Bộ phận tư vấn của Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương vừa công bố báo cáo phân tích thị trường du lịch khu vực châu Á Thái Bình Dương nửa đầu năm 2019.
Theo đó, hoạt động kinh doanh khách sạn tại châu Á Thái Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2019 không có nhiều tín hiệu tích cực khi phần lớn các quốc gia trong khu vực đều báo cáo kết quả hoạt động không khả quan.
Cụ thể, toàn khu vực chứng kiến sự sụt giảm về cả công suất và giá phòng, lần lượt là 1,3% và 5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số RevPAR trung bình (chỉ số thể hiện mức doanh thu thu được trên số phòng hiện có của khách sạn) của khu vực giảm gần 6%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này có thể kể đến sự sụt giảm của lượng du khách Trung Quốc.
Theo nhóm nghiên cứu, Trung Quốc là thị trường nguồn khách lớn nhất của khu vực châu Á Thái Bình Dương, do vậy, bất kỳ sự thay đổi nào về lượng khách của quốc gia này cũng gây ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch toàn cầu.
Ví dụ, lượt khách Trung Quốc đến Thái Lan đã giảm 4,73% vào trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi thị trường khách sạn ghi nhận mức giảm 3% tổng lượt khách Trung Quốc và 10% hệ số RevPAR trong nửa đầu năm 2019.
Việt Nam có nhiều khu du lịch nổi tiếng được du khách quốc tế yêu thích. Ảnh: Thành Nguyễn.
Mặc dù nguồn khách chủ lực (Trung Quốc) có giảm, nhưng lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 vẫn đạt khoảng 8,5 triệu lượt, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc cũng đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 45%, 27% và 21%. Đây đều là những thị trường du khách chiếm thị phần lớn (sau Trung Quốc). Do vậy, mặc dù lượng khách Trung Quốc giảm nhẹ (-3%) như hiện nay, thị trường du lịch Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng lượt khách quốc tế ổn định.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra các cơ hội trong tương lai gần, cả với Việt Nam và các quốc gia trong khu vực khi trên thực tế, số lượng người dân Trung Quốc đang sở hữu hộ chiếu rất ít, chiếm chưa tới 10%. Và con số này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.
Một thông tin quan trọng khác mà nhóm nghiên cứu đưa ra, đó là với việc sở hữu hơn 30.000 phòng dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2019 và 2020, Việt Nam hiện đang dẫn đầu khu vực về mặt số phòng, theo sau là Indonesia, Thailand, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc.
Mặt khác, dựa trên phân tích về chỉ số CAGR trong 10 năm của Savills Hotels, lượt khách quốc tế dự kiến sẽ đạt 30 triệu vào năm 2023. Đây được xem là triển vọng lớn cho ngành du lịch của Việt Nam trong tương lai.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là hiện nay, thị trường đang phải đón nhận một lượng lớn các dự án condotel trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng khách du lịch đang chậm lại dẫn tới việc thị trường có thể sẽ phải đối mặt với sự mất cân bằng giữa nguồn cung và nguồn cầu. Điều này khiến cho chỉ số RevPAR có khả năng sẽ tiếp tục suy giảm trong tương lai.