Tổ chức bảo vệ nhà đầu tư, 10 năm lỗi hẹn

(ĐTCK) Sự nhập cuộc của đông đảo nhà đầu tư cá nhân đã góp phần tạo nên sự sôi động cho thị trường chứng khoán từ đầu tháng 4 tới nay. Để giữ chân những nhà đầu tư này ở lại thị trường cũng như thu hút thêm dòng vốn mới, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư một lần nữa lại được nhiều nhà đầu tư và chuyên gia đề cập.
Nhà đầu tư cá nhân là lực lượng đông đảo, có vai trò quan trọng trong góp sức cho sự phát triển của TTCK Việt Nam suốt 20 năm qua. Nhà đầu tư cá nhân là lực lượng đông đảo, có vai trò quan trọng trong góp sức cho sự phát triển của TTCK Việt Nam suốt 20 năm qua.

Nhà đầu tư cá nhân vẫn chịu nhiều rủi ro

Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), đến cuối tháng 5/2020, trong số hơn 2,49 triệu tài khoản chứng khoán được cấp thì nhà đầu tư cá nhân chiếm tới hơn 99%.

“Tuy là lực lượng đông đảo, có vai trò quan trọng trong góp sức cho sự phát triển của thị trường khoán Việt Nam trong suốt 20 năm qua, nhưng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, trong khi thiếu cơ chế, cũng như giải pháp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ. Khi xảy ra tranh chấp với công ty chứng khoán, nhà đầu tư  thường chịu thua thiệt…”, nhà đầu tư Trần Tiến Dũng (Hà Nội) quan ngại.

Ông Dũng cũng dẫn ra một ví dụ minh chứng cho rủi ro mà nhà đầu tư đang phải đối mặt, đó là dù cơ quan quản lý buộc công ty chứng khoán phải quản lý tách bạch tài khoản tiền, chứng khoán của nhà đầu tư với các loại tài khoản này của công ty chứng khoán, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng công ty chứng khoán lợi dụng sơ hở để tự ý sử dụng tiền, chứng khoán trong tài khoản của nhà đầu tư. Ðiều này dẫn đến rủi ro mất an toàn cho tài sản của nhà đầu tư.

Bảng xếp hạng Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư trên thế giới cho thấy, Việt Nam nằm ở thứ bậc thấp trong bảo vệ nhà đầu tư. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 89/190 quốc gia.   

Bảng xếp hạng Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư trên thế giới đã cho thấy, Việt Nam nằm ở thứ bậc thấp trong bảo vệ nhà đầu tư. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 89/190 quốc gia, trong khi năm 2018 ở thứ hạng 81, còn năm 2017 xếp hạng 87.

Những con số này cũng phần nào cho thấy việc bảo vệ nhà đầu tư ở Việt Nam dù có cải thiện nhưng còn chậm và thiếu bền vững, chưa đáp ứng được mong đợi của nhà đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán, những bài học về việc tài sản của nhà đầu tư không được bảo vệ thỏa đáng tại các công ty chứng khoán như Tràng An, Trường Sơn… vẫn còn nguyên giá trị.

Những phản ánh, cũng như con số nói trên đang khiến không ít nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài… e ngại khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một khi tình trạng này không có bước cải thiện rõ nét, thì nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi của Việt Nam sẽ còn khó dài dài. Ðương nhiên còn hệ lụy nữa là khó cải thiện tính hấp dẫn cho thị trường, cũng như niềm tin trong nhà đầu tư.

Tổ chức bảo vệ nhà đầu tư: 10 năm, 2 lần lỗi hẹn

Trước thực trạng bảo vệ nhà đầu tư còn không ít yếu kém như trên, ngay từ khi Luật Chứng khoán được sửa đổi lần đầu vào năm 2010, đại diện cho tiếng nói của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) bổ sung vào dự thảo Luật cơ chế cho phép thành lập Công ty Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Ðây là tổ chức vận hành Quỹ bảo vệ nhà đầu tư nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư trong các trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán bị giải thể, phá sản hoặc gặp khó khăn lớn về tài chính mà không có khả năng hoàn trả vốn và tài sản cho nhà đầu tư.

Ðể đưa ra đề xuất này, ngoài căn cứ vào yêu cầu thực tiễn ở Việt Nam, chuyên gia của VAFI đã nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của tổ chức này ở các thị trường chứng khoán Mỹ, Ðài Loan, Hồng Kong.

Theo đó, ở Hồng Kong, Công ty Ðền bù cho nhà đầu tư (ICC) được lập ra để quản lý Quỹ Bồi thường nhà đầu tư (ICF). Quỹ có nhiệm vụ bù đắp các thiệt hại về tài chính cho nhà đầu tư do các tổ chức kinh doanh chứng khoán bị phá sản hay vỡ nợ…

Ở thị trường Ðài Loan, Trung tâm Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (SFIPC) được thành lập và đại diện nhà đầu tư tham gia tranh tụng với công ty chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán, trung tâm thanh toán bù trừ.

SFIPC được trao các đặc quyền như quyền khởi kiện, tố tụng nhân danh nhà đầu tư khi được ủy quyền từ tối thiểu 20 nhà đầu tư có quyền lợi bị xâm phạm và quyền sử dụng Quỹ bảo vệ nhà đầu tư để chi trả thiệt hại khi các công ty chứng khoán gặp khó khăn về tài chính.

Còn tại Hoa Kỳ, Công ty Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (SIPC) là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập theo Luật Bảo vệ nhà đầu tư năm 1970 của nước này.

Nhiệm vụ chính của SIPC là hoàn trả chứng khoán, tiền hoặc các loại chứng khoán khác cho nhà đầu tư trong trường hợp công ty môi giới và kinh doanh chứng khoán bị phá sản, gặp khó khăn về tài chính, tài sản của nhà đầu tư bị mất.

Tuy nhiên, đề xuất trên đã bị bỏ qua khi Luật Chứng khoán sửa đổi được ban hành vào năm 2010.

Sau lần lỗi hẹn đầu tiên, theo luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAFI, người nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức bảo vệ nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán Mỹ, Ðài Loan, Hồng Kông cho biết, Hiệp hội tiếp tục đề xuất bổ sung cơ chế này vào lần sửa Luật Chứng khoán thứ 2 diễn ra trong năm 2019.

Theo ông Tuấn, ngay cả thị trường chứng khoán ở nhiều nước phát triển trên thế giới đã ra đời và hoạt động hàng trăm năm, khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán có tiềm lực tài chính mạnh vẫn cần sự tồn tại của công ty bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.

Tiếp thu đề xuất này, trong các bản dự thảo đầu của Luật Chứng khoán sửa đổi, Bộ Tài chính, UBCK đã bổ sung quy định về Quỹ bảo vệ nhà đầu tư.

Thế nhưng, một lần nữa, cơ chế này đã không được quy định trong Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2019 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021).

Liên quan đến nguyên nhân quy định về quỹ bảo vệ nhà đầu tư bị loại khỏi Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2019, đại diện UBCK cho biết, trong quá trình hoàn thiện dự thảo, bên cạnh những ý kiến đồng ý, nhiều quan điểm cho rằng dự thảo không nên quy định nhiều loại quỹ (dự thảo quy định 3 loại quỹ: quỹ hỗ trợ thanh toán, quỹ bù trừ, quỹ bảo vệ nhà đầu tư - PV), để tránh phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, cũng như đề phòng tiêu cực trong quản lý và vận hành quỹ.

Cuối cùng, khi Luật Chứng khoán được ban hành, thì quỹ bảo vệ nhà đầu tư đã không được đề cập, nhưng hai quỹ còn lại được mở đường thành lập.

Như vậy, sau 10 năm nêu ra câu chuyện với 2 lần sửa Luật Chứng khoán, mong ước về việc có một tổ chức đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp khi bị thiệt hại do tổ chức kinh doanh chứng khoán rơi vào phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, hoặc lạm dụng tài khoản tiền và chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân vẫn chỉ là… ước mong.

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ