Tổng công ty Phong Phú nói gì về Dự án Khu dân cư Tăng Phú bị thu hồi?

(ĐTCK) Trong khi Tổng công ty cổ phần Phong Phú cho rằng đã tuân thủ đầy đủ các quy định của các cấp quản lý cũng như quy định pháp luật về đất đai khi triển khai dự án phát triển nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM, thì người dân mua nhà tại đây rất sốt ruột vì dự án đang bị xem xét lại việc chuyển nhượng.
Toàn bộ các căn nhà tại Khu dân cư Tăng Phú đều chưa có số nhà và sổ hồng Toàn bộ các căn nhà tại Khu dân cư Tăng Phú đều chưa có số nhà và sổ hồng

Bị thu hồi vì chuyển nhượng sai quy định

Vừa qua, UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 6077/QĐ-UBND ngày 17/11/2017 của UBND TP.HCM về việc chấp thuận cho chuyển nhượng dự án phát triển nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (Khu dân cư Tăng Phú).

Nguyên do bởi, năm 2016, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đã chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú (Phong Phú Corp) với giá hơn 168 tỷ đồng, tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2. Mức giá này được Thanh tra TP.HCM xác định thấp hơn giá Phong Phú Corp huy động vốn từ khách hàng 3 năm trước và thấp hơn giá chuyển nhượng của dự án liền kề.

Kết luận thanh tra đánh giá, Sagri chuyển nhượng vốn góp cho Phong Phú Corp nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường là vi phạm Nghị định 91/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp.

Việc Sagri không thuê thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án cũng bị cho là vi phạm Nghị định 91/2015; không trung thực khi đã ủy quyền cho Phong Phú Corp tìm kiếm đối tác góp vốn, khách hàng đã mua nhà ở tại dự án nhưng 5 năm sau lại có văn bản gửi UBND Thành phố cam kết "chưa huy động vốn".

Theo đó, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải giao trả, chuyển giao những gì mà hai bên đã nhận của nhau trước đây và cam kết không thắc mắc khiếu nại gì về sau. Phải thông báo cho các bên có liên quan (nếu có) về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng dự án này. Các bên phải giải quyết các vấn đề phát sinh với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc hủy hợp đồng chuyển nhượng dự án do đơn vị đã ký kết trước đó theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, phải có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan chức năng để hướng dẫn các nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đảm bảo đúng theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Chủ đầu tư nói gì?

Theo thông tin từ Phong Phú Corp, từ năm 2008, Tổng công ty đã hợp tác với Sagri dưới hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh góp vốn thực hiện dự án “Khu nhà ở tại khu phố 4, Phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM”, tên thương mại là Khu dân cư Tăng Phú. Khu đất này nguyên là trại chăn nuôi heo nằm trong khu dân cư, vốn gây ô nhiễm trầm trọng.

Lý giải về tính pháp lý của dự án, Phong Phú Corp cho biết, căn cứ quyết định của UBND TP.HCM phê duyệt tổng thể kế hoạch sử dụng đất của Sagri và chủ trương của UBND Thành phố chấp thuận cho Sagri hợp tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất trại heo Phước Long tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 để thực hiện dự án nhà ở.

Theo đó, Sagri đã đề nghị hợp tác với Phong Phú Corp. Sau nhiều lần họp, Sagri đề nghị tỷ lệ góp vốn như sau: Sagri góp 28%, Phong Phú Corp góp 72% và hai bên thống nhất tiến hành ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh thực hiện dự án.

Ngày 18/3/2009, UBND TP.HCM ra Văn bản số 1074/UBND - CNN chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất và hợp tác đầu tư xây dựng khu chung cư và nhà ở.

Ngày 1/11/2010, UBND TP.HCM có Quyết định số 4877/QĐ-UBND cho chủ đầu tư là Sagri nộp vào ngân sách nhà nước là 128,4 tỷ đồng. Theo đó, Phong Phú Corp đã nộp 92 tỷ đồng và Sagri nộp 36 tỷ đồng.

Ngày 17/12/2011, Sở Tài chính TP.HCM có Văn bản số 1362/STC-NS về việc xác nhận Phong Phú Corp hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất. Đây được xem là cột mốc để hai bên làm cơ sở hợp tác. Từ đây, việc hợp tác khai thác được thực hiện theo nghĩa vụ hợp tác và tỷ lệ vốn góp, trong đó Sagri là chủ đầu tư - có nghĩa cùng góp vốn, khai thác.

Đại diện Phong Phú Corp cho biết thêm, do kinh doanh bất động sản không phải là ngành nghề kinh doanh chính của Sagri nên đơn vị này đã phải thoái vốn đã đầu tư vào dự án theo chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Thông báo số 231/TB-VP ngày 21/3/2015. Sau đó, Phong Phú Corp đồng ý nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Sagri tại dự án và đã thực hiện thủ tục chuyển nhượng tại Sở Xây dựng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

Trong quá trình xem xét, xử lý hồ sơ chuyển nhượng dự án, Sở Xây dựng đã lấy ý kiến của các sở ngành liên quan theo quy định. Ngày 3/11/2017, Sở Xây dựng đã có Tờ trình số 17223/TTr-SXD-PTN&TTBĐS trình UBND Thành phố chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Phong Phú Corp.

Ngày 17/11/2017, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 6077/QĐ-UBND về chấp thuận cho chuyển nhượng phần vốn góp của Sagri tại dự án phát triển Khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 cho Phong Phú.

Theo Phong Phú, việc chuyển nhượng đã được thực hiện đúng quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản. Sagri đã hoàn tất thủ tục chuyển quyền sử dụng khu đất dự án sang Phong Phú Corp tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BB 971815, do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp ngày 9/4/2011. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục, Sagri cất giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa bàn giao cho Phong Phú Corp.

Khách hàng chịu thiệt

Anh Huy, người dân đang sống tại Khu dân cư Tăng Phú cho biết, gia đình anh mua đất ở dự án này từ năm 2013, khoảng vài tháng sau thì chủ đầu tư bàn giao nền và bắt đầu xây dựng từ 2015. Đến nay, gia đình anh và tất cả các hộ trong dự án đều chưa nhận được sổ và cũng chưa được cấp số nhà.

Sau khi biết được thông tin UBND TP.HCM quyết định thu hồi và hủy bỏ Quyết định về việc chấp thuận cho chuyển nhượng dự án giữa Sagri và Phong Phú Corp thì cư dân ở đây hết sức lo lắng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ai nhận được thông báo hay văn bản gì chính thức của UBND Thành phố cũng như của Phong Phú Corp.

“Mọi người đều nghĩ rằng trước đây mình mua là hợp pháp, vẫn theo giá cả thị trường, thậm chí giá còn cao hơn mặt bằng chung và có hợp đồng mua bán, cũng xuất hóa đơn đàng hoàng nên hiện tại vẫn chỉ biết ở thôi”, anh Huy nói và cho biết thêm, do chưa được cấp sổ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn như không làm được hộ khẩu tại phường, không thể cầm cố ngân hàng khi cần tiền…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về việc ai sẽ đứng ra đảm bảo quyền lợi cho người dân, bà Truyền, phụ trách truyền thông tại Phong Phú Corp cho biết, hiện tại phía Công ty chỉ có thể cung cấp những thông tin liên quan đến dự án như ở trên, còn hướng giải quyết sau này tùy thuộc vào sự phối hợp với nhiều đơn vị khác nữa. Do đó, không thể nào một mình Phong Phú Corp đơn phương đưa ra ý kiến về hướng xử lý trong thời gian tới được.

“Kết quả như thế nào thì sẽ tùy thuộc vào quyết định của các cơ quan chức năng, dĩ nhiên là phía Phong Phú Corp sẽ phối hợp và thực hiện”, bà Truyền nói.

Trước những sốt ruột của người dân Khu dân cư Tăng Phú, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, nguyên tắc chung của pháp luật là các biện pháp khắc phục cần tránh thiệt hại thêm hoặc lớn hơn, coi việc an cư và đời sống của người dân là ưu tiên hàng đầu. Dù vậy, trong các vụ việc tương tự như thế này, cái khó của người dân là không thể tính được cụ thể thiệt hại và trong thế khó nếu yêu cầu bồi thường.

“Nếu trường hợp không thể chờ đến khi có kết quả xử lý, người mua có thể đề nghị hủy hợp đồng và nhận lại tiền, có thể thỏa thuận nhận thêm phần giá trị hiện tại tăng thêm. Nhưng điều này cũng tùy vào cách xử lý của chủ đầu tư”, luật sư Phượng nói.           

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục