Tốc độ tăng trưởng ngành khách sạn Việt Nam 2019 chỉ còn ở mức 10,8%, bằng một nửa so với 2018

(ĐTCK) Dù vẫn đang duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số và là thị trường ấn tượng trong khu vực, nhưng ngành khách sạn Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn.
Việt Nam có nhiều điểm đến hấp dẫn du khách, đặc biệt là các tỉnh có bờ biển đẹp. Việt Nam có nhiều điểm đến hấp dẫn du khách, đặc biệt là các tỉnh có bờ biển đẹp.

Đó là nhận định của ông Robert McIntosh, Giám đốc điều hành, CBRE Hotels châu Á Thái Bình Dương.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng của ngành khách sạn Việt Nam chỉ còn duy trì ở mức 10,8%, so với mức trên 20% của năm 2018. Theo ông Robert McIntosh, ở quốc gia nào cũng vậy, nếu thị trường có tốc độ tăng trưởng quá nhanh cũng đi kèm với bất ổn, cung cầu không đáp ứng được cho nhau. Với tỷ lệ tăng trưởng lớn như thời gian qua, thì ở thời điểm hiện tại, sự suy giảm của hai thị trường lớn Hà Nội và TP.HCM là điều không thể tránh khỏi.

Ngoài ra, về lượng khách, theo đại diện CBRE, khách du lịch từ Trung quốc có dấu hiệu giảm nhiệt, trong khi khách Hàn Quốc lại tăng và có mức độ chi tiêu rộng rãi hơn. Điều này có thể bù đắp lại phần nào từ sự sụt giảm của khách du lịch Trung Quốc.

Tốc độ tăng trưởng ngành khách sạn Việt Nam 2019 chỉ còn ở mức 10,8%, bằng một nửa so với 2018 ảnh 1

Ông Robert McIntosh, Giám đốc điều hành, CBRE Hotels châu Á Thái Bình Dương. Ảnh: Thành Nguyễn.

Nhận xét về xu hướng thị trường, ông Robert McIntosh cho rằng, không chỉ phải đối mặt với lượng khách Trung Quốc (khách chủ lực) sụt giảm, ngành khách sạn Việt Nam còn đang gặp cả những khó khăn khác, như việc thời gian lưu trú ngắn lại, tỷ lệ phòng trống cao.

Theo đại diện CBRE, xu hướng lưu trú ngắn lại đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên thế giới, dù nước sở tại đều đưa ra nhiều giải pháp nhằm kéo dài thời gian lưu trú nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn.

“Hiện nay, do nhu cầu sống nhanh, nhiều người muốn rút ngắn thời gian du lịch để sớm quay trở lại với công việc, và điều đó làm ảnh hưởng đến hiệu suất khai thác của các khách sạn”, ông Robert McIntosh nhấn mạnh.

Còn về tỷ lệ phòng trống lớn, theo đại diện CBRE, tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn trong toàn quốc 9 tháng qua đang ở mức gần thấp nhất so với các quốc gia ở châu Á, chỉ cao hơn Mianma. Nguyên nhân là bởi có nhiều khách sạn gia nhập thị trường, và các khách sạn này cần có thời gian để thích nghi, để thị trường hấp thụ nguồn cung mới.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục