Kết nối hạ tầng QR Code đã mở

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với sự ra mắt của VietQR, mỗi cá nhân sẽ dễ dàng khởi tạo một mã QR Code cho riêng mình. Theo đó, kỳ vọng tốc độ thanh toán nhanh hơn, phi tiền mặt là có cơ sở.
Thanh toán điện tử có nhiều ưu điểm nổi trội so với thanh toán truyền thống Thanh toán điện tử có nhiều ưu điểm nổi trội so với thanh toán truyền thống

Những “kỷ niệm” với thanh toán truyền thống

Kế hoạch chiều về sớm đưa con đi học thêm của chị Thanh Nga, ở Thanh Xuân bị vỡ khi cuộc họp với lãnh đạo kết thúc muộn và đường tắc. Vì không về kịp, chị đã gọi taxi công nghệ cho con tự đi. Tuy nhiên, do có trục trặc nên chị không thanh toán qua thẻ mà trả bằng tiền mặt, nhưng điện thoại cho con thì con báo để quên ví ở nhà.

Phương án chuyển tiền liên ngân hàng được triển khai, bác lái xe thông báo số tài khoản và con nhắn tin cho mẹ. Tuy nhiên, các lệnh chuyển tiền đều báo lỗi không hoàn thành bởi không có số tài khoản như vậy. Hai mươi phút di chuyển đến địa điểm học mà vẫn chưa chuyển khoản được tiền. Mở cửa xe và hai, ba bước chân là vào lớp học, nhưng bác lái xe vẫn yêu cầu con ngồi trong xe cho đến khi chuyển khoản xong.

“Mất thêm 5 phút nữa kiểm tra lại mọi khâu thì con phát hiện ra nhắn nhầm cho mẹ số tài khoản do dãy số có sự lặp lại, con không chú ý nên khi nhắn cho mẹ đã vô tình đổi vị trí dãy số nên không chuyển khoản được. Thật là một kỷ niệm nhớ đời”, chị Nga kể.

Người viết bài cũng chứng kiến câu chuyện của một đồng nghiệp “nghiện” mua sắm online. Dịch bệnh khiến tần suất giao dịch trực tuyến tăng lên và đồng nghiệp vẫn thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền xong, đồng nghiệp vào nhà vệ sinh rửa tiền bằng dung dịch rửa tay.

Những tình huống tương tự như trên trong tương lai chắc sẽ khó có thể xảy ra bởi tuần trước, dịch vụ Chuyển tiền nhanh Napas 247 (gọi tắt là Chuyển nhanh Napas247) bằng mã VietQR chính thức ra mắt, cho phép khách hàng chuyển tiền từ tài tài khoản của mình tới tài khoản tại một ngân hàng khác trong mạng lưới của Napas theo phương thức chuyển tiền nhanh 24/7 (thực hiện theo thời gian thực, 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần) với hạn mức tối đa của một giao dịch là dưới 500 triệu đồng thông qua hình thức quét mã thanh toán của cá nhân.

Được biết, mã QR thanh toán của mỗi cá nhân là thông tin thanh toán đã được mã hóa gồm số tài khoản, mã hiệu ngân hàng, số tiền, nội dung thanh toán, thông tin đơn hàng và các thông tin liên quan khác (nếu có), giúp việc khởi tạo lệnh thanh toán được thực hiện chính xác, nhanh chóng và an toàn.

Ông Vũ Thành Trung, thành viên Ban Điều hành, Giám đốc Ngân hàng số của MB - một trong những ngân hàng tiên phong triển khai dịch vụ chuyển tiền Napas247 bằng mã QR cho biết, quét mã QR trên App MBBank sẽ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm hoàn toàn mới và vượt trội so với cách sử dụng chuyển tiền thông thường.

“Việc chuyển khoản/thanh toán nhờ đó trở nên đơn giản và thuận tiện hơn. Khách hàng không phải nhớ số tài khoản/số thẻ, giúp giảm bớt các thao tác cũng như tránh gõ sai tài khoản dẫn đến chuyển khoản nhầm, giảm thiểu rủi ro mất tiền cho khách hàng”, ông Trung nói.

Cần sớm được đồng bộ

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Napas cho biết, định dạng VietQR không chỉ hoàn toàn tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở QR của Ngân hàng Nhà nước, mà còn tương thích tiêu chuẩn QR quốc tế của tổ chức EMV. Dưới sự chủ trì của ngân hàng trung ương 2 nước Việt Nam và Thái Lan, VietQR đã được thí điểm thử nghiệm thành công trong thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR giữa 2 quốc gia vào tháng 3/2021.

Chia sẻ thêm về việc tạo mã QR, ông Hùng cho hay, khách hàng chỉ cần có tài khoản ngân hàng, vào ứng dụng Mobile Banking của 14 ngân hàng gồm Sacombank, Vietcombank, VietinBank... đã cung cấp dịch vụ hoặc tạo trên website VietQR.net và thực hiện vài thao tác đơn giản là thành công.

Ngoài ra, các cá nhân bán hàng trực tuyến, đơn vị kinh doanh hộ gia đình, tiểu thương… đều có thể tạo mã VietQR để nhận tiền từ người chuyển thông qua hình thức in mã VietQR tại quầy thanh toán hoặc gắn trên website, facebook, trang bán hàng online hay gửi hình ảnh mã VietQR cho người chuyển tiền.

“Với phương thức thanh toán mới này, Napas và các ngân hàng thành viên không chỉ cung cấp cho khách hàng những tiện tích mới trong chuyển tiền và thanh toán không tiếp xúc, mà còn gia tăng trải nghiệm mới cho người dùng, hạn chế lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 như hiện nay”, ông Hùng nói.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, thanh toán nhanh cần có độ mở, do vậy, khi Napas đưa ra chuẩn QR chung, với cơ sở hạ tầng đã có sẵn, chỉ trong 2 tuần, Sacombank đã “hòa” cùng “nhịp” với Napas và 13 ngân hàng khác nhằm giúp khách hàng không bị giới hạn trong phạm vi của một ngân hàng.

Cũng theo ông Hùng, VietQR không chỉ đơn giản là nhận dạng thương hiệu chung giúp cho khách hàng và người sử dụng biết rằng giao dịch chuyển tiền QR, giao dịch thanh toán QR được chấp nhận, mà Napas trong vai trò một tổ chức chuyển mạch và bù trừ điện tử còn mong muốn VietQR như là một mạng thanh toán mở, không chỉ có các ngân hàng mà còn chào đón sự tham gia của các trung gian thanh toán và các nhà mạng được cấp phép Mobile Money trong thời gian sắp tới”.

Không phải ngẫu nhiên ông Hùng đặt vấn đề như vậy. Hiện nay, VNPay với VNPay-QR là hệ thống hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến nhất ở Việt Nam, cùng với đó là hơn 20 ví điện tử đang hoạt động, trong đó phổ biến nhất là MoMo và Moca (GrabPay). Mỗi ví điện tử là một hệ sinh thái riêng và chỉ dùng chính ứng dụng đó cùng với mã QR được tạo ra cho cửa hàng.

Hạn chế lớn nhất là các mã QR không liên thông với nhau nên khách hàng không thể dùng MoMo để quét mã Moca hay ngược lại, và điều này cũng tương tự với VNPay. Đó là lý do mà một người có thể sở hữu nhiều mã QR và đơn vị nào ưu đãi nhiều thì có lượng khách hàng sử dụng lớn.

“Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1928/QĐ-NHNN về việc công bố Tiêu chuẩn cơ sở ‘Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam’ nhưng không bắt buộc áp dụng, nên các công ty Fintech và trước đây, các ngân hàng vẫn triển khai theo hướng riêng và không liên thông”, một chuyên gia thanh toán số cho biết.

Việc mã QR chưa có sự liên thông tại Việt Nam cũng là câu chuyện ở Trung Quốc, khi hai nền tảng thanh toán trực tuyến phổ biến Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent đều mỗi “ông” đi một đường. Tuy nhiên, năm 2020, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã yêu cầu hai nền tảng thanh toán này cần liên thông với nhau và tiến trình này đang được triển khai. Tại Việt Nam, thị trường cũng chờ đợi sự liên thông mạnh mẽ hơn nữa giữa Napas, các ngân hàng và trung gian thanh toán…

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục