Steve Jobs từng nói: “Đổi mới hay sáng tạo là khả năng nhìn nhận thay đổi mang đến cơ hội chứ không phải mối đe dọa”. Tinh thần này cần được nhân rộng hơn trong những ngành lâu đời như tài chính, trong bối cảnh công nghệ thay đổi không ngừng, mang đến nhiều giải pháp mới, ví dụ chuỗi khối hay ứng dụng chuỗi khối vào token số.
Mã hóa tài sản bằng token số là quá trình chuyển đổi quyền sở hữu và các quyền liên quan của tài sản sang dạng số. Bằng cách này, chúng ta có thể phân chia những tài sản thuộc dạng không thể phân chia.
Khái niệm token không phải mới, nó đã ra đời từ vài thập kỷ trước. Trước khi có công nghệ chuỗi khối, chúng ta đã dùng token, đặc biệt trong ngành tài chính từ những năm 1960 để bảo vệ thông tin thẻ tín dụng và sao kê giao dịch. Ngay cả các bệnh viện cũng dùng token để lưu giữ thông tin nhạy cảm của bệnh nhân. Có chính phủ dùng token để lưu giữ thông tin đăng ký bầu cử.
Token truyền thống lưu thông tin dưới dạng chữ và số, sau đó chuyển qua dạng mật mã. Quy trình này nhằm đảm bảo mỗi token hoàn toàn độc bản. Token số bằng chuỗi khối cũng tương tự như vậy, giúp mã hóa tài sản linh hoạt, an toàn và mở ra nhiều tiềm năng ứng dụng.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam. |
Chuỗi khối - Nền tảng của token số
Trong suốt chiều dài lịch sử, con người luôn cần theo dõi các giao dịch và chứng nhận quyền sở hữu. Ngược thời gian 5.000 năm về trước, khi loài người sinh sống theo bộ tộc, “sổ cái” chính là trí nhớ của mỗi cá thể trong bộ tộc. Sự tin tưởng được thiết lập dựa trên cơ sở chúng ta chỉ trao đổi trong một nhóm nhỏ. Khi các bộ tộc tiến hóa, mở rộng cả về số lượng lẫn độ phức tạp, việc duy trì thông tin ai sở hữu tài sản gì cũng cần được nâng cấp.
Một cách tự nhiên là chuyển giao ký ức cá nhân (sổ cái) cho một đầu mối quản lý tập trung. Sổ cái được quản lý tập trung dạng này được chấp nhận rộng rãi, bởi đây là cách tốt nhất để duy trì sự tin tưởng trong cộng đồng. Dù là người đứng đầu bộ tộc ngày xưa hay các ngân hàng trung ương ngày nay, xã hội luôn gửi gắm sự tin tưởng vào những nơi được chọn lựa cẩn thận để nhận trách nhiệm lưu giữ thông tin về các thứ giá trị.
Với sự ra đời và phổ biến của máy tính kích thước siêu nhỏ và Internet trong thế kỷ 20, chúng ta có thể phân tán một lượng lớn dữ liệu trên toàn thế giới và ai cũng có thể truy cập từ bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Tất cả chúng ta đều kết nối với nhau theo thời gian thực.
Năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đạt đỉnh, ý tưởng về một phiên bản tiền điện tử hoàn toàn ngang hàng được nhen nhóm, cho phép giao dịch thanh toán trực tuyến được gửi trực tiếp từ bên này tới bên khác mà không cần đi qua tổ chức tài chính.
Đó là thời điểm Bitcoin bắt đầu thu hút sự chú ý của giới tài chính. Tuy nhiên, chính chuỗi khối, công nghệ sản sinh ra Bitcoin, mới thực sự là “ngôi sao” ẩn chứa nhiều tiềm năng vượt trội.
Chuỗi khối hiểu một cách đơn giản là một dạng sổ cái điện tử. Sổ cái phân tán và phi tập trung hiện đại này được duy trì bởi một mạng lưới các máy tính “ngang hàng”. Một máy tính ngang hàng giữ một bản chuỗi khối và khả năng xác nhận giao dịch. Khối trong chuỗi khối tương đương với một giao dịch được thực hiện và xác nhận với các chi tiết được lưu trong các “khối”. Mỗi một khối hoàn thiện lại được thêm vào “chuỗi” các giao dịch trước đó.
Công nghệ nguồn mở dùng trong chuỗi khối về mặt nào đó tương đồng với giao thức tiêu chuẩn mở vốn là nền tảng của internet, được gọi là TCP/IP (Giao thức Điều khiển Truyền nhận). TCP/IP kiểm soát cách đóng gói và định hướng dữ liệu giữa các máy tính phân tán và phi tập trung. Về cơ bản, cả công nghệ chuỗi khối và TCP/IP đều là các quy trình mà cốt lõi dùng để xác định cách dữ liệu truyền đi giữa các nút mạng trong một hệ thống phân tán, được tái lập và xác nhận.
Chuỗi khối được tin là đỉnh tiến hóa của sự tin tưởng trong kỷ nguyên số. Một trong những ứng dụng được đề cao của chuỗi khối là token số.
Token có nhiều loại. Có loại token bảo mật được dùng để xác nhận quyền sở hữu, được coi như đại diện của một tài sản trên không gian số. Tài sản càng giá trị, giá của token càng đắt. Gần đây, một loại token gọi là token không thể thay thế (Non-Fungible Token hay NFT) đang thu hút sự quan tâm của công chúng khi được đem ra mua bán, có những tài sản số được bán với giá rất cao, hàng triệu USD.
Những tài sản không thể thay thế như kim cương, một quả bóng với chữ ký của danh thủ Cristiano Ronaldo, hay bức họa Mona Lisa không thể bị chia thành nhiều phần nhỏ, nhưng nếu chuyển thành tài sản số hóa bằng token, chúng ta có thể trở thành chủ sở hữu NFT tương đương một phần tài sản quý giá đó. NFT là độc bản, có thể giúp chúng ta truy lại lịch sử các đời chủ sở hữu trên chuỗi khối. Như vậy, không ai có thể làm giả token. Thêm nữa, khi một tài sản không thể thay thế được chuyển thành token, quy trình bắt đầu bằng việc cung cấp chữ ký số không thể thay đổi nhằm xác nhận tính độc bản của tài sản.
Hiểu một cách đơn giản, token số là gán một mã độc nhất cho một tài sản. Việc này nhằm xác nhận “danh tính” thật của tài sản. Token đại diện cho tài sản trên không gian số có thể được trao đổi trên một chuỗi khối, cơ sở dữ liệu trực tuyến vận hành bằng công nghệ sổ cái phân tán lưu thông tin về các giao dịch tài chính mà không cần hồ sơ giấy, đồng thời xác nhận quyền sở hữu.
Ngành tài chính: Thích nghi để tiến hóa
Với sự hiện diện của token số, nhiều ngành nhất là ngành tài chính đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, các giao dịch có thể triển khai trong một thế giới không có ngân hàng. Token số đã được sử dụng rộng rãi trong tài chính phi tập trung (Decentralised finance - DeFi), một nền tảng tài chính dựa trên công nghệ chuỗi khối không dùng trung gian như ngân hàng.
Trong thế giới DeFi, “hợp đồng thông minh” - các chương trình máy tính chạy trên nền tảng chuỗi khối - tự động thực hiện các giao dịch sau khi đáp ứng một số điều kiện. Kể từ khi ra đời vào năm 2019 đến nay, DeFi đã phát triển với tốc độ rất nhanh. Theo Defillama, giá trị tài sản số qua xử lý bằng dịch vụ DeFi đã tăng từ dưới 1 tỷ USD (2019) lên 236 tỷ USD (tháng 11/2021).
DeFi có nhiều điểm ưu việt, nhưng cũng ẩn chứa những bất cập nhất định. Trước hết, đó là trách nhiệm của người nắm quyền sở hữu quá lớn. Khi toàn quyền sở hữu một tài sản, người đó có toàn trách nhiệm nghiên cứu, tìm hiểu và sử dụng các nền tảng một cách có trách nhiệm. Trong thế giới DeFi, các thủ đoạn lừa đảo tinh vi có thể xảy ra.
Người chủ sở hữu phải tự bảo vệ tài sản số của mình. Thêm nữa, DeFi là công nghệ mới cần thời gian để tự hoàn thiện, đi kèm với đó là những sự cố, trục trặc không tránh khỏi. Ngoài ra, DeFi là một khái niệm mới nên bản thân các quy định, luật lệ cũng chưa theo kịp nên cách nhìn nhận mỗi nơi, mỗi nước một khác. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu DeFi có “đặt dấu chấm hết” cho ngân hàng khi vai trò trung gian ở đó không còn cần thiết?
Các chính phủ, các tổ chức và hệ thống ngân hàng trên thế giới cần sẵn sàng đồng hành với những thay đổi chưa từng có trong lịch sử và tạo điều kiện cho token số phát triển.
Trên thực tế, trong thế giới số, vai trò của ngân hàng không hoàn toàn bị xóa bỏ. Với sự phát triển của DeFi, các thể chế tài chính truyền thống có thể giúp lấp đầy khoảng trống giữa kinh tế truyền thống dựa trên hệ thống tiền tệ do chính phủ bảo trợ với nền kinh tế phi tập trung. Thái độ của các ngân hàng đã trở nên cởi mở hơn.
Cũng giống như với công nghệ chuỗi khối, ban đầu, giới ngân hàng có thái độ khá hoài nghi nên mức độ ứng dụng còn chậm. Chỉ khi các quốc gia như Canada, Trung Quốc và Anh bắt đầu khám phá cơ hội với tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDC) thì chuỗi khối bắt đầu “cất cánh”. Các ngân hàng bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm chuỗi khối và ứng dụng vào một số dịch vụ.
Một số tổ chức trong đó có HSBC, các chính phủ và cơ quan quản lý đã thử nghiệm sản phẩm tài chính dùng token số trên nền tảng chuỗi khối. Năm 2020, HSBC Việt Nam và Vietcombank đồng thực hiện thành công giao dịch tín dụng thư (L/C) nội địa bằng tiền đồng trên nền tảng chuỗi khối đầu tiên tại Việt Nam. Giao dịch này được thực hiện trên nền tảng Contour, trên cơ sở công nghệ chuỗi khối Corda của R3, thuộc giai đoạn thí điểm Beta của Contour.
Việc phát hành và thông báo tín dụng thư bằng tiền đồng này được thực hiện thành công trong vòng 27 phút, nhanh hơn rất nhiều so với phương thức truyền thống vốn thường mất từ 3-5 ngày làm việc. Bộ chứng từ điện tử đã được xử lý và gửi từ bên bán lần lượt qua ngân hàng bên bán, ngân hàng phát hành tới bên mua trong vòng nửa ngày, thay vì khoảng 10 ngày như trước. Đó là những bước tiến thần tốc chỉ có thể đạt được nhờ sáng tạo công nghệ.
Bên cạnh đó, Token số có thể tạo ra giai đoạn mang tính cách mạng cho các thị trường tài sản. Các thị trường tài sản truyền thống như mua bán trái phiếu hoạt động thông qua giao dịch chứng nhận giấy, nhưng khi các thông tin điện tử được lập trên cơ sở dữ liệu, token số sẽ giúp nâng cao hiệu quả, giảm chi phí và thúc đẩy sáng tạo. Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính, thị trường vốn, nợ, các sản phẩm phái sinh và chứng khoán trị giá 867.000 tỷ USD có thể hưởng lợi.
Nhờ token số, các sản phẩm tài chính trở nên linh hoạt hơn. Chẳng hạn, do quy trình thủ công và chi phí vận hành, lãi suất cho trái phiếu doanh nghiệp truyền thống thường được trả định kỳ 6 tháng một lần, nhưng với token số, “hợp đồng” thông minh có thể được lập trình để việc trả lãi tự động thực hiện mỗi ngày hoặc mỗi tuần, tùy theo lựa chọn của nhà đầu tư.
Token số cũng mở ra cơ hội sở hữu tài sản đắt tiền và không phổ biến cho nhiều người. Điều này có thể đạt được bằng cách chia quyền sở hữu tài sản thành nhiều phần nhỏ dễ tiếp cận và hợp túi tiền hơn. Ví dụ, vàng, bất động sản và tín chỉ các-bon được gắn token số đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây.
Ví dụ, nếu bạn muốn bán bức tranh Mona Lisa, bạn sẽ cần tìm người mua chịu bỏ ra hàng triệu USD. Như vậy, số người có khả năng mua sẽ không nhiều. Nếu chúng ta mã hóa tác phẩm bằng token số, hàng triệu người có thể cùng chia sẻ quyền sở hữu bức tranh.
Token số góp phần chống biến đổi khí hậu
Năm 2021, Moss - nền tảng môi trường lớn nhất thế giới đã tiến hành gắn token số cho các tín chỉ các-bon, thu hút được 10 triệu USD trong 8 tháng cho các dự án bảo tồn rừng nhiệt đới Amazon. Mỗi tín chỉ được dùng để bù đắp một tấn phát thải các-bon. Việc bán tín chỉ này chỉ là một ví dụ về cách token số giúp thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Một cách để bù đắp cho những tác động lên môi trường liên quan đến hoạt động khai thác ví dụ khai thác vàng là mua tín chỉ các-bon kèm theo khi đầu tư mua vàng. Nhờ token số, quy trình và chi phí liên quan đến quá trình cơ cấu những khoản đầu tư này đã được giảm nhẹ đáng kể.
Ví dụ, sản phẩm vàng gắn token số net-zero có thể được cơ cấu theo hướng mỗi ounce vàng mua vào, một lượng token tín chỉ các-bon tương đương được tự động mua kèm để bù đắp cho lượng phát thải các-bon khi khai thác vàng. Đó là lý do họ gọi là vàng “net zero”.
Theo Đặc phái viên về tài chính và hành động biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc Mark Carney, thị trường tín chỉ các-bon toàn cầu đang phát triển nhanh, dự kiến sẽ đạt 50-100 tỷ USD vào năm 2030. Việc mua bán tín chỉ bù đắp phát thải sẽ là một phần quan trọng để có nguồn tài trợ đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng trị giá nhiều nghìn tỷ USD.