Tín hiệu mới từ môi giới địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất động sản đang ấm dần, thúc đẩy người làm môi giới địa ốc quay trở lại với nghề.
 Môi giới bất động sản là cầu nối giữa giữa chủ đầu tư và khách hàng. Ảnh: Dũng Minh Môi giới bất động sản là cầu nối giữa giữa chủ đầu tư và khách hàng. Ảnh: Dũng Minh

Cơ hội dần mở ra

Chỉ ít ngày làm việc sau Tết Giáp Thìn, một hiện tượng đã lâu mới gặp là điện thoại của người viết bắt đầu xuất hiện những cuộc gọi mời chào mua nhà đất ở nơi này, nơi kia. Đem thông tin này trò chuyện với một sàn môi giới tại buổi khai xuân của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cuối tuần qua, ảnh bảo “đó là dấu hiệu rõ nhất của niềm tin thị trường dần trở lại, vì các môi giới là người khá nhạy cảm với cung - cầu”.

Thực tế, tác động của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, nguồn cung hạn chế do vướng mắc pháp lý kéo dài, động thái quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý, niềm tin thị trường xuống thấp… là những yếu tố khiến thị trường bất động sản trầm lắng suốt hơn 3 năm qua, từ đó tác động tiêu cực tới người làm môi giới địa ốc.

Theo VARS, tính đến đầu tháng 12/2023, chỉ còn chưa đến 100.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, giảm 70% so với giai đoạn cao điểm. Về mức lương, từ cuối năm 2022 đến nửa đầu năm 2023, gần 95% nhân sự ngành bất động sản bị giảm thu nhập. Trong đó, 14% có thu nhập giảm 20-30%; hơn một nửa giảm 30-40% và khoảng 5% giảm trên 70%.

Một khảo sát lương năm 2023 do Navigos Group công bố gần đây cho thấy, thu nhập nhân sự quản lý ngành xây dựng và bất động sản đã giảm đáng kể, nhiều vị trí có mức giảm một nửa, thậm chí giảm hai lần so với 2 năm trước đó. Với đội ngũ môi giới bất động sản, mức lương cơ bản 3,5-5 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền hoa hồng, phụ cấp dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng; với những người làm lâu năm, mức thu nhập 20-30 triệu đồng, nhưng rất ít môi giới được nhận đủ lương và hoa hồng trong năm qua.

Tuy nhiên, từ cuối quý III/2023, thị trường bất động sản bắt đầu xuất hiện dấu hiệu tích cực, các cơ quan chức năng nỗ lực trong việc hạn chế rủi ro và giúp khu vực bất động sản chuyển đổi sang quy mô phù hợp và bền vững hơn, các doanh nghiệp trong ngành bắt đầu có dấu hiệu “sáng cửa” hơn. Ước tính, số lượng người ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh bất động sản cuối năm 2023 tăng hơn 50% so với đầu năm nhờ các chiến dịch tuyển nhân lực mạnh mẽ từ các chủ đầu tư dự án, đại lý phân phối sản phẩm.

Khảo sát của Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (Dat Xanh Services) về động thái của những môi giới bất động sản đã nghỉ việc trước đó cho thấy, 11% cho biết đã quay trở lại với nghề trong quý III/2023; 38% sẽ trở lại khi thị trường hồi phục; 24% đang phân vân, chờ tình hình thị trường năm 2024 sẽ quyết định sau; 27% đã đổi nghề, không có ý định quay lại ngành bất động sản.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc một văn phòng môi giới bất động sản tại Hà Đông (Hà Nội) cho hay, tâm lý thị trường vẫn còn thận trọng sau thời gian dài chìm trong khó khăn. Dẫu vậy, thời điểm này cũng là cơ hội cho người có tiền mặt khi mặt bằng giá của nhiều dự án đã được điều chỉnh phù hợp hơn so với trước đây.

Ghi nhận thực tế cho thấy, một số chủ đầu tư bắt đầu nối lại hoạt động mở bán mới và thu về thành công nhất định. Nhiều nhà đầu tư với nguồn vốn nhàn rỗi và có tầm nhìn dài hạn tích cực săn tìm các bất động sản giảm giá sâu tại những khu vực có tiềm năng tăng trưởng. Chưa kể, theo ông Thành, trong giai đoạn này, các chương trình ưu đãi kích cầu từ trước Tết Nguyên đán vẫn được duy trì để hỗ trợ người mua. Đây là lý do các sàn môi giới tự tin hơn và bắt đầu thực hiện các chiến dịch tuyển dụng nhân sự để đón đầu thị trường.

Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam mới đây do VARS và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phối hợp thực hiện đánh giá, nỗ lực từ nhiều phía (Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hệ thống ngân hàng, bản thân doanh nghiệp…) đã giúp thị trường bất động sản thoát khỏi nguy cơ “rơi không phanh” và dần hồi phục trở lại. Các chính sách hỗ trợ được thẩm thấu, lượng giao dịch tăng dần từ đầu quý II/2023 đến nay với mức tăng trung bình 30-40% theo quý.

Đặc biệt, bước sang năm 2024, nền kinh tế được nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng ở mức cao (6%) sẽ là cú huých mạnh mẽ đối với thị trường bất động sản. Thu nhập người dân cải thiện, nhu cầu chi tiêu tiêu dùng tăng kết hợp với lãi suất ưu đãi hấp dẫn… thúc đẩy nhu cầu mua và đầu tư bất động sản. Nhờ đó, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành được kỳ vọng sẽ trở nên tươi sáng hơn.

Như đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Cường, Tổng giám đốc GC Land, khác với cách đây hơn một năm khi các chủ đầu tư quá khó khăn, cạn kiệt nguồn tiền, việc nợ phí môi giới nhiều gây nhiều áp lực cho các đơn vị phân phối. Còn hiện tại, vấn đề tài chính đã ổn định hơn và họ hiểu rằng, bán được hàng là cách nhanh nhất để có nguồn tiền về. Chính vì vậy, các chủ đầu tư rất quan tâm đến việc bán hàng qua các sàn giao dịch. Vì thế, không những không bị nợ phí, các sàn bán tốt ở thời điểm này còn được hưởng nhiều ưu đãi như nâng phí môi giới, thưởng nóng... từ chủ đầu tư để khích lệ hiệu quả làm việc.

Cần chuẩn bị kỹ càng

Khảo sát của Dat Xanh Services về động thái của những môi giới bất động sản đã nghỉ việc trước đó cho thấy, 11% đã quay trở lại với nghề trong quý III/2023; 38% sẽ trở lại khi thị trường hồi phục; 24% chờ tình hình thị trường năm 2024 mới quyết định; 27% đã đổi nghề, không có ý định quay lại ngành bất động sản.

Cơ hội phục hồi của thị trường bất động sản sẽ rộng mở hơn khi cùng lúc nhiều luật liên quan được thông qua, khơi thông vướng mắc pháp lý vốn là điểm nghẽn từ nhiều năm nay, từ đó tác động tích cực lên hoạt động môi giới.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đưa ra nhiều tiêu chí với cá nhân hoạt động trong ngành môi giới bất động sản, chẳng hạn phải có chứng chỉ hành nghề, phải công tác trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một đơn vị kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản… Các quy định này sẽ giúp nâng cao chất lượng, năng lực môi giới, cũng là một cách sàng lọc những cá nhân không đủ điều kiện.

Tại cuộc gặp gỡ các thành viên đầu năm mới do VARS tổ chức tuần qua, câu chuyện nâng chuẩn chất lượng môi giới cũng là chủ đề được quan tâm nhiều nhất, bởi lẽ trong giai đoạn mới với nhiều yêu cầu khắt khe từ thị trường, các môi giới buộc phải chuyên nghiệp hơn, không chỉ từ câu chuyện “đáp ứng” bằng chứng chỉ hành nghề, mà còn bằng cả trình độ chuyên môn thực tế.

TS. Trần Xuân Lượng - giảng viên chuyên ngành bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân nhìn nhận, cơ hội sẽ đến với những đơn vị phân phối có nguồn lực tài chính vững, đủ khả năng vượt qua khó khăn để bắt đầu chu kỳ mới. Cơ hội cũng sẽ đến với các môi giới địa ốc có sự chuẩn bị kỹ càng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch Gooroo Group đánh giá, giai đoạn khó khăn cũng là cơ hội để các cá nhân, doanh nghiệp môi giới nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Theo ông Huy, môi giới địa ốc là một nghề đòi hỏi sự chuyên nghiệp và người môi giới cần phải “đa năng”, hiểu biết nhiều lĩnh vực, thay vì chỉ tập trung vào sản phẩm cụ thể của một dự án. Người môi giới ngoài kiến thức chuyên môn, còn cần cả những kiến thức bổ trợ về tài chính, pháp lý, quản trị, phong thủy, quảng cáo - truyền thông… để tiếp cận được khách hàng.

Bên cạnh đó, trải nghiệm khách hàng cũng là yếu tố cần quan tâm. Bởi vậy, người môi giới ngoài việc bán được bao nhiêu sản phẩm thì cần đặt mục tiêu phục vụ được bao nhiêu khách hàng và bao nhiêu người quay lại trở lại mua hàng của mình.

Linh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục