Tình người chung cư

(ĐTCK) Trái với hình dung “đèn nhà ai nhà nấy tỏ” lâu nay về chung cư, những cảnh tượng nhà nhà chụm đầu bên mâm cơm tập thể, trẻ em chụm đầu chơi bóng rổ, đàn ông quây quần bên ấm trà sảnh lounge, chị em chụm chân tập yoga trên tầng thượng, các cụ vui vầy với những động tác thái cực quyền…, cho thấy cuộc sống chung cư cũng muôn màu muôn vẻ. 
Tình người chung cư

Miễn là mỗi người cần biết tôn trọng sự riêng tư của nhau và tôn trọng những điều mà nhiều người nói vui là “hương ước” của chung cư.

“Đêm láng giềng”

“Đêm láng giềng” (Neighbour Night), đó là sự kiện mang cái tên nghe khá lạ tai diễn ra vào những ngày đầu năm 2016 do ban quản lý một khu đô thị lớn tại Hà Nội tổ chức nhân dịp chào đón tân cư dân của tòa bên vừa được bàn giao nhà. Sự kiện tiệc ngọt giao lưu ra mắt tân cư dân này nhằm tăng tình đoàn kết, theo kiểu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Thông điệp “đêm láng giềng” cũng từng được thể hiện từ trước đó tại nhiều khu chung cư trong cả nước. Đêm đến, vào những ngày đặc biệt trong năm, lễ chào mừng năm mới hay các dịp lễ lớn, cư dân lại nườm nượp rủ nhau lên tầng cao nhất của tòa nhà xem bắn pháo hoa và chuyện trò, chào hỏi nhau như đã thân thiết từ lâu lắm rồi.

Dịp Rằm trung Thu, lễ Giáng sinh năm qua, ban quản trị tại một khu chung cư thuộc dòng “có điều kiện” tại Hà Nội đã tổ chức làm bánh trung Thu khổng lồ (để sau đó chia nhỏ cho từng hộ dân), hay trưng bày cây thông noel cực đại giữa quảng trường khu đô thị, để không chỉ cư dân nội khu vui chơi, mà còn trở thành những không gian công cộng để những người dân xung quanh vào đây ngắm nhìn, lưu giữ những hình ảnh đẹp.

Tình người chung cư ảnh 1

Những dịp ấy, người dân chung cư cảm thấy thật tự hào về không gian sống của mình.

Còn với những ngày bình thường, cứ tối tối, cư dân lại hú nhau tụ tập nơi trước cửa tòa nhà, mà người ta vẫn thường đùa là “xuống đất đi”. Còn với các khu chung cư có điều kiện hơn thì không gian tụ tập lại rộng mở hơn nơi sảnh lounge (sảnh chờ), chốn sân vườn, khu vui chơi trẻ em, bể bơi ngoài trời, sân tennis...

Đã từ lâu, anh Đào Minh Thắng, căn hộ 1717 Tòa nhà R4B Royal City (72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) đã trở nên “nghiện” với việc mỗi tối thứ Tư hàng tuần lại họp hội trà nước tại sảnh lounge tòa nhà, mặc cho vợ con nhiều lúc lườm nguýt vì chểnh mảng việc nhà. Chỉ có điều, hội trà nước nơi đây vắng khói thuốc lá bởi quy định “no smoking”. Ai muốn hút thì phải rẽ ra ngoài cửa tòa nhà, nơi có 2 thùng rác chờ đợi.

Đàn ông có hội của đàn ông, phụ nữ cũng chả thiếu hội của mình. Kể cả trẻ em hay đội ngũ người giúp việc cũng đua nhau tụ họp bất kể lúc nào trong ngày. Thôi thì đủ thứ chuyện trên giời dưới bể, chuyện bỉm sữa, chuyện làm đẹp, hay tối nay ăn gì, cuối tuần chơi đâu. Có lẽ, chưa bao giờ ở chung cư lại có nhiều hội, tổ chức đoàn thể như giờ. Từ già đến trẻ đều có hội. Các cụ có hội dưỡng sinh, hội bóng bàn. Đàn ông có hội tennis, hội bóng đá, hội trà nước; phụ nữ có hội yoga, làm đẹp; trẻ em có hội bóng rổ/bóng đá/cầu lông/patin/bơi…

Tất nhiên, chuyện gì cũng có hai mặt. Điều tích cực là thêm khăng khít tình hàng xóm, láng giềng, nhưng nếu không tiết chế đủ độ, trở thành chuyện thóc mách, trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường cũng dễ xảy ra. Lúc đó có lẽ cũng chỉ biết chép miệng với nhau, “thôi thì mối tình nào chả có lúc trắc trở, khó khăn”…  

Những bữa ăn tập thể

Vẫn thường có câu “tình yêu thường đi qua cái dạ dày”. Vốn được các chủ đầu tư tính toán trước để hấp dẫn khách mua, nên đa số khu chung cư ở gần không ít chợ và siêu thị, thỉnh thoảng các gia đình nơi đây lại tụ tập làm nên những bữa ăn tập thể. Đó có thể là bữa ăn tại tư gia hay ở ngay chính khu ẩm thực của trung tâm thương mại bên dưới tầng hầm. Còn với những khu đô thị hạng sang đã có sẵn nhà sinh hoạt cộng đồng thì nơi đây thường là lựa chọn tối ưu.

Có thể có những eo xèo về chuyện một số khu chung cư hạng bình dân, khi tổ chức các bữa ăn tập thể theo kiểu ngồi bệt đầy chật chội tại hành lang, gây ra những hình ảnh phản cảm nhếch nhác, trở về thời bao cấp. Thế nhưng, dẫu thế nào vẫn cho thấy sự gắn kết mà các nơi ở thông thường khác dễ gì có được, âu cũng chỉ vì chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Anh Đinh Việt Dũng, cơ trưởng VietJet air, hội trưởng hội bóng bàn của một khu đô thị hạng sang bộc bạch: “Trước đây, cứ mỗi lần đi bay về lại lân la khắp chốn tìm niềm vui. Từ ngày về đây (chung cư), chả phải đi đâu cả. Chỉ ở đây thôi cũng đủ vui. Biết chung cư vui sống thế này thì đã về ở lâu rồi”. 

Vui buồn sẻ chia

Vào mùa hoa tam giác mạch cuối năm 2015, những chuyến phượt dài ngày đã được hàng chục hộ cư dân một khu chung cư tham gia và lưu giữ những hình ảnh đẹp với hàng dài xe ô tô cá nhân nối đuôi nhau. Hay những chuyến dã ngoại chụp ảnh bên sen hồ Tây, những cuộc gói bánh chưng bên bếp lửa hồng đầu năm 2016 như càng nối thêm tình thân.

Có thể có người cho đó là “phú quý sinh lễ nghĩa”, có thể vẫn có những khu chung cư hạng bình dân gánh nặng cơm áo gạo tiền nên chuyện ăn chơi, du lịch thường xuyên còn là giấc mơ xa xỉ. Thế nhưng, có một điểm chung, bất kể đó là khu chung cư nào, là sự sẻ chia mỗi khi gia đình nào đó có việc hiếu, việc hỷ hay những hoạt động chung tay vì cộng đồng…

Tình người chung cư ảnh 2

Nguyên nhân đơn giản vì lượng người ở tập trung và các hội nghị nhà chung cư thường xuyên được tổ chức. Những đợt quyên góp sách báo, đồ dùng học tập, quần áo của cộng đồng cư dân cho bà con Hà Giang ở Royal City, hay mới đây nhất là phong trào mua hoa ly ủng hộ bà con mất mùa Tây Tựu trên diện rộng tại hầu hết các khu chung cư tại địa bàn Hà Nội như Number One, Ecopark, Đại Thanh, Linh Đàm, Royal City, Times City... cho thấy, cái tình chung cư có thể được nhân lên thành những hoạt động thân ái vì cộng đồng nếu biết khơi gợi, biết nắm bắt.

Tất nhiên, nếu ở chung cư, sẽ không quá ngạc nhiên khi có những bất đồng từ việc bé tí đến mâu thuẫn lớn hơn. Chẳng hạn như đôi khi có chiếc dép tổ ong “thần thánh” không cánh mà bay từ hành lang nhà trên xuống nhà kế dưới, hay mùi thức ăn nhà A cứ mặc nhiên lao thẳng vào nhà B gây cảm giác khó chịu.

Còn nhiều việc lớn hơn như bất đồng của nhiều tập thể cư dân với chủ đầu tư hay ban quản trị về chất lượng căn hộ, dịch vụ tiện ích. Có những bất đồng không thể tự mình phân xử mà phải nhờ đến trọng tài. Nhưng có lẽ cũng phải thôi, chung nhau một bức tường, một cánh cửa và nhiều điều tưởng như rất nhỏ khác, không va chạm mới là điều lạ.

Ngay cả đến người ruột thịt trong gia đình cũng có lúc mặt nặng mày nhẹ với nhau, cứ gì cả ngàn người mà mới đầu chẳng thân thiết gì, chỉ là chung nhau một chỗ đi về. Vấn đề là người ta có thể giận nhau một ngày, một tuần, một tháng, chứ mấy ai căng thẳng với nhau cả năm. Mà hầu hết chúng ta, cư ngụ dưới một mái ấm vài chục năm là chuyện thường.

“Dù tranh luận, có lúc gay gắt nhưng chúng tôi vẫn là hàng xóm, láng giềng. Giống như chơi thể thao khi trên đấu trường thì tranh đấu quyết liệt nhưng xong trận, lại là những người bạn, người hàng xóm thân thiết”, anh V, thành viên ban đại diện của một tòa chung cư mới bộc bạch.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục