Tinh thần và văn minh Việt của Cách mạng Tháng Tám

0:00 / 0:00
0:00
Với thành công mang những giá trị đa tầng, Cách mạng Tháng Tám đã ngời sáng lên tinh thần Việt Nam và văn minh Việt Nam trước thế giới.
Mít-tinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: TTXVN. Mít-tinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: TTXVN.

Vừa mang tính chất của cách mạng giải phóng dân tộc (chống đế quốc xâm lược), vừa là cách mạng xã hội (xóa bỏ chế độ cũ xây dựng xã hội mới), vừa mang ý nghĩa của cuộc chiến đấu chống kẻ thù của nhân loại là chủ nghĩa phát xít, với thành công mang những giá trị đa tầng như vậy, Cách mạng Tháng Tám đã ngời sáng lên tinh thần Việt Nam và văn minh Việt Nam trước thế giới.

Tinh thần Việt

Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thành công là kết quả của một quá trình vận động cách mạng lâu dài. Khởi đầu một cách có tổ chức, tiến hành theo một đường lối rõ ràng, đúng đắn, quá trình vận động của cuộc cách mạng giành độc lập, tự do ấy chỉ thực sự được tiến hành từ sau khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, do Hồ Chí Minh sáng lập vào năm 1930.

Đó chính là quá trình mà Hồ Chí Minh và Đảng ta, trong điều kiện lịch sử mới của dân tộc và nhân loại, với đường lối, chính sách và tổ chức mới phù hợp, đã khởi động lại một cách mạnh mẽ động lực tinh thần độc lập, tự do của dân tộc để tiến tới giành thắng lợi với Cách mạng Tháng Tám.

Tinh thần độc lập, tự do của dân tộc ta đã được tích lũy trong hàng ngàn năm xây dựng một quốc gia độc lập, rồi 10 thế kỷ chiến đấu để hồi sinh nền độc lập ấy với sự ra đời của nhà nước độc lập Đại Cồ Việt. Tinh thần ấy lại hấp thụ thêm nhiều năng lượng mới rất mạnh mẽ khi dân tộc ta đi dọc theo thiên niên kỷ thứ hai trong cuộc đấu tranh để khẳng định và bảo vệ không gian sinh tồn của mình, từ nước Đại Việt tới nước Việt Nam và biểu thị qua Tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà” trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống đến “Bình Ngô đại cáo” - Tuyên ngôn độc lập của dân tộc ta sau cuộc khởi nghĩa chống lại sự thống trị của nhà Minh thắng lợi...

Toàn bộ năng lượng của tinh thần độc lập, tự do của dân tộc được hun đúc trong tiến trình lịch sử lâu dài đó đã được hội tụ lại trong quá trình của cuộc vận động giải phóng dân tộc (từ năm 1930 đến 1945) và bùng nổ thành cuộc cách mạng bao hàm nhiều sự giải phóng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Nổ ra trong điều kiện lịch sử đó, Cách mạng Tháng Tám là kết quả trực tiếp của quá trình vận động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đồng thời cũng là thành quả của cả quá trình lịch sử tranh đấu anh dũng của nhân dân ta trong tiến trình dựng nước và giữ nước.

Do đó, Cách mạng Tháng Tám không chỉ biểu thị trực tiếp tinh thần đấu tranh của dân tộc ta vì quyền độc lập dân tộc và tự do cho con người Việt Nam trong điều kiện lịch sử mới, mà còn chứa đựng toàn bộ tinh thần của dân tộc Việt Nam trong tiến trình bảo vệ sự sinh tồn và phát triển của mình trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Năng lượng tinh thần trong hàng ngàn năm đó của dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nén lại với xác định “quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy” và được Đảng ta thể hiện qua khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”. Với những giá trị chung đó, toàn dân ta, không phân biệt giai tầng, tín ngưỡng, dân tộc... đã đoàn kết triệu người như một xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong Mặt trận Việt Minh để làm nên thắng lợi nhanh chóng và rất oanh liệt của Cách mạng Tháng Tám.

Trong điều kiện cực kỳ hiểm nghèo của đất nước với thù trong, giặc ngoài, tinh thần đó lại là nhân tố thống nhất dân tộc trong cuộc tranh đấu bảo vệ thắng lợi các thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Phải nói rằng, đến thời điểm lịch sử tháng Tám năm 1945, mặc dù nghèo đói và tay không, nhưng với tinh thần vì độc lập, tự do được phát huy tới cao độ, dân tộc Việt Nam đã vùng lên với sức mạnh không gì ngăn cản nổi và làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

Tinh thần của khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết” của Cách mạng Tháng Tám lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định khi toàn dân ta bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp khi Người nói: “Trong giờ phút nghiêm trọng, một mất một còn, quốc gia dân tộc phải đứng ở trên hết mọi sự”. Bởi vậy, toàn dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã dẫn tới một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất ngày nay.

Tất cả tinh thần vì quyền của dân tộc và con người Việt Nam lại được hội tụ vào tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của nhà nước mới ở nước ta - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau này. Là kết quả của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, tiêu chí đó đã bừng sáng để khẳng định sự bất tử của tinh thần Việt trước thế giới.

Văn minh Việt

Không chỉ làm sáng tỏ tinh thần Việt với mục tiêu độc lập, tự do, Cách mạng Tháng Tám còn thể hiện rõ văn minh Việt trong tiến trình vận động và thực hiện mục tiêu đó trước văn minh nhân loại.

Trong tiến trình vận động của Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, dân tộc Việt Nam đã kiên cường, không sợ hy sinh đứng về phe dân chủ để chống lại chủ nghĩa phát xít tàn bạo; nhân dân Việt Nam cũng anh dũng đứng lên chống chế độ áp bức, bóc lột dân tộc gần 100 năm của chủ nghĩa thực dân đã đầu hàng chủ nghĩa phát xít và đánh đổ chế độ quân chủ phong kiến mấy mươi thế kỷ đã suy đồi, lạc hậu, cản trở sự phát triển của đất nước và đầu hàng giặc ngoại xâm để lập nên nước Việt Nam mới.

Là kết quả của Cách mạng Tháng Tám, sự ra đời của nhà nước mới tiến bộ ở nước ta lại được tổ chức theo chế độ dân chủ cộng hòa, một kiểu tổ chức xã hội hiện đại, văn minh, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và sự tiến hóa trong tổ chức xã hội của loài người. Trên ý nghĩa đó, sự ra đời nhà nước dân chủ mới ở nước ta, thành quả của Cách mạng Tháng Tám là thể hiện văn minh chính trị của dân tộc Việt Nam trước văn minh của nhân loại và thời đại.

Như thế, từ trong tiến trình vận động và kết quả đạt được, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta không chỉ có ý nghĩa đơn thuần là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, mà còn mang trong đó tính chất chính nghĩa và tiến bộ của một cuộc cách mạng đứng về phía văn minh, nhân danh văn minh để giành độc lập, tự do cho con người Việt Nam khỏi bạo tàn của những biến thể cản trở sự phát triển của dân tộc và loài người là chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa thực dân, chế độ phong kiến suy tàn, lạc hậu và tiến tới xây dựng xã hội văn minh nhằm mưu cầu lợi ích đúng đắn cho dân tộc và con người Việt Nam, góp phần vào sự tiến hóa của nhân loại.

Vì dân tộc, vì nhân loại, vì sự tiến bộ của dân tộc và loài người - những nội dung đó đã nói lên sự vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và đó cũng là những nguyên nhân thắng lợi nhanh chóng cuộc cách mạng này. Đứng về phía văn minh, nhân danh văn minh, hướng tới và thực hiện văn minh đã ngời sáng lên giá trị văn minh Việt của Cách mạng Tháng Tám. Với văn minh Việt của Cách mạng Tháng Tám, dân tộc Việt Nam hòa vào dòng tiến hóa văn minh của loài người.

Văn minh Việt của Cách mạng Tháng Tám còn thể hiện qua thực tế diễn biến của một cuộc cách mạng hòa bình. Là cuộc cách mạng xóa bỏ chế độ cũ, lỗi thời, nhưng được thực hiện chủ yếu bằng sự biểu dương ý chí và tinh thần vì độc lập, tự do của toàn dân. Không có nội chiến đẫm máu trong quá trình thực hiện, quyền lực nhà nước được chuyển giao trong hòa bình, không sự trả thù sau cuộc cách mạng đặc biệt có nhiều ý nghĩa này.

Những người tài đức muốn đóng góp vào độc lập dân tộc, tự do của nhân dân, dù là của chế độ cũ, đều được trân trọng mời tham gia bộ máy nhà nước với vị trí cao và phù hợp trong chế độ mới. Nhà vua Bảo Đại tự thoái vị và tự nguyện làm một công dân của nước tự do được mời làm cố vấn tối cao. Cụ Bùi Kỷ, Bùi Bằng Đoàn... và những nhân sĩ, trí thức trong nước như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố... đều có vị trí được trân trọng trong nhà nước đoàn kết dân tộc đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Không có cuộc cách mạng nào trên thế giới diễn ra hòa bình như vậy. Văn minh Việt biểu thị qua Cách mạng Tháng Tám không chỉ ở mục tiêu, mà còn trong hành động thực hiện ở cả trước, trong và sau cuộc cách mạng này. Văn minh Việt còn thể hiện trong những giá trị được thể hiện trong kết quả của Cách mạng Tháng Tám với Tuyên ngôn Độc lập.

Không phải ngẫu nhiên mà trong đoạn mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dẫn nguyên văn một đoạn mang nội dung tư tưởng cơ bản nhất của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ (1776): “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Bản Tuyên ngôn cũng dẫn nguyên văn đoạn sau đây trong Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp (1781): “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Ghi nhận những “lời bất hủ” với những “lẽ phải không ai chối cãi được” vào Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh làm cho bản Tuyên ngôn không chỉ kết tinh những giá trị tinh thần thiêng liêng và văn minh của dân tộc ta, mà còn chứa đựng đầy đủ những giá trị chung của nhân loại. Sự thừa nhận với sự kết hợp hài hoà giữa dân tộc và nhân loại trong Tuyên ngôn Độc lập đã làm hoàn chỉnh giá trị văn minh Việt của Cách mạng Tháng Tám.

Từ sự khẳng định các quyền của con người không phân biệt giới tính, quốc tịch, chủng tộc, giai cấp... đều có sự bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, để cho mỗi người sống đúng giá trị của mình, Hồ Chí Minh đã phát triển thành quyền tồn tại trong tự do của mọi dân tộc và nguyên lý dân chủ, bình đẳng giữa các dân tộc trên thế giới trên cơ sở xác định đó là quyền tạo hóa trao cho các dân tộc.

Xuất phát từ “lời bất hủ” trong Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, nội dung phát triển này được Hồ Chí Minh chỉ ra như một lẽ tự nhiên: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Như vậy, sự bình đẳng với quyền tồn tại, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc không chỉ dừng lại ở cá nhân con người, mà được phát triển thành quyền của các dân tộc, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt lớn, nhỏ... đều được bình đẳng, đều “có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do” quyết định vận mệnh của mình.

Có thể nói, Tuyên ngôn Độc lập của nước ta sau Cách mạng Tháng Tám đã đặt cơ sở pháp lý cho một trật tự thế giới với quan hệ quốc tế mới dựa trên sự tôn trọng quyền dân tộc cơ bản và sự bình đẳng giữa các dân tộc. Đây cũng là tuyên ngôn nêu lên biểu thức cho một nền hoà bình bền vững trên hành tinh chúng ta và chỉ rõ những nguyên tắc cơ bản cho chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau là phải dựa trên sự bình đẳng với đầy đủ quyền của các dân tộc.

Dựa trên giá trị chung thể hiện ở “lời bất hủ” và những “lẽ phải không ai chối cãi được”, đồng thời căn cứ vào “những nguyên tắc dân tộc bình đẳng” mà các nước dân chủ đã công nhận để tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam mới, bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta cũng thể hiện rõ quan điểm của dân tộc Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

Cụ thể, phải tôn trọng quyền tự nhiên của các dân tộc và dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế để giải quyết các mối quan hệ quốc tế. Đó là cơ sở cho các dân tộc được sống trong hòa bình với đầy đủ quyền dân tộc tự nhiên, bình đẳng của mình và là nhân tố hàng đầu để văn minh thắng bạo tàn, cường quyền.

Có thể nói, tiếp theo 2 bản Tuyên ngôn của cách mạng Pháp và Mỹ về quyền con người, Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tuyên ngôn đầu tiên trên thế giới xác định rõ về quyền dân tộc cơ bản từ nền tảng của quyền con người. Phát triển từ quyền cá nhân thành quyền dân tộc chẳng những vẫn khẳng định mọi cá nhân là chủ thể của quyền con người, mà cả dân tộc cũng là chủ thể của các quyền đó.

Điều đó nói lên quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân cũng như của dân tộc không có gì trừu tượng, mà rất cụ thể và có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Mối quan hệ đó đem lại nội dung thực tế cho các quyền này, chứ không phải là các từ ngữ trống rỗng và điều đó cũng có nghĩa là chúng đảm bảo sự tồn tại lẫn nhau.

Quan điểm này đã được thể hiện rõ trên tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đó cũng là lý do tồn tại của nhà nước mới ở nước ta sau năm 1945.

Đó là những biểu hiện nữa của văn minh Việt trong Cách mạng Tháng Tám. Điều đó cho thấy, văn minh Việt của Cách mạng Tháng Tám không chỉ thể hiện trong sự hàm chứa những giá trị văn minh nhân loại, mà còn đóng góp vào sự phát triển văn minh của loài người.

Tinh thần và văn minh Việt của Cách mạng Tháng Tám tiếp tục được phát huy trên hành trình mới của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dân tộc ta với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã nhân danh văn minh chống lại sự tàn bạo của kẻ xâm lược hung tàn, đứng về phía hòa bình để chống lại chiến tranh, lấy chính nghĩa chống lại phi đạo lý đã đưa dân tộc tới đích hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Kể từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến nay, dân tộc Việt Nam đã bước vào giữa thập niên thứ ba của thiên niên kỷ mới, nhưng tinh thần và văn minh Việt của Cách mạng Tháng Tám vẫn tiếp tục tỏa sáng. Cần phải phát huy hơn nữa tinh thần và văn minh Việt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là bí quyết của thành công mà Chủ tịch Hồ Chí Minh - kiến trúc sư của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại - đã để lại cho chúng ta. Mang tinh thần, văn minh Việt của Cách mạng Tháng Tám vào hành trình đổi mới đến tương lai, nhất định dân tộc ta sẽ đến đích hoàn chỉnh của “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” trong sự tôn trọng của các dân tộc khác.

PGS-TS. Phạm Hồng Chương (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục