Trao đổi với ĐTCK, luật sư Bùi Thị Mai, Công ty Luật Basico cho rằng, thời hạn tố tụng hiện nay được quy định khá dài, trong đó có nhiều điểm mờ mà trên thực tế, thẩm phán có thể tùy ý quyết định, chẳng hạn như khoảng thời gian giữa những lần triệu tập đương sự lên làm việc.
Khi thảo luận về Bộ luật Tố dụng dân sự tại nghị trường, có đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, với quy định pháp luật hiện hành, nếu muốn một bên đương sự có thể kéo dài vụ án cả 10 năm. Luật sư nghĩ sao về điều này?
Việc một vụ án kéo dài tới 10 năm, thậm chí dài hơn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Một vụ án dân sự trải qua rất nhiều giai đoạn, từ khi đương sự nộp đơn khởi kiện, giai đoạn chuẩn bị xét xử, rồi đến giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm, có vụ án phải trải qua cả thủ tục giám đốc thẩm. Với mỗi giai đoạn, pháp luật đều có quy định thời hạn, nhưng trong một vụ án có rất nhiều trường hợp có thể phát sinh.
Chẳng hạn từ việc nộp đơn khởi kiện rồi phải bổ sung đơn, lấy lời khai nhiều lần, hòa giải, đến khi ra xét xử sơ thẩm thì lại phải hoãn phiên tòa nhiều lần do vắng mặt đương sự, luật sư, người làm chứng…
Có những vụ án theo quyết định của tòa án cấp phúc thẩm thì bị chuyển hồ sơ cho tòa cấp sơ thẩm để giải quyết lại… Do đó, để ra được bản án có hiệu lực, có những trường hợp phải mất cả chục năm.
Có nhiều vụ án kinh tế cả hình sự lẫn dân sự đều bị kéo dài khiến những bên có liên quan rất bức xúc. Xin hỏi luật sư, quy định về các thời hạn trong tố tụng dân sự và hình sự cụ thể ra sao?
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, thời hạn từ khi nộp đơn khởi kiện đến khi tòa án thụ lý là khoảng hơn 20 ngày. Sau đó là giai đoạn chuẩn bị xét xử, đối với các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình là 4 tháng, với vụ án kinh doanh thương mại, lao động là 2 tháng, chưa kể có thể gia hạn. Đối với giai đoạn xét xử sơ thẩm, mỗi lần hoãn phiên tòa có thời hạn là 1 tháng và có thể hoãn nhiều lần do sự vắng mặt của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Vì vậy, thời hạn trung bình với giai đoạn sơ thẩm là khoảng 6 - 10 tháng. Giai đoạn phúc thẩm cũng tương tự sơ thẩm, từ khi kháng cáo, kháng nghị, đến khi ra bản án phúc thẩm ít nhất cũng phải 6 tháng, chưa kể đến việc xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Đối với tố tụng hình sự, sau khi khi khởi tố vụ án thì phải trải qua giai đoạn điều tra từ 2 - 4 tháng, chưa kể có thể gia hạn 2 lần với thời hạn dài nhất là mỗi lần 4 tháng.
Thời hạn truy tố, chuẩn bị xét xử trung bình khoảng 2 - 4 tháng. Như vậy, nếu tổng hợp lại thì từ khi khởi tố vụ án đến khi mở phiên tòa sơ thẩm kéo dài khoảng 6 - 10 tháng, sau đó là phúc thẩm, giám đốc thẩm, cũng tương tự như tố tụng dân sự.
Mặc dù quy định tố tụng về thời hạn giải quyết vụ án là rõ ràng, nhưng nhiều vụ án dân sự thường xuyên bị hoãn vì rất nhiều lý do không có trong luật như là hội thẩm nhân dân bị kẹt xe, luật sư mới tham gia vụ án xin hoãn phiên tòa, thư ký bận phiên tòa khác… Luật sư nghĩ sao về các trường hợp hoãn phiên tòa này?
Không phải đối tượng nào vắng mặt thì cũng dẫn tới hoãn phiên tòa. Nếu theo đúng quy định thì việc hoãn phiên tòa chỉ đặt ra nếu vắng mặt nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, luật sư, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, kiểm sát viên. Tuy nhiên, chỉ cần lần lượt những người này xin hoãn phiên tòa thì đã dẫn tới phiên tòa bị hoãn nhiều lần.
Còn đối với những trường hợp hoãn phiên tòa khác nếu không đúng quy định của pháp luật thì sẽ đặt ra trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng.
Trên thực tế, không ít vụ việc, một bên đương sự cố tình kéo dài thời gian xét xử. Theo luật sư, cách thức để kéo dài vụ án ở đây là gì và có cách nào để “hóa giải”?
Như đã nói, một phiên tòa có thể bị hoãn nhiều lần khi đương sự vắng mặt. Chẳng hạn, vụ án có nhiều nguyên đơn, mỗi nguyên đơn lại thuê nhiều luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì chỉ cần mỗi người xin hoãn phiên tòa một lần là thời hạn hoãn có thể kéo dài liên miên, việc xét xử không biết bao giờ mới xong.
Đây là thực trạng xuất phát từ quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, vì vậy, cần sửa đổi quy định thì mới mong tình trạng này được cải thiện.
Theo luật sư, các quy định về thời hạn tố tụng có gì còn bất cập cần sửa đổi hoặc hướng dẫn cụ thể hơn?
Thời hạn tố tụng hiện nay được quy định khá dài, trong đó có nhiều điểm mờ mà trên thực tế, thẩm phán có thể tùy ý quyết định, chẳng hạn như khoảng thời gian giữa những lần triệu tập đương sự lên làm việc, lấy lời khai, hòa giải…
Trong khi đó, chưa có chế tài cụ thể trong việc để kéo dài lê thê thời gian tố tụng. Vì vậy, pháp luật cần có sự sửa đổi theo hướng rút ngắn các thời hạn tố tụng. Ngoài ra, phải có chế tài cho thẩm phán và tòa án nếu để kéo dài việc giải quyết vụ án quá lâu, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.