Phiên họp luận tội tổng thống tại Hạ viện vào thứ Tư ngày 18/12 bắt đầu lúc 9:00 sáng. Gần như ngay lập tức từ lúc bắt đầu, Đảng Cộng hòa đã đưa ra đề nghị chấm dứt luận tội, nhưng tất nhiên, yêu cầu này bị từ chối.
Phiên họp luận tội tổng thống tại Hạ viện vào thứ Tư ngày 18/12. Ảnh: EPA-EFE.
Sau đó, Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy (California), lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, đã cố gắng đưa ra một phiên thảo luận nhằm thông qua một nghị quyết lên án hành động của Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Jerry Nadler (New York), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff. Tuy nhiên, Hạ viện, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Dân chủ, đã ngăn chặn đề xuất này.
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters.
Sau hai nỗ lực của Đảng Cộng hòa nhằm hoãn cuộc bỏ phiếu diễn ra vào cuối ngày, các nghị sĩ bắt đầu thảo luận về các vấn đề thủ tục.
Theo kế hoạch, việc này sẽ chỉ mất một giờ, nhưng thực tế đã diễn ra lâu hơn. Song cuối cùng, các quy tắc tổ chức cuộc họp vẫn được thông qua, các nhà lập pháp đã chuyển sang một cuộc tranh luận kéo dài sáu giờ về luận tội. Thời gian này được chia đều giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ, vì vậy, đại diện của mỗi đảng có tổng cộng ba giờ để bày tỏ quan điểm của họ.
Tiến trình thảo luận
Cuộc tranh luận bắt đầu với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. "Những gì chúng ta đang thảo luận hôm nay dựa trên thực tế đã được xác định rằng, tổng thống đã vi phạm hiến pháp", bà Pelosi nói và gọi ông Trump là "mối đe dọa thường trực đối với an ninh quốc gia Mỹ".
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi điều hành phiên họp. Ảnh: AFP
Theo Chủ tịch Hạ viện, nhà lãnh đạo Mỹ khiến các nhà lập pháp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu quá trình luận tội ông.
Phiên họp trở thành cơ hội để các nhà lập pháp đến từ cả hai đảng bày tỏ ý kiến.
Đảng Cộng hòa chỉ trích Đảng Dân chủ và quá trình luận tội mà họ khởi xướng, gọi đây là một điều “khủng khiếp”, quá “vội vàng”, đồng thời, chỉ ra việc thiếu bằng chứng luận tội và sự “hận thù” mà các đối thủ chính trị dành cho ông Trump.
“Cuộc bỏ phiếu này không liên quan gì đến Ukraine, không liên quan gì đến lạm quyền và cũng không cản trở quốc hội. Cuộc bỏ phiếu này chỉ liên quan đến một điều - họ ghét tổng thống, họ ghét những người trong chúng ta đã bỏ phiếu cho ngài trở thành tổng thống”, Chris Stewart, Hạ nghị sĩ Cộng hòa từ bang Utah, tranh luận.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa từ bang Utah Chris Stewart. Ảnh: AP
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Kelly (Pennsylvania) còn so sánh phiên bỏ phiếu luận tội với vụ tấn công Trân Châu Cảng. Vào 7/12/1941, một sự kiện khủng khiếp đã xảy ra ở Mỹ và Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã nói về nó rằng: “Ngày hôm nay là một ngày đáng xấu hổ”. Hôm nay, ngày 18/12/2019, sẽ lại thêm một ngày đáng xấu hổ nữa”, ông nói.
Tuy nhiên, không phải tất cả các đại diện của Đảng Cộng hòa đều bày tỏ sự không đồng tình với những gì đang xảy ra bằng cách “đấu khẩu”.
“Vào ngày diễn ra những cuộc tranh luận gay gắt, tôi quyết định sử dụng thời gian của mình để liệt kê chi tiết các hành vi phạm tội nghiêm trọng của Tổng thống Mỹ. Tôi sẽ thực hiện ngay bây giờ”, Hạ nghị sĩ Cộng hòa từ bang Idaho Russ Fulcher đứng lên bục phát biểu, sau đó toàn bộ thời gian dành cho bài phát biểu của mình, khoảng 20 giây, ông im lặng, cho thấy rằng, ông không thấy tổng thống phạm tội gì cả.
Đến phiên tranh luận của mình, Đảng Dân chủ như thường lệ, cáo buộc ông Trump đặt lợi ích chính trị lên trên lợi ích quốc gia.
Cũng như phe Cộng hòa, một số Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng thể hiện quan điểm của mình theo cách “khác thường”.
Al Green, Hạ nghị sĩ Dân chủ từ Texas, trong bài phát biểu của mình, đã đặt một tấm áp phích bên cạnh với một bức ảnh cô bé Honduras đang khóc, bức ảnh đã từng lên trang bìa của tạp chí Time năm 2018. Và đối với nhiều người, hình ảnh này đã trở thành một biểu tượng phản ánh chính sách di cư của chính quyền Tổng thống Trump khiến nhiều trẻ em và cha mẹ bị chia cắt ở cửa khẩu biên giới nước Mỹ.
Bức ảnh cô bé Honduras đang khóc và bìa tạp chí số tháng 6/2018 của tạp chí Time. Ảnh: Getty Images, TIME Magazine cover
Kết thúc tranh luận, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy bày tỏ sự tin tưởng, ông Trump "sẽ vẫn là tổng thống khi quá trình luận tội kết thúc".
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff đại diện cho Đảng Dân chủ phát biểu kết luận, một lần nữa khẳng định ủng hộ luận tội tổng thống.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff . Ảnh: Getty Images.
Trong cả quá trình Adam Schiff phát biểu, các Hạ nghị sĩ Cộng hòa liên tục thốt ra những lời cảm thán đầy bất mãn, trong khi những thành viên Dân chủ thì dành cho ông những tràng pháo tay lớn.
Tại đây, cuộc thảo luận về các điều khoản luận tội hoàn tất, các nghị sĩ đã tiến hành bỏ phiếu.
Toàn bộ thành viên Cộng hòa đứng về phe ông Trump, nhưng không phải tất cả các thành viên Dân chủ đều ủng hộ luận tội
Việc bỏ phiếu hai điều khoản luận tội ông Trump được tiến hành riêng.
Điều khoản luận tội đầu tiên cáo buộc ông Trump lạm quyền nhằm gây áp lực buộc chính quyền Ukraine điều tra đối thủ chính trị cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo kết quả bỏ phiếu được công bố, có 230 nhà lập pháp tại Hạ viện đã bỏ phiếu đồng thuận buộc tội ông Trump lạm quyền, trong khi có 197 nhà lập pháp phản đối và một nhà lập pháp bỏ phiếu trắng.
Điều khoản thứ 2 cáo buộc ông Trump cản trở Quốc hội làm việc bằng cách chỉ đạo các quan chức và cơ quan chính phủ không tuân theo trát tòa yêu cầu cung cấp lời khai cùng các tài liệu liên quan đến luận tội. Với tội danh này, kết quả ghi nhận 229 phiếu đồng thuận, 198 phếu chống và một phiếu trắng.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi công bố kết quả bỏ phiếu luận tội tổng thống tại Hạ viện tối ngày 18/12. Ảnh: AFP
Trong lượt bỏ phiếu đầu tiên cho tội lạm quyền, có hai Hạ nghị sĩ Dân chủ đã bỏ phiếu chống lại cáo buộc ông Trump là Jeff van Drew từ bang New Jersey, người dự kiến sẽ sớm gia nhập Đảng Cộng hòa, và Collin Peterson từ bang Minnesota.
Vào thời điểm cuối tháng 10, họ cũng là những thành viên Dân chủ duy nhất bỏ phiếu chống lại tiến trình điều tra luận tội nhà lãnh đạo Mỹ.
Với lượt bỏ phiếu thứ hai cho tội cản trở quốc hội, ba thành viên của Đảng Dân chủ đã bỏ phiếu chống. Ngoài hai người đã đứng về phe ông Trump ở lượt bỏ phiếu điều khoản đầu tiên còn có thêm Hạ nghị sĩ Jared Golden từ bang Maine.
Trong cả hai lượt bỏ phiếu, Hạ nghị sĩ Dân chủ Tulsi Gabbard từ tiểu bang Hawaii là người đã bỏ phiếu trắng.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Tulsi Gabbard. Ảnh: The Washington Post.
“Với lương tâm, tôi không thể bỏ phiếu chống lại luận tội vì tôi cho rằng, Tổng thống Trump đã làm sai và có tội. Tôi cũng không thể bỏ phiếu ủng hộ luận tội bởi vì việc phế truất tổng thống đương nhiệm không được phép là đỉnh điểm của quá trình chia bè kéo phái, thúc đẩy bởi mối thù hằn giữa các đảng, chia rẽ đất nước chúng ta”, bà Gabbard giải thích cho quyết định của mình.
"Tự sát chính trị"
Theo kế hoạch, ông Trump được sắp xếp trò chuyện với những cử trị ủng hộ mình ở Michigan vào ngày diễn ra phiên họp luận tội tại Hạ viện.
Lịch trình chi tiết của Nhà Trắng cho thấy, nhà lãnh đạo Mỹ đáng lẽ phải xuất hiện tại buổi gặp gỡ vào lúc 19:00, tuy nhiên lịch trình đã bị trì hoãn khoảng một giờ. Do đó, ông Trump xuất hiện gần như cùng lúc khi các cuộc bỏ phiếu bắt đầu.
Ông Trump tại buổi gặp gỡ cử tri ủng hộ mình tại Michigan vào hôm 28/12. Ảnh: AFP.
Trước đó, Hogan Gidley, Phó phát ngôn viên của Nhà Trắng, nói với các phóng viên rằng, trước tiên, tổng thống sẽ có bài phát biểu chúc mừng Giáng sinh kéo dài khoảng 30 phút, chiếm 1/ 3 thời lượng toàn bộ bài phát biểu, do đó tổng thống sẽ diễn thuyết trong vòng 1 tiếng rưỡi
Thực tế, ông Trump đã bắt đầu bài phát biểu của mình với các chủ đề trừu tượng, nhưng gần như ngay lập tức sau khi Hạ viện phê chuẩn điều khoản luận tội đầu tiên, ông cũng chuyển hướng theo. Cuối cùng, bài phát biểu kéo dài hơn hai giờ.
Trong màn diễn thuyết tại Michigan, ông Trump gọi cuộc bỏ phiếu là một vụ “tự sát chính trị của Đảng Dân chủ". Người đứng đầu chính quyền Washington cáo buộc đảng Dân chủ là những người phá hoại nền dân chủ nước Mỹ và mang lại "nỗi đau và khổ cực chỉ vì lợi ích cá nhân và lợi ích riêng của đảng phái chính trị".
Theo ông, những người ủng hộ cách chức ông đồng nghĩa với việc "công khai bày tỏ lòng căm thù sâu sắc đối với cử tri Mỹ" và tìm cách hủy bỏ kết quả của cuộc bầu cử năm 2016.
Ông Trump tuyên bố, đảng Dân chủ sẽ bị trừng phạt trong cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2020, vì cử tri Mỹ sẽ quay lưng lại với họ. Ông Trump tin chắc rằng, "hàng chục triệu người Mỹ sẽ xuất hiện tại các trạm bỏ phiếu" để loại bỏ Pelosi và các thành viên đảng Dân chủ ra khỏi vị trí đương nhiệm.
Ông Trump tại Michigan hôm 18/12. Ảnh: Getty Images.
Tổng thống tin chắc rằng, ông là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên trong lịch sử dính đến các thủ tục luận tội mà hoàn toàn không có cơ sở. Ông Trump cũng bày tỏ, ông không hề lo lắng về tương lai, vì ông tự tin vào sự trong sạch của chính mình.
Về phía mình, Nhà Trắng đã gọi những gì đang xảy ra là một trong những tập phim chính trị đáng xấu hổ nhất trong lịch sử của đất nước.
"Tổng thống tin tưởng rằng, Thượng viện sẽ khôi phục lại các thủ tục tố tụng, công lý và pháp lý, đã bị bỏ qua trong quá trình tại Hạ viện. Tổng thống đã sẵn sàng cho các bước tiếp theo và tin tưởng rằng ông sẽ hoàn toàn trắng án", cơ quan dịch vụ báo chí Nhà Trắng tuyên bố.
Quá trình ở Thượng viện
Theo hiến pháp Mỹ, sau khi được Hạ viện phê chuẩn, bản cáo trạng buộc tội ông Trump sẽ được chuyển đến Thượng viện, nơi các thủ tục sẽ biến thành một phiên tòa. Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ sẽ là chủ tọa phiên tòa này. Hạ viện sẽ đóng vai trò công tố viên, và các thượng nghị sĩ thực hiện các chức năng của bồi thẩm đoàn.
Trước khi phiên họp luận tội ngày 18/12 diễn ra, người ta cho rằng, Hạ viện sẽ xác định luôn tên tuổi của những nhà lập pháp sẽ đóng vai trò công tố viên trong phiên tòa tại Thượng viện. Thời gian chuyển cáo trạng lên Thượng viện được cho là cũng sẽ được quyết định ngay tại phiên họp.
Tuy nhiên, phiên họp tại Hạ viện được tuyên bố kết thúc ngay khi công bố kết quả bỏ phiếu.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (ở giữa) thảo luận cùng Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Richard Neal và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff (từ trái sang) tại phiên họp. Ảnh: AP.
Tại cuộc họp báo sau đó, bà Pelosi giải thích, Đảng Dân chủ không thể chỉ định các công tố viên và gửi cáo trạng luận tội cho đến khi họ biết được, “quá trình ở Thượng viện sẽ diễn ra như thế nào”.
Theo các quy định, một cuộc bỏ phiếu về những quyết định liên quan đến đại diện công tố và thời gian gửi cáo trạng đến Thượng viện có thể diễn ra bất cứ lúc nào theo chủ kiến của Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jerry Nadler hoặc đại diện của ông, nhưng vào thứ Năm (19/12), Hạ viện sẽ hoàn thành công việc trong năm nay và nghỉ lễ Giáng sinh. Các nhà lập pháp sẽ chỉ trở lại làm việc vào ngày 7/1/2020.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jerry Nadler. Ảnh: AP.
Đồng thời, việc không có khung thời gian cụ thể phải đưa ra quyết định cho phép Đảng Dân chủ hoãn việc chuyển cáo trạng lên Thượng viện cho đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Nếu trường hợp này xảy ra, ông Trump có nguy cơ cao bị tước mất cơ hội được tha bổng tại Thượng viện. Theo truyền thông Mỹ, Đảng Dân chủ tại Hạ viện đang dùng thời gian để gây áp lực lên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện.
Hiến pháp Mỹ quy định, để tổng thống bị kết tội và cách chức, cần ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận (ít nhất là 67/100). Trong khi đó, đảng Cộng hòa đang giữ 53/100 ghế tại Thượng viện Mỹ. Điều này có nghĩa là, ông Trump sẽ chỉ bị kết tội trong trường hợp có ít nhất 20 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đứng về phe Dân chủ. Khả năng này gần như là không thể xảy ra.
Mọi chuyện bắt đầu từ đâu?
Hạ viện tuyên bố bắt đầu thủ tục luận tội vào ngày 24/9. Lý do được đưa ra là ông Trump đã gây áp lực lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc điện đàm vào tháng 7/2019 để Kiev giúp người đứng đầu chính quyền Washington tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2020.
Andrew Johnson, Donald Trump, Bill Clinton - ba vị tổng thổng bị luận tội chính thức trong lịch sử Mỹ. Ảnh: Our Human Family.
Cho đến nay, Hạ viện, trong khuôn khổ luận tội, mới chỉ có hai lần có thể phê chuẩn cáo buộc chống lại nguyên thủ quốc gia đương nhiệm. Những vị tổng thống này là Andrew Johnson (năm 1868) và Bill Clinton (năm 1998-1999). Cả hai sau đó đều được Thượng viện của Quốc hội tha bổng.
Liên quan đến một nhà lãnh đạo Mỹ khác, cựu Tổng thống Richard Nixon vướng vào một cuộc luận tội khởi xướng vào năm 1974, nhưng ông đã từ chức trước khi diễn ra bỏ phiếu phê chuẩn ở Hạ viện.