Cuộc bình chọn do Tạp chí Asia Golf (Singapore) thực hiện và tối 16/11/2017, giải thưởng danh giá này đã được trao cho lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam tại Lễ trao Giải thưởng Gôn châu Á năm 2017, tổ chức tại khách sạn Sheraton Đà Nẵng.
Ông Mike Sebastian, Giám đốc điều hành Asia Pacific Golf Group (APGG) đồng thời là Chủ tịch Giải thưởng Gôn châu Á 2017 cho biết, hai tuần trước khi cuộc bình chọn kết thúc, Thái Lan vẫn dẫn đầu, Trung Quốc đứng thứ hai, Việt Nam đứng thứ tư. Nhưng kết thúc, Việt Nam đã giành được 104.000 phiếu hợp lệ để vươn lên vị trí số 1.
Việc được đánh giá là điểm đến du lịch gôn hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ giúp Việt Nam thu hút được nhiều sự quan tâm của các gôn thủ trong khu vực.
Đề cập đến tác động của ngành gôn đối với du lịch, ông Sebastian cho rằng, có hai nhóm du khách đến Việt Nam, một là đến chơi gôn và hai là đến du lịch và chơi gôn. Cả hai nhóm này đều có mức tiêu dùng rất lớn cho các khoản mục như khách sạn, ăn uống, mua sắm…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy (đứng giữa) cùng bà Nguyễn Thị Nga (trái), Chủ tịch Tập đoàn BRG nhận giải thưởng "Điểm đến du lịch gôn tốt nhất Châu Á Thái Bình Dương từ Ban tổ chức
Cho đến nay, chưa có một con số thống kê chi tiết nào về tổng doanh thu từ ngành gôn mang lại cho Việt Nam, nhưng có thể nhìn thấy sự phát triển của du lịch gôn qua mức chi tiêu cho du lịch của du khách nước ngoài.
Cụ thể, doanh thu du lịch của Việt Nam trong năm 2015 đạt khoảng 15 tỷ USD và con số này dự kiến vượt ngưỡng 17 tỷ USD trong năm 2017.
Ông Mark Reeves, Giám đốc điều hành mảng gôn của Tập đoàn BRG cho biết, sân gôn Đà Nẵng của Tập đoàn ước tăng trưởng kết quả kinh doanh 6,5% trong năm nay và dự kiến đạt 8% trong năm tới. 82% vòng chơi tại sân này đến từ khách du lịch nước ngoài, còn lại đến từ các đại lý du lịch khác.
Khách chơi chủ yếu là người Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan. Vị CEO dự đoán rằng, sân gôn này có thể đạt tốc độ tăng trưởng hai con số nếu tới đây hạ tầng như sân bay, khách sạn được mở rộng.
Tại Thái Lan, Trung Quốc hoặc Indonesia, gôn đã trở thành ngành có đóng góp doanh thu rất lớn trong tổng doanh thu của ngành du lịch.
Chất lượng các sân gôn Việt Nam được đảm bảo ở đẳng cấp cao, trong khi nhiều sân gôn trong khu vực đã bị xuống cấp, lạc hậu do được đầu tư xây dựng cách đây 30 - 40 năm.
Tại Hội nghị Gôn châu Á Thái Bình Dương vừa diễn ra ở Đà Nẵng, tỷ phú Tenniel Chu, Phó chủ tịch Tập đoàn Mission Hills cho biết, tập đoàn của ông hiện sở hữu 10 sân gôn, trực tiếp tạo ra công ăn việc làm cho hơn 18.000 người và có lợi nhuận hàng chục triệu USD/năm, đóng góp lớn cho ngân sách và quan trọng hơn là gián tiếp thúc đẩy chi tiêu vào du lịch.
“Mỗi năm, chúng tôi tổ chức 400 giải thi đấu, có những giải đấu gọi là marathon gôn, diễn ra ở 10 sân gôn, trong vòng 6 tháng, thu hút gôn thủ ở 30 quốc gia trên khắp thế giới”, ông cho biết.
Kinh nghiệm cho Việt Nam là gì? Đó là cần nỗ lực quảng bá và tạo ra nhiều trải nghiệm thú vị cho người chơi. Họ sẽ là kênh truyền thông tốt nhất cho du khách quốc tế đến với Việt Nam.
Việt Nam đang sở hữu rất nhiều sân gôn đạt đẳng cấp quốc tế chất lượng "5 sao", trải dài hơn 3.000 km bờ biển. Tính tới thời điểm hiện tại, ước tính, có khoảng 40 sân gôn đang mở cửa đón khách và một số những sân gôn đang trong quá trình xây dựng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017 và năm 2018.
“Chất lượng của các sân gôn Việt Nam cũng được đảm bảo ở đẳng cấp cao, trong khi nhiều sân gôn trong khu vực đã bị xuống cấp, lạc hậu do được đầu tư xây dựng cách đây 30 - 40 năm. Bởi vậy, đây là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút khách”, ông Paul Stringer, Chủ tịch Nicklause châu Á - Thái Bình Dương nhận xét.
Hiện cộng đồng chơi gôn trong nước đã lên tới 30.000 - 35.000 người. Bên cạnh đó, du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017 sẽ vượt 10 triệu lượt, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Chắc chắn, trong đó sẽ có một lượng du khách không nhỏ tới Việt Nam để trải nghiệm gôn. Những dữ kiện trên phần nào chứng minh cho quan điểm rằng Việt Nam đã sẵn sàng cho sự bùng nổ về gôn.