Ngành ô tô Nhật Bản vẫn gặp thách thức lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có thể đã tránh được mức thuế quan cao của Mỹ, nhưng điều này có thể không mang lại nhiều an ủi khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang làm xói mòn lợi thế toàn cầu mà Nhật Bản đã nắm giữ lâu nay.
Ngành ô tô Nhật Bản vẫn gặp thách thức lớn

Vào ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng thuế quan ô tô đối với xe nhập khẩu từ Nhật Bản vào Mỹ đã được giảm từ mức 25% xuống còn 15%.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cảnh báo rằng ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản vẫn còn gặp nhiều thách thức.

"Thỏa thuận thương mại đạt được với Mỹ chắc chắn là phần nào nhẹ nhõm, vì nó mang lại sự chắc chắn rằng thuế quan của Mỹ đối với xe sản xuất tại Nhật Bản sẽ không tăng lên mức cao khắc nghiệt…Nhưng tôi không chắc đây có phải là tin tốt hay không. Mức thuế nhập khẩu 15% của Mỹ vẫn cao hơn đáng kể so với mức ban đầu của Nhật Bản và chắc chắn là mức cao hơn nhiều so với dự kiến của hầu hết mọi người”, Stefan Angrick, người đứng đầu bộ phận kinh tế thị trường Nhật Bản và thị trường mới nổi tại Moody's Analytics cho biết.

Các nhà phân tích cho rằng thách thức lớn hơn đến từ sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Từng là một thị trường tăng trưởng quan trọng cho các thương hiệu Nhật Bản, Trung Quốc đã trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Việc Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất tiên tiến đã biến quốc gia này thành một đối thủ đáng gờm ngay khi nhu cầu trong nước đối với ô tô sản xuất tại Nhật Bản bắt đầu giảm sút.

Karl Brauer, nhà phân tích điều hành tại iSeeCars cho rằng, ô tô giá rẻ của Trung Quốc vẫn là "mối đe dọa lớn nhất" đối với ngành công nghiệp ô tô và triển vọng kinh tế của Nhật Bản.

Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, đặc biệt là xe điện. Sự thống trị ngày càng tăng của quốc gia này trong các linh kiện quan trọng và đổi mới công nghệ xe điện đang ngày càng gây áp lực lên các nhà sản xuất ô tô nước ngoài.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng đang thâm nhập đáng kể vào Đông Nam Á – đây là khu vực được thống trị từ lâu bởi các thương hiệu Nhật Bản như Toyota, Honda và Nissan – nên khiến việc duy trì thị phần toàn cầu từng được xem là bất khả xâm phạm của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trở nên khó khăn hơn.

Theo báo cáo năm 2025 của PwC, thị phần của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Singapore đã giảm từ 68,2% vào năm 2023 xuống còn 63,9% vào năm 2024.

″Các hãng ô tô Trung Quốc đang mở rộng sang các thị trường mà các công ty Nhật Bản từng có chỗ đứng vững chắc. Thái Lan là một ví dụ”, chuyên gia của Moody’s Analytics cho biết.

Ngoài Đông Nam Á, còn một thị trường xuất khẩu ô tô lớn thứ hai của Nhật Bản cũng đang bị Trung Quốc cạnh tranh: Úc.

Một nghiên cứu gần đây do Hiệp hội Đại lý Ô tô Úc ủy quyền dự đoán rằng Trung Quốc sẽ vượt qua các quốc gia khác để trở thành nguồn nhập khẩu xe hàng đầu của Úc trong thập kỷ tới.

Theo báo cáo, đến năm 2035, 43% tổng số xe nhập khẩu vào Úc dự kiến sẽ được sản xuất tại Trung Quốc, tăng so với mức dự kiến 17% vào năm 2025. Ngược lại, lượng xe nhập khẩu từ Nhật Bản dự kiến sẽ giảm từ 32% vào năm 2025 xuống còn 22% vào năm 2035.

Những thách thức trong nước

Bên cạnh yếu tố cạnh tranh từ bên ngoài, ngành ô tô Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế trong nước, bao gồm lạm phát cao và chi tiêu tiêu dùng suy yếu, tương tự như các nền kinh tế phát triển khác.

Trong khi các nhà sản xuất ô tô lớn như Toyota tiếp tục thành công trong nước, Nissan lại đặc biệt dễ bị tổn thương do mối đe dọa ngày càng tăng từ ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.

Những sai lầm trước đây của ban điều hành và việc đóng cửa nhà máy theo kế hoạch đang làm trầm trọng thêm những khó khăn của hãng. Nissan có kế hoạch đóng cửa 7 trong số 17 nhà máy vào năm tài chính 2027 và cắt giảm khoảng 15% lực lượng lao động toàn cầu như một phần của kế hoạch tái cấu trúc.

"Nhìn chung, triển vọng của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản rất thách thức", ông Stefan Angrick nhận định.

“Mặc dù quy mô toàn cầu và dấu ấn sản xuất đa dạng của Toyota mang lại cho hãng lợi thế tương đối trong việc vượt qua những thách thức này, nhưng các nhà sản xuất ô tô nhỏ hơn như Subaru và Mazda lại chịu nhiều áp lực hơn”, Mio Kato, người sáng lập Lightstream Research cho biết.

Tuy nhiên, Subaru và Mazda lại có lợi thế nhờ mối quan hệ chặt chẽ với Toyota. Trong khi Mazda cùng liên doanh một nhà máy chung với Toyota thì Subaru đang hợp tác với Toyota để sản xuất một mẫu xe điện được đồng phát triển, dự kiến ra mắt vào năm 2026.

Về lâu dài, ông Mio Kato tin rằng những mối quan hệ đối tác này có thể được củng cố, có khả năng dẫn đến một sự hợp nhất chính thức hơn dưới sự bảo trợ của Toyota.

Tuy nhiên, các nhà phân tích thừa nhận rằng mức thuế quan cuối cùng của Tổng thống Trump mang lại ít nhất một lợi ích, đó là khả năng dự đoán.

Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể kết luận đầy đủ tác động dài hạn của thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Nhật Bản, nhưng việc có một thỏa thuận thuế quan được xác nhận sẽ cho phép các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nắm rõ cấu trúc giá cả và chi phí của họ trong tương lai.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ mức thuế suất mà các nhà sản xuất ô tô ở các quốc gia khác sẽ phải đối mặt.

“Tôi cho rằng trường hợp của Nhật Bản hiện đã được hiểu tương đối rõ, nhưng xét về khả năng cạnh tranh, chẳng hạn như so với ô tô sản xuất tại Hàn Quốc hay được xuất khẩu từ Mexico và Canada, điều đó vẫn có thể ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của các công ty ô tô Nhật Bản”, ông Mio Kato cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục