Tổng công ty Sông Hồng phải thay công ty con trả 238,9 tỷ đồng cho VAMC

(ĐTCK) Liên tiếp đổ lỗi trách nhiệm về phía ngân hàng, nhưng vì là công ty mẹ, Tổng công ty Sông Hồng không thoát nghĩa vụ bảo lãnh số tiền hơn 238,9 tỷ đồng cho công ty con.
Trụ sở Tổng công ty Sông Hồng Trụ sở Tổng công ty Sông Hồng

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã tuyên buộc Tổng công ty Sông Hồng (mã SHG) phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, thanh toán cho Công ty VAMC số tiền 238,9 tỷ đồng, gồm nợ gốc 95,4 tỷ đồng; nợ lãi trong hạn 4 tỷ đồng; nợ lãi quá hạn 139,4 tỷ đồng.

Đây là khoản nợ SHG phải gánh thay cho công ty con là CTCP Thép Sông Hồng.

Trước đó, năm 2011, SHG ký thư bảo lãnh cho CTCP Thép Sông Hồng vay vốn Ngân hàng SHB số tiền 300 tỷ đồng. Giá trị bảo lãnh là 100 tỷ đồng. Năm 2012, CTCP Thép Sông Hồng rơi vào tình cảnh trì trệ, mất khả năng trả nợ.

Năm 2014, ngân hàng bán khoản nợ trên cho VAMC.

Trong các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, SHG cho rằng, cơ quan tố tụng xét xử vụ án không có đối tượng khởi kiện. Thư bảo lãnh không đủ điều kiện của một hợp đồng bị khởi kiện.

Mặt khác, theo SHG, ngân hàng có sai phạm trong quá trình ký kết hợp đồng tín dụng như cho vay cao hơn biên bản định giá, ngân hàng không quản lý nguồn thu với khách hàng để cho họ sử dụng tiền trong tài khoản vào các mục đích khác, ngân hàng không quản lý tài sản đảm bảo dẫn đến bên vay bán cho công ty khác dẫn đến không thu hồi được nợ…

HĐXX nhận định, theo nội dung cam kết trong thư bảo lãnh, SHG phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ tài sản có liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn trong phạm vi và nội dung của bảo lãnh. Khi khoản vay quá hạn, năm 2012, ngân hàng đã gửi công văn đề nghị SHG thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Đối với số nợ gốc 100 tỷ đồng theo thư bảo lãnh, CTCP Thép Sông Hồng mới trả được 4,5 tỷ đồng. Tính đến năm 2017, bên vay còn nợ gốc số tiền 95,4 tỷ đồng.

Tòa án cũng phủ nhận những lập luận của SHG. Theo HĐXX, SHG là cổ đông lớn nhất của bên vay là CTCP Thép Sông Hồng (tại thời điểm bảo lãnh, SHG chiếm 87,5% vốn điều lệ).

SHG đã cử người đại diện phần vốn góp và điều hành các hoạt động của công ty con. Tình hình sản xuất, kinh doanh và tài chính của đơn vị này SHG phải nắm được.

Thực tế, thông qua người đại diện, SHG có thể yêu cầu dừng các khoản vay hoặc đề nghị ngân hàng không tiếp tục cấp vốn. Tuy nhiên, SHG không thực hiện điều này.

Do đó, SHG phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh số tiền trên.

H.Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục