Nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ tại Ukraine nói với các ủy ban của quốc hội Mỹ hôm 22/10 rằng Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tìm cách dàn xếp hội nghị thượng đỉnh và viện trợ quân sự cho Ukraine với điều kiện Kiev phải điều tra các đối thủ chính trị của ông, theo Guardian.
Phát biểu của ông William "Bill" Taylor, Đại sứ Mỹ tại Ukraine giai đoạn 2006-2009 và hiện là đại biện tại Kiev, là diễn biến mới nhất trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump.
Quan hệ Mỹ - Ukraine suy yếu bởi kênh phi chính thức
Cuộc điều tra do Hạ viện khởi xướng xuất phát từ cáo buộc rằng ông Trump đã lạm dụng quyền lực tổng thống và tìm kiếm sự trợ giúp của chính phủ nước ngoài cho mục đích cá nhân.
Phát biểu mở đầu tại phiên điều trần kín ở Điện Capitol, ông Taylor nói ông lo lắng "quan hệ giữa chúng ta với Ukraine đang bị làm suy yếu một cách cơ bản bởi một kênh phi chính thức bất thường trong hoạch định chính sách Mỹ, và bởi việc trì hoãn viện trợ an ninh mang tính sống còn vì nguyên nhân chính trị nội bộ".
Nhà ngoại giao nói kênh bất thường này do ông Trump điều khiển thông qua một số "phái viên": luật sư riêng Rudy Giuliani, Bộ trưởng Năng lượng sắp từ nhiệm Rick Perry, Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu Gordon Sondland, và đặc phái viên về Ukraine Kurt Volker.
Họ tập trung vào duy nhất một việc là thuyết phục tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố các cuộc điều tra có thể làm tổn hại đảng Dân chủ ở Mỹ, đặc biệt là ông Joe Biden, cựu phó tổng thống Mỹ đồng thời là người nhiều khả năng trở thành đối thủ cuối cùng của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Các thành viên đảng Dân chủ đã tuyên bố đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho đến nay về việc ông Trump đã lạm dụng quyền lực tổng thống trong vụ Ukraine.
Đại sứ Mỹ tại EU đã nói dối?
"Các bạn có thể thấy điều này tai hại như thế nào", Hạ nghị sĩ Dân chủ Dina Titus, bang Nevada, nói với AP. "Điều này chắc chắn cho thấy rõ chuyện gì đã xảy ra. Đó là một cuộc đổi chác".
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham ra tuyên bố lên án các cuộc điều trần ở Hạ viện là "chiến dịch phối hợp bôi nhọ của các nhà lập pháp cực tả và các công chức thất cử cực đoan muốn gây chiến với hiến pháp", khẳng định "không có cuộc đổi chác nào".
Lời khai của ông Taylor đã mở ra mặt trận mới trong cuộc điều tra luận tội tổng thống Mỹ và đặt ra nghi vấn đối với lời khai của ông Sondland, Đại sứ Mỹ tại EU.
Tuần trước, ông Sondland nói trước quốc hội rằng ông không nhớ chi tiết vụ việc.
Tuy nhiên, ông Taylor khẳng định ông Sondland, doanh nhân giàu có đã quyên góp 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của Tổng thống Trump, đã biết về các đòi hỏi của tổng thống và sau đó thừa nhận ông đã sai khi nói với Ukraine rằng viện trợ quân sự không phụ thuộc vào chuyện làm theo yêu cầu của ông Trump.
Ông Taylor được bổ nhiệm điều hành sứ quán Mỹ ở Kiev hồi tháng 6 khi ông đang giữ chức phó chủ tịch Viện Hòa bình Mỹ, tổ chức tư vấn chính sách do quốc hội Mỹ tài trợ.
Khi đó, Tổng thống Trump đột ngột triệu hồi Đại sứ Maria Yovanovitch về nước.
Các nhà lập pháp Mỹ cho rằng lời khai của nhà ngoại giao kỳ cựu là đáng tin và nhất quán, sau khi ông khiến toàn bộ khán phòng chìm vào im lặng trong phiên điều trần kéo dài hàng giờ với các câu hỏi từ các nghị sĩ Dân chủ lẫn Cộng hòa.