Bảo vệ nhà đầu tư: Cần giải pháp thiết thực

(ĐTCK) Theo định hướng sửa Luật Chứng khoán lần này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết sẽ tập trung đưa ra nhiều quy định mới nhằm gia tăng tính hiệu quả trong việc bảo vệ nhà đầu tư. Liên quan đến nội dung này, các thành viên thị trường đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Bảo vệ nhà đầu tư: Cần giải pháp thiết thực

Hành lang bảo vệ gián tiếp

Theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp đầu năm 2019 và thông qua tại kỳ họp cuối năm này.

Chuyển động từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo cho thấy, sau khi UBCK, Bộ Tài chính thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật vào cuối quý I/2018, Dự thảo Luật đang trong quá trình hoàn thiện để chuẩn bị công khai lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các thành viên thị trường.

Lãnh đạo UBCK chia sẻ thông điệp rằng, trong lần sửa đổi này sẽ bổ sung hệ thống giải pháp nhằm gia tăng khả năng bảo vệ nhà đầu tư.

Theo đó, hàm ý của hệ thống giải pháp vệ nhà đầu tư cần được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ đơn thuần là những quy định mang tính trực diện trong bảo vệ nhà đầu tư khi đối mặt với những rủi ro, tranh chấp. Bởi chính việc giảm thiểu phát sinh những rủi ro, tranh chấp là cách để bảo vệ nhà đầu tư.

Với góc độ tiếp cận như vậy, có thể thấy nhiều nội dung sửa đổi Luật như: Hàng hóa trên thị trường chứng khoán; quản trị công ty; công bố thông tin trên thị trường chứng khoán; nhiệm vụ, quyền hạn của UBCK trong giám sát, thanh tra, kiểm tra, xác minh vi phạm... đều hướng tới gia tăng chất lượng hàng hóa, cũng như minh bạch thông tin, đặc biệt là nâng cao năng lực của cơ quan quản lý trong phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm. Do đó sẽ tạo ra bước chuyển mới trong bảo vệ nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo ghi nhận ý kiến từ thị trường, một số chuyên gia cho rằng, việc gia tăng các giải pháp bảo vệ nhà đầu tư mang tính gián tiếp như vậy là đương nhiên, nhưng chưa đủ.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, nói như vậy, gần như nội dung nào bổ sung vào Dự thảo Luật lần này cũng nhằm hướng đến bảo vệ nhà đầu tư.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là cần bổ sung những chế tài rõ ràng, mang tính khả thi để bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ trước các rủi ro pháp lý, các tranh chấp phát sinh. Tránh để vì thiếu vắng những quy định này mà nhà đầu tư phải chịu “thiệt đơn, thiệt kép” khi phát sinh và giải quyết tranh chấp với các pháp nhân là doanh nghiệp, tổ chức. 

Đừng bảo vệ… trên giấy

Liên quan đến chế tài mang tính bảo vệ nhà đầu tư trực diện, được biết, cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo mô hình quỹ bảo vệ nhà đầu tư, vốn đang được triển khai tại nhiều thị trường.

Trong khi một số ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định này là cần thiết, thì một số ý kiến khác nhấn mạnh, cần xem xét kỹ nếu không sẽ không đảm bảo tính khả thi và tính công bằng.

Trên thực tế đã có tình trạng cơ chế bảo vệ nhà đầu tư chỉ tồn tại… trên giấy. Cụ thể, Luật Chứng khoán hiện hành quy định: Công ty chứng khoán có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty, hoặc trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty… Tuy nhiên, đến nay quy định này vẫn chỉ nằm trên giấy vì không khả thi.

Tìm hiểu từ phía các công ty chứng khoán cho thấy, họ không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh do nguyên tắc hoạt động tại các doanh nghiệp này là trách nhiệm gắn với cá nhân, ai sai người đó phải đền bù thiệt hại cho khách hàng.

“Mặt khác, vì cầu không có nên đến nay không còn công ty bảo hiểm nào cung cấp sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang niêm yết cho hay.

Ngoài ra, cũng vì “luật bất thành văn” là cán bộ quản lý, nhân viên tại công ty chứng khoán, ai sai phạm thì phải chịu trách nhiệm trước công ty và khách hàng, nên các công ty không lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty. Chưa kể, nội dung quy định về trích lập quỹ này còn chưa cụ thể, dẫn đến công ty chứng khoán gặp khó với cơ quan thuế nếu trích lập…

Bên cạnh đó, liên quan đến ý tưởng hình thành quỹ bảo vệ nhà đầu tư mang tính bao trùm toàn thị trường như kinh nghiệm nhiều nước, một số ý kiến nhận định điều này không khả thi, bởi những công ty chứng khoán hoạt động nghiêm túc không chấp nhận đóng tiền vào quỹ để đi xử lý sai phạm xảy ra ở những công ty có tính tuân thủ kém, thậm chí cố tình vi phạm để trục lợi.

Hơn nữa, ai là người đứng ra “cân đo” mức độ thiệt hại của nhà đầu tư để đảm bảo tính khách quan, tin cậy, làm cơ sở cho hoạt động đền bù. Đầu mối nào quản lý, vận hành quỹ này để đảm bảo an toàn, kịp thời bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư…?

Đây là những câu hỏi mà UBCK, Bộ Tài chính cần giải đáp thấu đáo nếu muốn bổ sung quy định mới về quỹ bảo vệ nhà đầu tư vào Dự thảo Luật để tránh lặp lại tình trạng quy định chỉ có hiệu lực trên giấy như hiện tại.

Muốn thị trường chứng khoán phát triển, cần củng cố niềm tin của giới đầu tư

Với đặc trưng của một thị trường tồn tại và phát triển dựa vào niềm tin, để tạo sức hút mới đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới, việc sửa Luật Chứng khoán nói riêng, hệ thống pháp luật có liên quan đến lĩnh vực chứng khoán nói chung cần bổ sung những quy định mới nhằm gia tăng niềm tin đối với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.

Một khi nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm về hệ thống quy định pháp lý bảo vệ họ, cùng với đó là việc kiến nghị khắc phục tình trạng này nhưng không được đáp ứng, thì hệ quả nhãn tiền là nguy cơ nhà đầu tư rút vốn ra khỏi thị trường. 

Lâu nay chúng ta tìm nhiều cách để thu hút các dòng vốn, hấp dẫn nhà đầu tư tham gia thị trường, nhưng các giải pháp để giữ chân và hút thêm dòng vốn lại chưa tương xứng, chưa mang lại hiệu quả sắc nét và vững bền. Một khi việc làm mới hệ thống pháp lý hướng tới sự tôn trọng và bảo vệ nhà đầu tư hiệu quả hơn, thì sẽ vừa giúp gia tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán, vừa giúp thị trường sôi động.

Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)

Sai phạm trên thị trường chứng khoán cần được quy trách nhiệm cụ thể cho tổ chức, cá nhân

 Cần thêm biện pháp để bảo vệ nhà đầu tư khi sửa đổi Luật Chứng khoán lần này. Tuy nhiên, việc thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng, để tránh “vẽ” ra quy định rồi không khả thi. Không khéo lại khiến quy định pháp lý thêm rườm rà, làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Không thể bắt những công ty chứng khoán hoạt động minh bạch, tuân thủ pháp luật phải đóng góp vào quỹ để đi sửa sai cho những công ty chứng khoán làm ăn chộp giật dẫn đến sai phạm. 

Bên cạnh đó, sai phạm trên thị trường chứng khoán cần được quy trách nhiệm cụ thể cho tổ chức, cá nhân và họ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật (đảm bảo tính răn đe) cho những hành vi vi phạm dẫn đến gây thiệt hại cho nhà đầu tư, không thể lấy tiền từ quỹ để xử lý sai phạm của những đối tượng này.

Thực tế, dù là giải pháp bảo vệ nhà đầu tư gián tiếp hay trực tiếp, thì một vấn đề có tính quyết định là nhà quản lý, các thành viên thị trường cần nâng cao tính minh bạch, công khai, công bằng của thị trường, từ đó giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro nhờ minh bạch thông tin, cải thiện khả năng tiên lượng được rủi ro trên thị trường.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục