"Tổng thống Trump muốn có một phiên điều trần tại Thượng viện, bởi vì rõ ràng đây là ngôi nhà duy nhất mà ông có thể tin tưởng vào công lý và thủ tục tố tụng trong khuôn khổ hiến pháp", Reuters dẫn lời ông Gidley.
"Chúng tôi hy vọng cuối cùng sẽ nghe thấy các nhân chứng lên tiếng ở đó, những người thực sự là nhân chứng và có thể đã tham gia vào kế hoạch tham nhũng này, chẳng hạn như Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Hunter Biden (con trai ông Joe Biden) và nhân vật được gọi là người cung cấp thông tin (người đã tiết lộ những nghi ngờ về nội dung cuộc trò chuyện qua điện thoại vào tháng 7 giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - PV)”, ông Hogan Gidley nhấn mạnh.
Luận tội, theo Hiến pháp Mỹ, được dùng đến để chính thức truy tố một viên chức dân sự của chính phủ, bao gồm cả tổng thống, vì những hành động phạm pháp thực hiện trong khi đang tại chức.
Theo Hiến pháp, Tổng thống, Phó tổng thống, và các viên chức dân sự khác của Mỹ sẽ bị phế truất dựa trên luận tội nếu bị kết án là phản quốc, hối lộ hay các tội nặng nhẹ khác.
Hạ viện là nơi duy nhất có quyền luận tội, trong khi đó Thượng viện Mỹ là nơi duy nhất có quyền xét xử tất cả những vụ luận tội.
Tại Thượng viện, các thủ tục luận tội sẽ chuyển thành một vụ kiện. Hạ viện khi đó sẽ đóng vai trò là công tố, và các thượng nghị sĩ đóng vai trò là thành viên của bồi thẩm đoàn.
Việc truất phế các viên chức bị luận tội là tự động, nếu bị xét xử là có tội tại Thượng viện. Việc kết án cần ít nhất hai phần ba số phiếu đồng thuận của thượng nghị sĩ (khoảng 67 phiếu).
Vì lý do này, với thành phần hiện tại của Thượng viện, xác suất bỏ phiếu ủng hộ luận tội hầu như bằng không. Kể từ đầu năm nay, đảng Cộng hòa (dựa trên kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2018) chiếm 53/100 ghế tại Thượng viện của Quốc hội Mỹ.