Mã QR “thống lĩnh” xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt
Ngay từ khi ra đời, việc thanh toán bằng mã QR đã tạo ra một cuộc “cách mạng” về phương thức thanh toán trên thế giới. Không nằm ngoài xu hướng chung, khu vực Đông Nam Á cũng chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của phương thức thanh toán này.
Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Indonesia (Bank Indonesia), từ tháng 1 đến tháng 10/2023, số lượng giao dịch thanh toán bằng mã QR (QRIS) đạt 1,6 tỷ giao dịch, vượt mục tiêu 1 tỷ giao dịch của năm 2023. Trong đó, số lượng người dùng QRIS đạt 43,44 triệu và số lượng đơn vị chấp thanh toán QRIS tại Indonesia là 29,63 triệu với 92% trong đó là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Còn tại Thái Lan, tính đến tháng 10/2024, PromptPay đã có hơn 2,02 tỷ giao dịch chuyển tiền và thanh toán với giá trị giao dịch đạt hơn 4.220 tỷ Baht, đánh dấu mức tăng trưởng 20% về số lượng giao dịch và 18% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), tính đến tháng 10/2024, có gần 70 triệu tài khoản sử dụng ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng quét mã VietQR để thực hiện chuyển tiền, thanh toán hàng ngày. Giao dịch VietQR ghi nhận qua hệ thống NAPAS trong 10 tháng đầu năm 2024 tăng gần 140% về số lượng giao dịch và hơn 180% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2023.
VietQR thực sự đã trở thành một phương thức thanh toán hàng ngày, góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường thanh toán điện tử trong những năm gần đây, cũng như thúc đẩy thói quen không dùng tiền mặt của người dân.
Một định dạng tiêu chuẩn cho mọi giao dịch
Được ra mắt từ năm 2021, VietQR là nhận diện thương hiệu chung dành cho các dịch vụ chuyển khoản bằng mã QR được xử lý qua mạng lưới NAPAS. VietQR tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế của EMV Co., và Bộ tiêu chuẩn cơ sở cho mã QR do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Trên cơ sở tạo sự đột phá trong trải nghiệm thanh toán tiện lợi, nhanh chóng và an toàn của phương thức chuyển tiền bằng quét mã VietQR thời gian qua, NAPAS sẽ tiếp tục nâng cấp tiêu chuẩn kỹ thuật để chuẩn hóa dịch vụ thanh toán bằng mã VietQR (VietQRPay) cho các giao dịch thanh toán bán lẻ nội địa và hỗ trợ thúc đẩy các giao dịch thanh toán xuyên biên giới.
Trước hết, mục tiêu của VietQRPay nhằm hỗ trợ cho các giao dịch thanh toán tại các điểm chấp nhận thanh toán cũng như mua hàng trực tuyến. So với giao dịch chuyển tiền bằng mã VietQR như hiện nay, giao dịch thanh toán thông qua quét mã VietQRPay sẽ cho phép hiển thị đầy đủ các thông tin của đơn vị bán hàng, hàng hóa/dịch vụ, nhờ đó thông tin về giao dịch mua hàng được minh bạch và rõ ràng hơn. Trong trường hợp hoàn/hủy hoặc khiếu nại liên quan đến đơn hàng, các đơn vị bán hàng có thể dễ dàng tra soát giao dịch, đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình mua bán.
Bên cạnh đó, lợi ích mà VietQRPay mang lại cho các đơn vị bán hàng còn là việc hỗ trợ quản lý tài chính, thống kê doanh thu..., không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.
Về phía khách hàng, ưu điểm của dịch vụ thanh toán VietQRPay là cho phép người dùng có thể linh hoạt lựa chọn nguồn tiền thanh toán. Khi quét mã VietQRPay để thanh toán trên ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng, khách hàng có thể lựa chọn đa dạng nguồn tiền thanh toán như thẻ ghi nợ/tín dụng, tài khoản, ví điện tử. Những tính năng này đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay.
Việc triển khai VietQRPay cũng được kỳ vọng góp phần phòng chống các giao dịch gian lận, giả mạo, cũng như hỗ trợ công tác quản lý thuế của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo quy định.
Dự kiến, khi dịch vụ VietQRPay ra mắt thị trường trong thời gian tới, để thuận lợi cho các bên triển khai và không làm thay đổi trải nghiệm thanh toán của người dùng đối với dịch vụ, NAPAS sẽ tích hợp một định dạng tiêu chuẩn mã QR duy nhất cho giao dịch chuyển tiền và giao dịch thanh toán. Các đơn vị bán hàng sẽ không cần phải thay thế mà vẫn có thể tiếp tục sử dụng các mã VietQR để chấp nhận giao dịch thanh toán. Việc xây dựng đồng bộ VietQR và VietQRPay với cùng một định dạng mã QR sẽ giúp việc triển khai nhanh chóng, dễ dàng cho các bên liên quan.
Thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới qua VietQR Global
Tại cuộc họp thúc đẩy thanh toán bán lẻ song phương qua mã QR giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào ngày 21/8/2024, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết: “Việc hợp tác thanh toán song phương qua mã QR giữa các quốc gia trong khu vực là phù hợp với xu hướng liên kết trong ASEAN, mang lại tiện ích thanh toán bằng đồng bản tệ cho các khách hàng Việt Nam khi sang các nước có hợp tác, cũng như du khách từ các nước này khi đến Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng giao dịch thanh toán qua mã QR bởi khách hàng quốc tế tại các đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam còn hạn chế so với số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đã tham gia dịch vụ”.
Theo ông Tuấn, một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên là do mức độ nhận diện thương hiệu tại các điểm chấp nhận thanh toán song phương của ngân hàng và mạng lưới chấp nhận thanh toán tại Việt Nam còn chưa đồng bộ, dễ gây nhầm lẫn giữa mã QR thanh toán nội địa và mã QR thanh toán song phương. Để thúc đẩy hợp tác thanh toán song phương, việc đồng bộ theo quy chuẩn QR thanh toán là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đối với mạng lưới thanh toán của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, NAPAS đang là đơn vị triển khai kết nối thanh toán xuyên biên giới giữa Việt Nam và các nước trong ASEAN và châu Á. Đến nay, NAPAS đã hoàn thành kết nối dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang trong giai đoạn triển khai thí điểm với Lào.
Mới đây, trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến Việt Nam, dưới sự chứng kiến của thủ tướng 2 nước, NAPAS và Công ty UnionPay International đã ký kết Bản ghi nhớ về triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Trước xu hướng Việt Nam ngày càng mở cửa hội nhập quốc tế và hợp tác kết nối thanh toán xuyên biên giới với nhiều quốc gia, ý nghĩa của việc triển khai VietQRPay nhằm tạo ra sự đồng bộ trong tiêu chuẩn kỹ thuật để kết nối, xử lý các giao dịch thanh toán qua phương thức quét mã QR giữa Việt Nam và các nước, đồng thời gia tăng hiệu quả triển khai chiều thanh toán quét mã QR của khách nước ngoài khi đến Việt Nam.
Cũng theo NAPAS, trong kế hoạch triển khai dịch vụ thanh toán quốc tế bằng mã QR, việc triển khai VietQRPay sẽ được phân biệt bằng tên gọi VietQR Global để chỉ dẫn cho khách quốc tế các điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR tại Việt Nam, giúp khách quốc tế có thể dễ dàng thực hiện giao dịch thanh toán bằng mã QR một cách nhanh chóng và tiện lợi.
VietQR Global một lần nữa khẳng định những nỗ lực không ngừng của đơn vị trong triển khai các giải pháp, từng bước nâng cao chất lượng và mở rộng mạng lưới dịch vụ thanh toán xuyên biên giới thông qua hợp tác với các ngân hàng, trung gian thanh toán. Qua đó, người dân Việt Nam, du khách, đơn vị bán hàng có thể tiếp cận một phương thức thanh toán tiện lợi thông qua mã VietQR Global, góp phần tăng cường sử dụng đồng bản tệ trong hoạt động thanh toán xuyên biên giới, thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và các quốc gia.