Tồn tại hay không tồn tại?

Hơn lúc nào hết, giờ đây các doanh nghiệp đang rất cần được giảm thuế doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
Tồn tại hay không tồn tại?

Vấn đề giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị tác động bởi suy giảm kinh tế, một lần nữa lại được nhắc lại trong diễn đàn gần đây. Luật sư Trương Thanh Đức thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị: "Cần giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy tái đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh". Ý kiến của ông Đức chẳng có gì đáng ngạc nhiên và được sự ủng hộ của không ít chuyên gia và doanh nghiệp.

 

Ngay từ giữa năm nay, được sự đồng ý của Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành chương trình miễn, giãn, giảm thuế với tổng trị giá ước tính gần 20 ngàn tỷ đồng trong năm 2011, trong đó số thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 2.500 - 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó của Nhà nước là chưa đủ vì ngày càng có nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng "sản xuất đình đốn" như nhận xét của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Cao Sỹ Kiêm. Trên thực tế, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% mà Việt Nam đang áp dụng, được coi là ở mức vừa phải trong khu vực. Tuy vậy, doanh nghiệp tại Việt Nam chưa chắc đã được hưởng lợi từ đó. Lý do chính là nhiều khoản chi thực tế và cần thiết, nhưng không được công nhận là chi phí hợp pháp, hợp lệ như: chi phí khuyến mãi, tiếp khách, lễ tân, khánh tiết… không quá 10% tổng chi phí. Sự khống chế này đã dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp lỗ thật sự mà vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Cách thu thuế của nhà nước, trong nhiều trường hợp, lại đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

Một báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tổng thu nội địa giai đoạn 2006 - 2010 tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2001 - 2005. Cũng trong 5 năm qua, tốc độ tăng thu từ thuế và phí, lệ phí vào ngân sách Nhà nước bình quân hàng năm tăng 19,6%. Báo cáo này cho biết thêm, hầu hết các khoản thu từ doanh nghiệp đều có mức tăng trưởng bình quân năm đạt mức cao như: thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 25%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 25%, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 33%. Hơn nữa, tổng thu nội địa giai đoạn 2006 - 2010 tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2001 - 2005. Thu ngân sách 10 tháng đầu năm nay đang tương ứng với 94% dự toán. Theo Bộ Tài chính, những thống kê trên cho thấy khả năng vượt thu trong năm 2011 sẽ tiếp tục lớn giống như năm trước, gần 5 tỷ USD.

 

Những tháng về cuối năm, tình hình doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn. Báo cáo với Quốc hội vào đầu tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận, có khoảng 40 ngàn doanh nghiệp đã đóng cửa trong 9 tháng đầu năm nay. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên thậm chí còn cho rằng, số doanh nghiệp đóng cửa có thể lên tới 30 - 35% tổng số doanh nghiệp, tức là gấp 3 - 4 lần con số mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.

 

Dù thế nào, tình hình trên cho thấy, sức khỏe doanh nghiệp đang rất đáng báo động, rõ nhất là ở các lĩnh vực bất động sản, tài chính, ngân hàng,… Vì lẽ đó, đề nghị của luật sư Đức đưa ra là đúng thời điểm và đúng vấn đề hơn bao giờ hết. Chỉ có cách nuôi dưỡng nguồn thu mới là giải pháp tốt cho cả Nhà nước và doanh nghiệp. Nguồn lực quốc gia có giới hạn, phần Nhà nước nhiều thì phần doanh nghiệp nhỏ lại. Tất nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải tự nỗ lực vượt qua khó khăn này để trả lời câu hỏi: "tồn tại hay không tồn tại"?


DN

Tin cùng chuyên mục