Màu Độc lập

0:00 / 0:00
0:00
Trong rạng rỡ cờ hoa đón ngày Tết Độc lập, vẳng nghe đâu đây lời hát hào hùng mà da diết: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay”. Màu Độc lập rực rỡ và ấm áp. Đất nước, đã lâu rồi, mới một lần nữa “trọn niềm vui”…
Không chỉ Hà Nội, mà TP.HCM và khắp dọc dài đất nước, đâu đâu trong những ngày Thu này cũng rạng rỡ cờ hoa. Ảnh: Đức Thanh Không chỉ Hà Nội, mà TP.HCM và khắp dọc dài đất nước, đâu đâu trong những ngày Thu này cũng rạng rỡ cờ hoa. Ảnh: Đức Thanh

1.

Hà Nội, giống như 77 năm trước, vẫn đang những ngày Thu vàng rực rỡ. Trong rạng rỡ cờ hoa đón mừng Tết Độc lập, vẳng nghe đâu đây bài hát “Đất nước trọn niềm vui”, hào hùng mà da diết đến lạ: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay, rộn ràng bao mê say…”.

Mấy mươi năm đón chào Tết Độc lập, vẫn nghe câu hát ấy, vẫn nhìn cờ hoa tung bay trong gió, ấy thế mà lạ ghê, năm nay, lòng háo hức và rưng rưng đến lạ. Nhìn hoa, nhìn cờ, thấy yêu biết bao nhiêu Tổ quốc mình.

Hơn hai năm rồi, đất nước chìm trong dịch bệnh. Bằng tầm này năm ngoái, TP.HCM, các tỉnh phía Nam còn oằn mình trong dịch bệnh, mất mát và đau thương. Làm gì có cờ hoa. Làm gì có Tết Độc lập đúng nghĩa. Chỉ có nỗi buồn và niềm đau chôn giấu tự sâu thẳm trong lòng.

Mới một năm thôi, đã biết bao đổi khác. Nhờ nỗ lực chống dịch của Chính phủ. Nhờ cả nước đoàn kết đứng bên nhau một lòng. Nhờ đất nước mở cửa trở lại, nên thay vì những con đường lặng như tờ, chỉ đâu đó tiếng còi xe cấp cứu vang lên đến xót lòng, đã nườm nượm người xe giao thương rộn rã, đã tràn trề sắc màu của cuộc sống đang hồi sinh. Màu hoa, màu cờ, màu phố xá… ấy chính là màu Độc lập, rực rỡ và ấm áp vô ngần.

Không chỉ Hà Nội, mà TP.HCM và khắp dọc dài đất nước, đâu đâu trong những ngày Thu này cũng thấy màu Độc lập. Đất nước đã quay về nhịp sống bình thường thuở trước. Những đau thương, tang tóc, giờ như chỉ còn trong ký ức. Còn bây giờ, là hy vọng, là niềm tin vào tương lai phía trước…

Mới trước Tết Độc lập mấy hôm, TP.HCM họp bàn về kinh tế - xã hội, nghe Chủ tịch Thành phố Phan Văn Mãi nói, TP.HCM tăng trưởng nhanh, phục hồi tốt nhiều mặt, ai cũng mừng vui. Hoạt động thương mại, dịch vụ đã trở nên sôi động. Khách du lịch quay trở lại Thành phố ngày một nhiều. Xuất nhập khẩu tăng mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 104% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu du lịch tăng 2.576% so tháng 8/2021…

Những con số tưởng chừng là khô khan và vô lý. Làm gì có tốc độ tăng trưởng nào lớn đến thế. Nhưng nếu nhớ tháng 8 năm ngoái, cả TP.HCM “ai ở đâu thì ở yên ở đó”, mọi hoạt động kinh tế, dân sinh bị ngừng trệ, thì sẽ hiểu những con số kia có ý nghĩa đến chừng nào. Tâm dịch của một năm về trước, đầu tàu kinh tế cả nước… đã hồi sinh mạnh mẽ, dù rằng ở phía trước, vẫn còn những rủi ro, khó khăn đang chực chờ…

2.

Chẳng cứ mỗi TP.HCM đang hồi sinh. Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ. Không phải chỉ là ta tự hào với ta như thế, cả các chuyên gia, các định chế tài chính nước ngoài đều có chung nhận định thế. “Phục hồi mạnh mẽ”, “bứt tốc nhanh chóng”, “đang đi đúng hướng”… là những cụm từ được nhấn mạnh rất nhiều để nói về kinh tế - xã hội Việt Nam sau hơn 2 năm chống chọi với Covid-19.

Tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô, của tháng 8 và 8 tháng năm nay đều cho thấy điều đó. Dễ thấy nhất là sức mua của nền kinh tế, đo bằng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tháng 8 tăng tới 50,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,9 lần, còn dịch vụ du lịch lữ hành gấp 65,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, mức tăng là 15,1%, sau khi đã trừ đi yếu tố giá cả.

Mà bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã nói rồi, cả về quy mô và tốc độ, đều đã quay trở về với thời điểm trước khi Covid-19 xảy ra.

Xuất nhập khẩu thậm chí còn đạt kết quả chưa từng có. 8 tháng, đã gần đạt ngưỡng 500 tỷ USD. Nhiều khả năng, cả năm sẽ đạt con số 800 tỷ USD - một kỷ lục, một con số mà chỉ cách đây ít năm, chắc chắn ngay cả các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa từng nghĩ tới.

Trong khó khăn vì Covid-19, thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn bứt tốc. Có yếu tố giá cả, nhưng những nỗ lực của doanh nghiệp trong khai mở thị trường, trong kết nối giao thương là không thể phủ nhận. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết chưa bao giờ mở toang cánh cửa để đất nước hội nhập sâu rộng đến thế với kinh tế toàn cầu.

Mấy mươi năm đón chào Tết Độc lập, vẫn nghe câu hát ấy, vẫn nhìn cờ hoa tung bay trong gió, ấy thế mà lạ ghê, năm nay, lòng háo hức và rưng rưng đến lạ. Nhìn hoa, nhìn cờ, thấy yêu biết bao nhiêu Tổ quốc mình.

Ngay cả du lịch, lĩnh vực được cho là gặp khó khăn vô cùng vì Covid-19 cũng đang dần phục hồi. Tết Độc lập này, sẽ nhiều lắm các du khách gần xa tỏa đi khắp các điểm du lịch trong cả nước. Du khách tăng, doanh thu tăng, dịch vụ khách sạn, lữ hành, du lịch sẽ hồi sinh.

Dù chưa thể sớm kéo khách du lịch quốc tế trở lại ngay, nhưng nhìn bạn bè chụp ảnh trong các chuyến công tác nước ngoài, lúc phải transit ở Nhật Bản, ở Đài Loan, Trung Quốc…, thấy không chỉ hàng quán trong sân bay đóng cửa im ỉm, mà ngay cả nhân viên sân bay vẫn trang bị bảo hộ chống dịch căng thẳng…, mới thấy, Việt Nam vẫn may mắn và nhanh nhạy vô cùng. Đã kịp thời chuyển hướng phương châm chống dịch, từ Zero Covid sang sống chung an toàn với dịch bệnh, để từ đó có thể mở cửa nền kinh tế từ giữa tháng 3 năm nay. Trên thế giới, vẫn còn những nước đang đóng cửa với du khách quốc tế…

Nhanh nhạy chớp thời cơ, lại nhiều tiềm năng, nên Fitch Solutions mới đây dự báo rằng, ngành công nghiệp không khói của Việt Nam có thể đạt doanh thu 11,1 tỷ USD vào năm 2024, vượt mức doanh thu 10,8 tỷ USD năm 2019 - một năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Con số này sẽ tăng lên khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2026, với hơn 22 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến đất nước Việt Nam yên bình…

Nền kinh tế Việt theo đó sẽ từng bước phục hồi và phát triển. Cùng với hội nhập toàn diện và sâu rộng, sẽ là một nền kinh tế tự chủ và có đủ “sức khỏe” để chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài...

Tất nhiên là sẽ còn nhiều việc phải làm, nhưng thành quả từ hơn 35 năm Đổi mới đủ tạo nền tảng quan trọng nhất để Việt Nam tiếp tục bứt phá, đi lên. Để 23 năm nữa, khi đón Tết Độc lập thứ 100, đất Việt đã trở thành một quốc gia cường thịnh.

3.

Nếu ai đó hỏi, Độc lập - điều quan trọng nhất là gì, thì câu trả lời, quan trọng nhất chính là người dân có “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. 77 năm trước, giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã khẳng định điều đó.

Độc lập, là mọi người dân có quyền được sống một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mọi đứa trẻ được đến trường học tập. Sau Tết Độc lập, là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, hàng thập kỷ nay vẫn thế.

Nhưng năm nay, có một ngày tựu trường đặc biệt, ngày tựu trường cho những đứa trẻ đã mất cha, mất mẹ vì Covid-19. Tháng 9/2021, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã khởi xướng ý tưởng xây dựng một ngôi trường dành cho các em nhỏ mất cha, mẹ do Covid-19, với mong muốn có thể đón 1.000 em nhỏ tới ngôi trường mang tên Hy vọng (Hope Schcool).

Gần 1 năm sau ngày ấp ủ ý tưởng đó, ngày 26/8 vừa qua, Hope School đã mở rộng vòng tay yêu thương, đón 200 học sinh đầu tiên tựu trường. Một lễ tựu trường đặc biệt, tràn ngập yêu thương và ấm áp vô cùng. Ở đó, có những vòng tay ôm rất chặt. Có những gương mặt trẻ thơ rạng rỡ những nụ cười. Có những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt của cả những người đàn ông tưởng chừng cứng rắn nhất...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, sau khi tới thăm Hope School đã gửi cho các em học sinh của Trường một bức thư thật dài. Rằng khi cùng các nhà văn đến thăm các em, “chúng tôi đã khóc”. “Khóc không chỉ vì những mất mát lớn lao của các em, mà khóc bởi trên gương mặt các em, những người đang chịu thiệt thòi lớn nhất lại bừng lên ánh sáng của niềm hy vọng mãnh liệt hơn bao giờ hết”. Và rằng, các em, những đứa trẻ đang phải gánh chịu những mất mát thương đau, nhưng lại “mang tới một giấc mơ không bao giờ tắt về cuộc sống này”.

Đó chính là sự màu nhiệm của tình yêu. Từ mất mát, đau thương, những niềm hy vọng mãnh liệt về một tương lai tốt đẹp hơn lại được vun trồng…

Đất Việt từ ngàn đời nay vẫn thế. Càng cam go, gian khó, càng vững bước tiến lên. Không chỉ trên con đường trường chinh chống giặc, mà cả trong xây dựng và phát triển đất nước. Ngày này 77 năm về trước, tiếng hô vang Lời thề Độc lập như đã kết nối muôn triệu con tim người Việt. Hai năm, đặc biệt là một năm trước đây, lại một lần nữa, tiếng hô vang “Việt Nam” lại giúp những người con Lạc Hồng đoàn kết, đứng bên nhau, chung sức cùng “chống giặc”. Và nay, là Tết Độc lập đầu tiên sau khi đất Việt thắng “giặc” Covid-19. Một cái Tết vì thế thật đặc biệt và đầy hào khí…

Hào khí ấy, dường như đã hơn một lần căng đầy trong lời thơ Tố Hữu.

“Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh

Thổi phòng lên. Tim bỗng hóa mặt trời”…

Khi “tim bỗng hóa mặt trời”, màu Độc lập càng thêm rực rỡ và ấm áp. Đất nước, đã lâu rồi, mới một lần nữa “trọn niềm vui”…!

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục