Nhưng điều này không có nghĩa là các chính phủ nên vứt bỏ kho dự trữ vắc xin AstraZeneca. Các chuyên gia nói rằng rất có thể vắc xin vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tật nặng và tử vong.
Tuy nhiên, tin tức này có thể là rào cản lớn trên con đường thoát khỏi đại dịch của thế giới vì điều này không thể kết thúc cho đến khi virus ngừng lây lan.
So với các vắc xin đã được chấp thuận và sử dụng cho đến nay, vắc xin Oxford-AstraZeneca có giá rẻ hơn, vận chuyển và bảo quản dễ dàng hơn. Do đó, điều này đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại đại dịch ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Nếu vắc xin không đủ hiệu quả để chống lại biến thể mới, nó có thể làm gia tăng khoảng cách tiêm chủng vốn đã rất lớn giữa các nước giàu nhất và nghèo nhất thế giới.
Nghiên cứu từ Nam Phi cho thấy rằng hai liều vắc xin AstraZeneca cung cấp khả năng bảo vệ "giảm đáng kể" chống lại Covid-19 từ nhẹ đến trung bình đối với biến thể virus mới lần đầu được xác định ở Nam Phi.
Nghiên cứu hiện vẫn chưa được xem xét hoặc công bố đầy đủ nên vẫn còn nhiều ẩn số.
Theo CNN, những gì đã được công bố là cuộc nghiên cứu bao gồm một số lượng tương đối nhỏ tình nguyện viên chủ yếu là trẻ và khỏe mạnh và do đó không có khả năng mắc bệnh Covid-19 nghiêm trọng. Điều đó có nghĩa là nghiên cứu đã không đánh giá khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong và nhiều chuyên gia cho rằng nó vẫn có thể ngăn ngừa những tình huống xấu này.
"Về trung hạn, điều quan trọng nhất là ngăn ngừa các tình trạng nghiêm trọng hơn của Covid-19 và người ta cho rằng vắc xin AstraZeneca sẽ làm được điều này", Tiến sĩ Peter English, chuyên gia tư vấn về kiểm soát bệnh truyền nhiễm nói với Trung tâm Truyền thông Khoa học của nước Anh.
Chiến lược tiêm chủng mới
Các vắc xin kém hiệu quả hơn có thể buộc các quốc gia có các biến thể mới chiếm ưu thế phải thay đổi chiến lược tiêm chủng.
Thay vì cố gắng đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, trọng tâm có thể là ngăn chặn càng nhiều ca tử vong càng tốt ngay cả khi virus vẫn tiếp tục lây lan.
Nam Phi đang tạm dừng triển khai vắc xin AstraZeneca sau nghiên cứu được công bố vào Chủ nhật (7/2).
Phát biểu với CNN, Giáo sư Salim Abdool Karim, đồng chủ tịch ủy ban cố vấn Covid-19 của Nam Phi cho biết, Nam Phi có thể sẽ áp dụng một "cách tiếp cận từng bước" và sẽ đánh giá tác động của vắc xin khi nó được tung ra ngoài.
"Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng cách tiêm chủng cho khoảng 100.000 người trong bước đầu tiên. Chúng tôi sẽ xem xét tỷ lệ nhập viện sau khi chúng tôi thực hiện các đợt tiêm chủng đó. Và nếu chúng tôi thấy rằng tỷ lệ nhập viện dưới ngưỡng mà chúng tôi đang xem xét thì chúng tôi có thể tự tin rằng vắc xin này có hiệu quả và chúng tôi có thể tiếp tục triển khai. Nếu chúng tôi nhận thấy rằng các ca nhập viện là đáng kể và nhiều hơn chúng tôi dự đoán thì chúng tôi sẽ phải dừng lại, kiểm tra xem chúng tôi đang ở đâu và có lẽ chuyển sang các loại vắc xin khác”, ông cho biết.
Đến thời điểm hiện tại, vắc xin AstraZeneca là một phần quan trọng trong các chương trình tiêm chủng đại trà ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Tuần trước, COVAX đã công bố kế hoạch phân phối hơn 337 liều trên toàn thế giới, trong đó 336 triệu liều là vắc xin AstraZeneca-Oxford và 1,2 triệu liều là vắc xin Pfizer-BioNTech.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam vào ngày 7/2, COVAX đã có thông báo bước đầu là chia sẻ cho Việt Nam từ 4,8 - 8,2 triệu liều vắc xin của AstraZeneca. Vắc xin sẽ về Việt Nam theo từng lô từ nay đến quý 2/2021.
Các chuyên gia từ COVAX cho biết hôm thứ Hai (8/2) rằng, nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của WHO đang hoàn thành các đề xuất mới về việc sử dụng vắc xin AstraZeneca.