Đúng như lo ngại của giới đầu tư, cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp đổ vỡ đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch cuối tuần.
Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố tích cực gần đây cũng khiến giới đầu tư lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự bi quan của nhà đầu tư trên phố Wall. Sau doanh số bán lẻ khả quan, niềm tin người tiêu dùng Mỹ và dữ liệu sản xuất vừa công bố tiếp tục cho kết quả khả quan.
Tuy nhiên, dù giảm điểm khá mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng nhờ có những phiên tăng điểm trước đó, nên phố Wall cũng đã có tuần tăng điểm trở lại sau tuần giảm trước đó, nhất là S&P 500 đã lấy lại đà tăng sau 2 tuần giảm liên tiếp.
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số Dow Jones giảm 140,53 điểm (-0,78%), xuống 17.898,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,75 điểm (-0,70%), xuống 2.094,11 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 31,41 điểm (-0,62%), xuống 5.082,51 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,28%, chỉ số S&P 500 tăng 0,11% và chỉ số Nasdaq tăng 0,28%.
Trên trường chứng khoán châu Âu, những lo ngại về tình hình Hy Lạp khiến chứng khoán khu vực giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần. Dù cuộc đàm phán nợ với IMF đổ vỡ và các quan chức châu Âu đã có cuộc họp để tính tới khả năng vỡ nợ của Hy Lạp, nhưng Thủ tướng nước này vẫn tỏ ra lạc quan. Dù vậy, giới đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi về sự lạc quan này.
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 61,82 điểm (-0,90%), xuống 6.784,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 136,29 điểm (-1,20%), xuống 11.196,49 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 70,18 điểm (-1,41%), xuống 4.901,19 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,29%, chỉ số DAX giảm 0,01%, chỉ số CAC 40 giảm 0,40%.
Trái ngược với chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á lại có phiên giao dịch cuối tuần khá tích cực. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên tăng điểm, dù mức tăng nhẹ hơn nhiều so với phiên trước khi nhà đầu tư lo lắng về tình hình Hy Lạp và khả năng Fed tăng lãi suất.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng mạnh sau khi lo lắng về căn bệnh MERS tại đặc khu này giảm dần. Chính 2 phiên tăng điểm cuối tuần giúp chứng khoán Hồng Kông lấy lại được toàn bộ những gì đã mất trong tuần và kết thúc tuần gần như không đổi so với cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 24,11 điểm (+0,12%), lên 20.407,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 372,69 điểm (+1,39%), lên 27.280,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 44,76 điểm (+0,87%), lên 5.166,35 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm nhẹ 0,26%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp, trong khi chỉ số Hang Seng hồi nhẹ 0,07% và chỉ số Shanghai Composite tiếp tục tăng 2,85%.
Giá vàng có phiên giằng co khá mạnh trong phiên cuối tuần. Dù chịu áp lực bán khá mạnh, nhưng việc đồng USD giảm trở lại, cùng rủi ro địa chính trị tại châu Âu giúp vàng vẫn giữ được sự cân bằng và qua đó kết thúc 3 tuần giảm liên tiếp trước đó.
Theo giới phân tích, giá vàng hiện đang chịu những tác động trái ngược. Một bên là lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất, còn một mặt lại được hưởng lợi từ những bất ổn địa chính trị tại châu Âu, mà điểm đáng chú ý nhất là khả năng Hy Lạp vỡ nợ.
Kết thúc phiên 12/6, giá vàng giao ngay giảm 0,7 USD (-0,06%), xuống 1.181,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 0,2 USD/ounce (+0,02%), lên 1.180,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 0,4 USD/ounce (+0,03%), lên 1.180,8 USD/ounce.
Với 3 phiên tăng liên tiếp đầu tuần và 2 phiên giảm nhẹ cuối tuần, giá vàng đã có tuần tăng giá trở lại sau tuần giảm khá mạnh trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,77%, giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 0,79% và giá vàng giao tháng 8 tăng 0,77%.
Tuần tới, giá vàng không được đánh giá cao sẽ test được ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh 1.200 USD/ounce, tạo ra sự bi quan đối với nhà đầu tư.
Trong cuộc khảo sát tuần này của Kitco, trong 421 người tham gia cuộc thăm dò trực tuyến, có 297 người, chiếm 71% cho rằng vàng sẽ giảm trong ngắn han, trong khi chỉ có 75 người, chiếm 18% có cái nhìn lạc quan về giá vàng và 49 người, tương đương 12% giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, theo cuộc thăm dò 34 chuyên gia trên thị trường, có 20 người trả lời tuần này. Trong đó, có 12 người, chiếm 47% cũng cho rằng vàng sẽ giảm tuần tới, trong khi chỉ có 5 chuyên gia, chiếm 25% giữ quan điểm lạc quan về giá vàng và 3 người còn lại giữ quan điểm trung lập.
Giá dầu có phiên giảm thứ 2 liên tiếp sau khi Ả Rập Saudi cho biết, họ sẵn sàng nâng sản lượng lên mức cao kỷ lục, làm tăng thêm những lo lắng về tình trạng dư cung toàn cầu.
Kết thúc phiên 12/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,81 USD/thùng (-1,35%), xuống 59,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,24 USD (-1,94%), xuống 63,87 USD/thùng.
Tương tự giá vàng, dù giảm 2 phiên liên tiếp cuối tuần, nhưng giá dầu vẫn có tuần tăng trở lại sau tuần giảm mạnh trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 1,40%, giá dầu thô Brent tăng 0,88%.