Cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và bộ 3 chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra hôm Chủ nhật (14/6), một trong những nỗ lực gần như cuối cùng cứu Hy Lạp khỏi nguy cơ vỡ nợ đã bị đổ vỡ do sự khác biệt giữa những điều mà các chủ nợ yêu cầu và những chính sách cải tổ mà Hy Lạp đưa ra.
Thông tin kinh tế mới của Mỹ vừa công bố trái chiều. Sau những dữ liệu khả quan của doanh số bán lẻ, thị trường lao động, niềm tin người tiêu dùng được công bố trước đó, dữ liệu mới công bố hôm đầu tuần này cho thấy, sản xuất của bang New Yỏrk giảm xuống mức thấp nhất 2 năm do đơn đặt hàng mới giảm. Chỉ số điều kiện kinh doanh nói chung Fed New York giảm từ 3,09 trong tháng 5, xuống âm 1,98 trong tháng 6, chạm mức thấp nhất kể từ tháng Giêng năm 2013.
Sản xuất công nghiệp tháng 5 bất ngờ giảm, giảm 0,2%.
Dù vậy, với các dữ liệu tích cực trước đó, nhất là thị trường lao động, giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng Fed sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp 2 ngày kết thúc vào thứ Tư này.
Với liên tiếp các thông không tích cực trên, phố Wall đã có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp khi mở đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Dow Jones giảm 107,67 điểm (-0,60%), xuống 17.791,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,68 điểm (-0,46%), xuống 2.084,43 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 21,13 điểm (-0,42%), xuống 5.029,97 điểm.
Dĩ nhiên, với thông tin khởi nguồn từ lục địa già, chứng khoán châu Âu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong phiên đầu tuần mới, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng có phiên giảm thứ 2 liên tiếp, nhưng mức giảm mạnh hơn so với phiên cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 15/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 74,40 điểm (-1,10%), xuống 6.710,52 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 211,52 điểm (-1,89%), xuống 10.984,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 85,83 điểm (-1,75%), xuống 4.815,36 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoài bị ảnh hưởng thông tin về nguy cơ Hy Lạp bị vỡ nợ, sẽ ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế châu Âu nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung, chứng khoán khu vực này cũng chịu những tác động nội tại. Chứng khoán Hồng Kông chịu ảnh hưởng do ảnh hưởng chính trị, chứng khoán Trung Quốc đại lục chịu ảnh hưởng khi MSCI từ chối đưa chứng khoán Trung Quốc vào chỉ số tiêu chuẩn.
Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục những phiên lình xình với những phiên tăng, giảm rất nhẹ.
Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 19,29 điểm (-0,09%), xuống 20.387,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 418,73 điểm (-1,53%), xuống 26.861,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 103,36 điểm (-2,00%), xuống 5.062,99 điểm.
Trong khi chứng khoán đồng loạt chìm trong sắc đỏ với lo ngại về tình hình Hy Lạp, thì đây lại là thông tin tích cực cho giá vàng. Cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp với các chủ nợ bị đổ vỡ giúp vai trò trú ẩn của vàng tăng lên, tuy nhiên, đà tăng của giá vàng bị chặn lại tại ngưỡng 1.190 USD/ounce khi giới đầu tư lo ngại khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp kết thúc vào thứ Tư này.
Kết thúc phiên 15/6, giá vàng giao ngay tăng 4,9 USD (+0,41%), lên 1.186,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 5,2 USD/ounce (+0,44%), lên 1.185,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 5 USD/ounce (+0,42%), lên 1.185,8 USD/ounce.
Trong khi đó, dữ liệu kinh tế mới của Mỹ, cùng tình hình Hy Lạp khiến giới đầu tư lo lắng về kinh tế toàn cầu, trong khi Ả Rập Xê út lại có ý định gia tăng sản lượng sản xuất dầu khiến mối lo dư cung càng lớn hơn và đẩy dầu có phiên giảm mạnh tiếp theo.
Kết thúc phiên 15/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,44 USD/thùng (-0,74%), xuống 59,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,26 USD (-2,01%), xuống 62,61 USD/thùng.