Kém minh bạch
Cuối tháng 5/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với SHG do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.
Cụ thể, doanh nghiệp này vi phạm nghĩa vụ công bố các tài liệu gồm báo cáo tài chính năm 2015 đã được kiểm toán; báo cáo tài chính bán niên soát xét các năm 2015, 2016; báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2015; báo cáo thường niên năm 2015; báo cáo tài chính quý I, II, II/2016.
Ngoài ra, SHG không công bố thông tin liên quan đến ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu khi tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 29/7/2016. Với các vi phạm trên, SHG bị xử phạt số tiền 85 triệu đồng.
SHG tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ giữa năm 2010, với vốn điều lệ 270 tỷ đồng. Ngày 10/4/2015, Tổng công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên tại mức giá 9.700 đồng/CP.
Giá cổ phiếu sau đó liên tục sụt giảm, từ cuối năm 2015 đến nay thường xuyên dao động trong khoảng 2.000 - 3.000 đồng/CP, hiện được giao dịch tại mức giá 2.400 đồng/CP (từ ngày 11/5/2017, cổ phiếu SHG rơi vào tình cảnh bị hạn chế giao dịch).
Thua lỗ triền miên
Giai đoạn 2015 - 2016, thị trường bất động sản khởi sắc, nhưng Tổng công ty thua lỗ hàng trăm tỷ đồng/năm, dẫn đến âm vốn chủ sở hữu. Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng, lợi nhuận sau thuế năm 2015 âm 129,1 tỷ đồng, năm 2016 âm 170,6 tỷ đồng; theo báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận sau thuế năm 2015 âm 85,2 tỷ đồng, năm 2016 âm 187,1 tỷ đồng.
Thời điểm cuối năm 2016, theo kết quả sản xuất - kinh doanh hợp nhất, SHG có lỗ lũy kế 425,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 78,5 tỷ đồng; trong đó, Công ty mẹ lỗ lũy kế 389,3 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 63,5 tỷ đồng.
Ngày 19/5/2017, SHG tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017. Giải trình với cổ đông về kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2016 tiếp tục lỗ lớn, SHG cho biết có 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, lợi nhuận gộp năm 2016 lỗ 17 tỷ đồng do công ty con là Công ty TNHH Cơ giới và Xây dựng Sông Hồng có kết quả lợi nhuận gộp âm 32,5 tỷ đồng.
Thứ hai, chi phí tài chính năm 2016 tăng mạnh vì lãi vay phát sinh lớn tại công ty mẹ và 3 công ty con. Lãi vay phục vụ thi công các công trình xây lắp không được vốn hóa theo quy định tại Thông tư 200/2000/TT-BTC có hiệu lực từ năm 2015. Do đó, Tổng công ty phải ghi nhận đầy đủ lãi vay vào chi phí tài chính phát sinh trong năm.
Thứ ba là do trích lập dự phòng khoản thu khó đòi. Trước năm 2014, con số này là 40,6 tỷ đồng; năm 2015 là 73,2 tỷ đồng; năm 2016 là 115,4 tỷ đồng. Dù trích lập dự phòng lớn, nhưng SHG vẫn còn một số khoản nợ không có khả năng thu hồi, chưa đủ hồ sơ để trích lập dự phòng theo quy định.
Năm 2017, SHG dự kiến lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm 25,5 tỷ đồng.
Tăng vốn: Ai mua?
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2017, cổ đông SHG đã thông qua phương án tái cấu trúc Tổng công ty giai đoạn 2017 - 2020 và phương án tăng vốn điều lệ lên 450 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, kế hoạch này quá "viển vông" khi doanh nghiệp vẫn thua lỗ nặng và giá trên sàn không đáng một... mớ rau/cổ phiếu.
Trong tháng 6/2017, SHG dự kiến chuyển Trường trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Sông Hồng về trực thuộc Bộ Xây dựng (theo đó, vốn cổ phần của cổ đông nhà nước giảm hơn 65,2 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu giảm xuống dưới 50%), đồng thời phát hành riêng lẻ hơn 6,5 triệu cổ phiếu (giúp vốn điều lệ giữ nguyên 270 tỷ đồng). Sau đó, quý IV/2017 hoặc quý I/2018, SHG dự kiến phát hành riêng lẻ 18 triệu cổ phiếu nhằm có vốn triển khai các dự án đầu tư.
Điểm sáng lẻ loi là SHG hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Sông Hồng thực hiện Dự án xây dựng nhà ở cao tầng I1, I2, I3 và văn phòng cho thuê Thành Công 2 - Thái Hà. Dự án này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đang ghi nhận khoản lợi nhuận tạm tính là 103,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, các bên chưa quyết toán với nhau.
Một số dự án khác đáng chú ý
- SHG kết hợp với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) thi công Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, giá trị hợp đồng thi công là 1.315,8 tỷ đồng. Theo Nghị quyết số 686/NQ-DKVN ngày 27/1/2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chấp thuận chi phí phát sinh chưa lường hết của toàn bộ công trình nhà máy khoảng 1.090 tỷ đồng. Năm 2016, PVN có Văn bản số 1429/QD-DKVN phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 dự án lên 22.576,29 tỷ đồng. Giá trị dự toán, sau thẩm tra/thẩm định đối với hạng mục xây dựng do SHG thực hiện tăng khoảng 213,8 tỷ đồng so với hợp đồng đã ký.
- SHG hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Sông Hồng Thăng Long thực hiện Dự án Khu nhà ở Sông Hồng - Việt Trì 1+2 , tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng (SHG góp vốn 40%). Tuy nhiên, dự án này hiện chưa hoàn tất thủ tục pháp lý để triển khai.