áp dụng vào thực tiễn, thay đổi tập quán làm nông nghiệp và tạo nên giá trị mới trong từng mảng việc họ đang làm.

PAN cũng nắm vai trò kiến nghị chính sách và giúp Nhà nước tạo một hành lang pháp lý, đồng thời đưa ra các chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam, cũng như để duy trì sự liên kết chặt chẽ giữa 4 Nhà.

Ông làm thế nào để cân bằng giữa mục tiêu dài hạn - đầu tư vào nông nghiệp cần vốn lớn, thời gian dài và nhu cầu của cổ đông hiện hữu, muốn thấy PAN hiệu quả và chia cổ tức đều đặn hàng năm?

Xác định đầu tư vào ngành nông nghiệp, chúng tôi cũng như các nhà đầu tư chiến lược, đều xác định tầm nhìn dài hạn, phát triển bền vững, từ 5-8 năm chứ không thể 1-2 năm là ra kết quả cao và có thể hoành thành được khát vọng và sứ mệnh ngay được.

Nếu xây dựng DN từ đầu, chúng tôi chắc chắn sẽ rất khó đạt đến vị thế của một DN lớn trong ngành nông nghiệp, nhưng PAN Group với chiến lược phát triến đúng đắn, chỉ trong vòng 3 năm qua, chúng tôi đã M&A được gần 10 doanh nghiệp trong ngành có nền tảng tốt, tiềm năng tăng trưởng lớn, có khả năng mở rộng chuỗi giá trị và đã xây dựng thành công một hệ thống, nền tảng vững chắc trong ngành nông nghiệp thực phẩm.

Vì thế, tôi tin rằng, 5 năm tới, dù phải đầu tư lớn để thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn đã đặt ra, PAN Group vẫn sẽ duy trì được tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tối thiểu 20%/năm.

Tín hiệu mới cho ngành nông nghiệp là cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc nghiên cứu gói tín dụng 50.000-60.000 tỷ đồng cho các DN nông nghiệp Việt Nam. Ông bình luận như thế nào về quyết sách này và theo ông, Chính phủ cần hỗ trợ như thế nào để trong tương lai, Việt Nam có một nền nông nghiệp mạnh?

Chính phủ quan tâm, thúc đẩy ngành công nghiệp, nông nghiệp Việt Nam là một tín hiệu rất tốt vì thực tế, đây là ngành liên quan trực tiếp đến an ninh lương thực của đất nước và cũng là ngành Việt Nam có lợi thế hơn nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, việc triển khai cụ thể gói tín dụng này như thế nào vẫn là câu hỏi ngỏ. Trước hết, cần trả lời được nguồn ở đâu, cơ chế phân bổ thế nào, điều kiện để được nhận gói tín dụng này ra sao…?

Ở góc nhìn của mình, tôi mong muốn Chính phủ sẽ có những hỗ trợ cụ thể và thiết thực đến tất cả các DN ngành nông nghiệp đang đầu tư công nghệ cao, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Việc hỗ trợ nên được thực hiện bằng cách giảm thuế sâu hơn nữa, lâu dài hơn nữa để các DN đầu ngành như vậy có đủ tiềm lực tài chính, chuyên tâm thúc đẩy công nghiệp hóa ngành nông nghiệp Việt Nam lên mức cao hơn.

Để Việt Nam có một nền nông nghiệp mạnh, trước hết, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế: hiện nay, hàng năm, chúng ta vẫn thuộc top đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, nhưng sản phẩm chủ yếu là xuất thô, biên lợi nhuận mang về cho đất nước rất thấp.

Tôi mong rằng, cùng với việc xây dựng chiến lược hỗ trợ các DN xuất khẩu mang lại doanh thu lớn, Chính phủ sẽ có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các DN có tiềm năng tạo nên giá trị gia tăng cao trong từng sản phẩm xuất khẩu.

Theo tôi, đây mới là giá trị cốt lõi các DN trong ngành này cần hướng đến. Chính phủ cần thúc đẩy các DN làm sao để sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các nền kinh tế lớn và đây chính là cách để sản phẩm nông nghiệp của nước ta được trả giá cao trên tất cả các thị trường.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục